Đã có một thời ảnh báo chí của chúng ta được đặt ở vị trí xung kích, có vai trò to lớn trong các thể loại báo chí.
Khi đất nước bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam hay chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, mỗi bức ảnh báo chí, hay lúc đó còn gọi ảnh thời sự, đều mang đến cho bạn đọc một cảm xúc bị thuyết phục bởi tính chân thật và thông tin mà nó mang đến. Người đọc không chỉ đọc những thông tin về sự kiện mà còn được nhìn thấy sự kiện qua ống kính của các nhà báo, không tô vẽ, them bớt. Ngày đó chưa có truyền hình thì ảnh thời sự quả là vũ khí truyền thông sắc bén.
Chúng ta không quên những tác phẩm no thời sự nổi tiếng có giá trị lịch sử và nghệ thuật cao như: “O Du kích nhỏ” của Phan Thoan, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” của Minh Trường, “Chiếm Căn cứ Đầu Mầu” của Đoàn Công Tính, “Tải đạn” của Lê Chí Hải, “Phúc Tân kêu gọi trả thù” của Vũ Ba, “Chạy đâu cho thoát” của Mai Nam, “Nhằm thẳng quân thù mà bắn” của Vũ Tạo, “Tiểu đội nữ thanh niên xung phong ngã ba Đồng Lộc” của Văn Sắc và hang trăm bức ảnh thời sự nổi tiếng khác.
Những tác phẩm đó không chỉ có giá trị lịch sử cao mà còn có giá trị nghệ thuật lớn, có sức lan tỏa mạnh mẽ không chỉ ở trong nước, mà còn ra thế giới. Nhiều tác phẩm đã đoạt giải cao ở trong nước và các cuộc triển lãm ảnh quốc tế.
Các nhà báo cầm máy ảnh của chúng ta thời đó chỉ có phương tiện thô sơ, in tráng bằng tay, giấy và thuốc ảnh chất lượng thấp lại hiềm và đắt, được phân phối với số lượng ít ỏi theo quy định của cơ quan báo chí. Vượt qua những trở ngại đó, họ đã để lại một di sản vô giá.
Tự hào về thế hệ nhà báo cầm máy ảnh đàn anh trước đây, chúng ta không khỏi chạnh lòng tự hỏi: Vì sao hôm nay chúng ta có phương tiện hiện đại, kỹ thuật tiên tiến và vô cùng tiện lợi, chi phí làm ảnh không đắt, phương tiện giao thông sẵn sàng có thể giúp chúng ta nhanh chóng tiếp cận sự kiện nhưng lại không tạo nên những tác phẩm ảnh báo chí xứng đáng?
Phải chăng ngày nay phương tiện nghe nhìn hiện đại, cập nhật thường xuyên hang giờ, thậm chí hằng phút, nhiều khi trực tiếp, nên ảnh báo chí không còn độc tôn chiếm lĩnh tâm hồn và xúc cảm của công chúng? Phải chăng cũng chính vì thế mà nhà báo chúng ta coi nhẹ ảnh báo chí, coi nó chỉ là chi tiết minh họa trong một tác phẩm báo chí?
Tại Giải báo chí toàn quốc trước đây hay Giải báo chí quốc gia 2 năm 2006 và 2007 vừa qua, mặc dù được quan tâm dành riêng một loại giải, nhưng số lượng ảnh báo chí gửi đến tham dự giải cũng rất ít và chất lượng chưa được như mong đợi. Vì lẽ đó mà những tác phẩm báo chí đoạt giải cũng chưa ngang tầm với báo chí hiện đại và chưa đáp ứng được yêu cầu của Hội đồng Giải, hoặc là có tác phẩm đoạt giải nhưng chưa có giải cao.
Bên cạnh đó, trong khi ảnh nghệ thuật của Việt Nam hằng năm gửi tham dự các cuộc thi quốc tế đã đoạt nhiều giải cao, đưa Việt Nam lên hang “cường quốc” về ảnh nghệ thuật thì ảnh báo chí của chúng ta hầu như không có giải cao, trừ một số rất ít tác giả, như nhà báo Phạm Việt Thanh ở Thông tấn xã Việt Nam đã giành được một số giải thưởng quốc tế, trong đó có tác phẩm ảnh báo chí “Ti vi về bản” được nhận giải nhất cuộc thi ảnh châu Á – Thái Bình Dương.
Trên báo của chúng ta hiện nay, số lượng ảnh xuất hiện không phải là ít. Xin nêu một ví dụ thống kê chọn ngẫu nhiên một số tờ báo:
Báo Tuổi trẻ, ngày 28/11/2008 có 70 tin, bài, thì có đến 40 ảnh kèm theo. Báo Công an Nhân dân cùng ngày có 69 tin, bài, thì có 40 ảnh kèm theo. Báo Thanh niên, ngày 1/12/2008 có 61 tin, bài, thì có 45 ảnh, trong đó có 3 tin ảnh độc lập và 42 ảnh kèm tin, bài. Báo Lao động cùng ngày có 55 tin, bài thì có 23 ảnh kèm theo…
Nhìn chung tỷ lệ ảnh sử dụng trên các báo khá cao. Nhưng có một nhận xét: hầu hết ảnh đăng báo của chúng ta hiện nay là ảnh kèm theo tin, bài; có tính chất bổ trợ trực quan cho tin, bài, minh họa cho tin, bài chứ chưa được các cơ quan báo chí và các nhà báo chúng ta tao nên những tác phẩm ảnh báo chí độc lập, có sức nặng như khẳ năng có thể của th
ể loại báo chí này. Mới chỉ có một vài cơ quan báo chí quan tâm đến việc này, mà đó lại là các tạp chí chuyên ảnh như Báo ảnh Việt Nam chẳng hạn.
Một thực trạng nữa phổ biến ở các ấn phẩm dạng tạp chí, đặc san là ảnh khá đẹp về hình thức, lòe loạt, bắt mắt nhưng ít thông tin báo chí, hầu hết mang tính chất minh họa, trang trí, thậm chí lấp chỗ trống và không ít được xử lý photoshop với trình độ cao. Còn phổ biến tình trạng trang bìa của những số đặc biệt là những hình ảnh được sắp đặt, lắp ghép, bố trí sao cho đẹp như một tác phẩm hội họa hoặc tranh cổ động, nhiều khi công thức đến mức nhàm chán, chứ không phải là một tác phẩm ảnh báo chí điển hình cho chủ đề của ấn phẩm đó.
Việt Nam chúng ta những năm gần đây đang vươn lên như một hiện tượng về sự trỗi dạy của nền kinh tế, sự ổn định chính trị, điểm đến an toàn cho du khách quốc tế, địa chỉ đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài… Bên cạnh đó, thiên tai, dịch bệnh, những vấn đề về môi trường đang là những thách thức to lớn đối với con người trên mảnh đất này. Tất cả những điều đó đang trở thành những sự kiện, hiện tượng quan trọng có thể làm chất liệu rất tốt cho sự ra đời những tác phẩm ảnh báo chí có chất lượng cao.
Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức Hội thảo này nhằm tìm ra lời giải cho bài toán nâng cao chất lượng ảnh báo chí, góp phần đưa ảnh báo chí lên đúng vị trí của nó trong hoạt động báo chí hiện nay.
Chúng tôi thử đưa ra một số vấn đề để chúng ta cùng trao đổi ý kiến như sau:
Thứ nhất, nhận thức, quan niệm của lãnh đạo các cơ quan báo chí về ảnh báo chí, việc sử dụng ảnh báo chí cũng như biên tập ảnh báo chí trên các ấn phẩm của cơ quan mình.
Thứ hai, về tính chân thật của ảnh báo chí.
Thứ ba, về phóng sự và ảnh phong sự trên báo chí.
Thứ tư, vấn đề đào tạo phóng viên ảnh báo chí.
Trên đây chỉ là một số gợi ý của Ban tổ chức Hội thảo. Chúng tôi hy vọng trong Hội thảo này, các đồng chí phát huy trí tuệ, thẳng thắn tranh luận, nhằm tìm đến một tiếng nói chung, góp phần làm cho ảnh báo chí Việt Nam của chúng ta vươn lên tầm cao mới, xứng đáng với vai trò và vị trí của nó và vươn lên ngang tầm khu vực và quốc tế.
Lê Quốc Trung