Sáng ngày 20-4, tại trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra buổi tọa đàm “Kỷ niệm 80 năm ra đời đề cương Văn hóa Việt Nam 1943-2023; đoàn HOPA tham gia 9 thành viên. NSNA Trần Quốc Dũng, Trưởng ban lý luận Phê bình HOPA đã có bài tham luận, được hội nghị hết sức quan tâm. Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó giám đốc sở Văn hóa Thể thao thành phố đã phát biểu, trong đó có đánh giá cao việc Hội Nhiếp ảnh TP HCM tổ chức lễ hội nhiếp ảnh quốc tế lần thứ nhất.
Xin trân trọng giới thiệu bài tham luận: Nắm vững và vận dụng sáng tạo “ba nguyên tắc vận động” của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong nhiếp ảnh của NSNA Trần Quốc Dũng:
Tháng 2/1943, Đảng ta ban hành Đề cương về văn hóa Việt Nam do đồng chí Tổng Bí Thư Trường Chinh soạn thảo và được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp tại Võng La (Đông Anh, Phúc Yên). Đề cương xác định rõ, để thực hiện cuộc cách mạng văn hóa ở nước ta, phải nắm vững “ba nguyên tắc vận động”, đó là: Dân tộc hóa, Đại chúng hóa và Khoa học hóa. Ba nguyên tắc đã trở thành phương châm, mục tiêu hành động, là quan điểm xuyên suốt trong quá trình cách mạng và xây dựng nền văn hóa mới. Trải qua 80 năm, Đề cương về văn hóa Việt Nam vẫn tỏa sáng, dẫn đường cho sự nghiệp văn hóa dân tộc, trong đó có văn học nghệ thuật, bao gồm cả nhiếp ảnh.
Ba nguyên tắc vận động trong Đề cương có thể được tóm tắt như sau: Dân tộc hóa là làm cho văn hóa trực tiếp phục vụ sự nghiệp dân tộc, làm cho trí thức có lòng tự hào, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam; Đại chúng hóa là văn hóa của nhân dân, phục vụ nhân dân, làm cho mọi người biết thưởng thức và tham gia sáng tạo nghệ thuật, dần dần chiếm lĩnh các giá trị tinh thần mà dân tộc và loài người tạo ra; chống mọi chủ trương, hành động làm cho vǎn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa rời quần chúng; Khoa học hóa là tạo điều kiện cho nền văn hóa dân chủ phát triển về mọi mặt trên cơ sở khoa học
Trong khi nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác có tuổi đời đã lâu và gắn liền với lịch sử văn hóa nhân loại, thì khi Đề cương ra đời (1943), nhiếp ảnh còn rất “trẻ”, mới chỉ hơn một trăm năm tuổi (kể từ 1839 do Louis Daguerre phát triển). Do vậy với nhiếp ảnh, việc thực hiện ba nguyên tắc trên là hoàn toàn phù hợp, nhất là về nguyên tắc khoa học đồng thời “khớp” một cách tự nhiên. Xét về bản chất, nhiếp ảnh là sự kết hợp không tách rời, rất nhuần nhuyễn giữa nghệ thuật, cuộc sống, khoa học kỹ thuật. Cộng với “sức trẻ”, ba nguyên tắc đã tạo cho nhiếp ảnh một điểm tựa vững chắc và cũng là hành lang dẫn lối để hưởng ứng, vận dụng, góp phần xứng đáng vào cuộc vận động văn hóa của dân tộc.
Về Dân tộc hóa, nhiếp ảnh góp phần quan trọng trong việc quảng bá, lưu trữ, tôn vinh, giữ gìn và bảo tồn văn hóa dân tộc. Đó là trách nhiệm, nghĩa vụ và cũng là niềm tự hào của nhiếp ảnh, của những người cầm máy. Nhiếp ảnh không chỉ ghi nhận một cách thụ động mà còn chủ động đi trước đón đầu, góp phần nghiên cứu, tái hiện lịch sử, hình ảnh văn hóa cuộc sống, văn hóa vật thể và phi vật thể, hoạt động văn hóa truyền thống dân tộc như các lễ hội, đời sống văn hóa tâm linh, sinh hoạt, trang phục, ẩm thực …
Giá trị dân tộc Việt Nam ngày càng được Đảng và Nhà nước đề cao khi xu hướng hội nhập quốc tế ngoài những điều tốt, cái hay còn kéo theo nguy cơ bị “hòa tan” hay bị dẫn dắt về văn hóa. Giữ gìn bản sắc dân tộc cần phải được thực hiện song song bằng nhiều biện pháp khác nhau, bằng nhiều loại hình văn học nghệ thuật, trong đó có nhiếp ảnh. Đó chính là một trong những biện pháp quan trọng nhằm nâng cao nội lực về tinh thần, tình cảm, khí chất con người trong quá trình hòa nhập về văn hóa với các nước trên thế giới. Trong quá trình thực hiện Đề cương về văn hóa trong những thập kỷ vừa qua, những bộ hình ảnh về văn hóa dân tộc Việt Nam phục vụ cho du lịch, nghệ thuật dân gian, bảo tồn di sản dân tộc đã được nhiếp ảnh xây dựng và lưu giữ có hệ thống. Một số ví dụ, về đề tài này riêng về thể loại sách ảnh, chỉ riêng NSNA Nguyễn Á đã xuất bản nhiều bộ sách, trong đó có “Đờn ca tài tử – lời tự tình của dân tộc, quê hương”, “11 di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam được UNESCO vinh danh”, “Hầu đồng Việt Nam”; NSNA Hồng Nga với “10 năm sận khấu trong tôi” hay NSNA Đào Hoa Nữ với “ Festival Huế” và còn nhiều nữa. Còn ảnh nghệ thuật nói về văn hóa dân tộc, hàng chục năm nay, trong các cuộc thi ảnh nghệ thuật ở cấp Trung ương, địa phương hay hội nhiếp ảnh các cấp đều có những bộ ảnh tham gia về lễ hội, tuồng, chèo, đàn ca tài tử, múa hay trò chơi dân gian. Gần đây nhất, có nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh rất nổi tiếng về đề tài văn hóa dân tộc, đơn cử như NSNA Trần Nhân Quyền với những bộ ảnh về Lễ hội như “Lễ hội cầu nước”, “Lễ Hội Chiến Thắng Hoa Đào – Đống Đa”, “Lễ Hội Linh Tinh Tình Phộc” … Mảng đề tài rất quan trọng, thường chiếm một tỷ lệ đáng kể trong các cuộc thi ảnh nghệ thuật. Thông qua các cuộc thi ảnh các cấp, hàng năm ngành văn hóa có thêm hàng ngàn hình ảnh, bộ ảnh về mảng đề tài này. Những tác phẩm văn hóa này đã được sử dụng rộng rãi trong quảng bá, tuyên truyền, vận động phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân và cũng như trong tuyên truyền đối ngoại.
Về Đại chúng hóa, ngày nay khi nhiếp ảnh phát triển mạnh mẽ, hình ảnh cũng ngày càng được sử dụng phổ cập rộng rãi hơn trong xã hội. Theo đà tiến bộ của khoa học kỹ thuật và mức sống người dân ngày càng được nâng cao, hầu như ai cũng sở hữu một chiếc điện thoại di động. Điều này dẫn đến việc chụp và sử dụng hình ảnh ngày càng trở nên phổ biến hơn. Khi trình độ dân trí của người dân về hình ảnh được nâng cao, điều này sẽ càng thúc đẩy yêu cầu sáng tạo nghệ thuật trong nhiếp ảnh phải được nâng cao tương xứng hơn. Với chủ trương Xã hội hóa đối với văn hóa, trong đó có nhiếp ảnh, các địa phương, các lĩnh vực kinh tế cũng như các doanh nghiệp sẽ đầu tư nhiều hơn vào hoạt động sáng tạo nghệ thuật, trong đó có nhiếp ảnh. Điều này thúc đẩy nhiếp ảnh ngày càng phát triển, góp phần đại chúng hóa trong cuộc vận động văn hóa sẽ càng rộng khắp hơn.
Xem xét nguyên tắc vận động thứ ba Khoa học hóa, ta thấy đây lại chính là một trong những nền tảng then chốt để nhiếp ảnh hoạt động và phát triển. Về bản chất, khi mới ra đời, nhiếp ảnh được phát minh dựa trên cơ sở khoa học, đó là phản ứng quang – hóa và trải qua gần hai trăm năm, đến nay công nghệ nền tảng cơ bản để đảm bảo nhiếp ảnh hoạt động là kỹ thuật số. Không chỉ có vậy, nhiếp ảnh ngày nay không đứng một mình. Dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, để tạo ra tạo môi trường sinh thái cho nhiếp ảnh hoạt động, các lĩnh vực cộng sinh khác bên cạnh nhiếp ảnh như truyền dẫn mạng, lưu trữ dữ liệu cũng rất phát triển. Theo nguyên tắc vận động Khoa học hóa, những người hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh đều ít nhiều phải biết kỹ thuật mà tối thiểu là sử dụng trang thiết bị ngành ảnh, khai thác phần mềm xử lý ảnh và sắp tới là truyền dẫn và lưu trữ dữ liệu hình ảnh.
Nhiếp ảnh là loại hình nghệ thuật mang tính cá nhân cao. Tất cả những hoạt động khép kín từ A đến Z trong nhiếp ảnh đều do một người – người cầm máy quyết định. Từ ý tưởng, sáng tạo, kịch bản, chụp ảnh, hoàn chỉnh tác phẩm cho đến tiêu thụ sản phẩm đều do một người thực hiện. Chính vì vậy, các nguyên tắc của cuộc vận động văn hóa, cả Dân tộc hóa, Đại chúng hóa và Khoa học hóa đều do chính người nghệ sĩ nhiếp ảnh thực hiện. Nói một cách đơn giản, hình ảnh do người nghệ sĩ nhiếp ảnh sáng tạo ra, không những chỉ tuân thủ mà còn cần vận dụng sáng tạo những nguyên tắc đó. Đảm bảo nguyên tắc Dân tộc hóa, hình ảnh khi chụp ở Việt Nam cần mang tính dân tộc cao. Đó là ảnh về Việt Nam, cho Việt Nam và vì Việt Nam. Tiếp theo, ảnh phải dành cho số đông quần chúng trong xã hội, được số đông quần chúng tán thưởng và ảnh cần mang tính khoa học cao nhất. Chúng ta đều biết tính khoa học luôn gắn liền với sự tiến bộ của xã hội. Để đạt được điều này đòi hỏi người cầm máy phải tự hoàn thiện mình, nâng cao ý thức chính trị xã hội, có khả năng sáng tạo nghệ thuật, tinh thông kỹ thuật và biết về kinh tế. Đây cũng chính là những bước phát triển về nhân lực trong nhiếp ảnh. Trước đây, trong thời gian kháng chiến và thời kỳ bao cấp, trình độ khoa học kỹ thuật và khả năng làm kinh tế không đặt nặng đối với người hoạt động nhiếp ảnh. Ngày nay hướng dẫn sử dụng máy ảnh, khai thác phần mềm xử lý ảnh và ngay cả điều lệ tham dự các cuộc thi ảnh quốc tế, đều bằng tiếng Anh. Kiến thức và trình độ người nghệ sĩ nhiếp ảnh đã khác trước nhiều lắm, nhất là tính khoa học và khả năng hội nhập quốc tế. Với yêu cầu đặt ra ngày càng cao, điều này đòi hỏi người nghệ sĩ nhiếp ảnh phải luôn nỗ lực học hỏi, nâng cao trình độ về mọi mặt, đặc biệt về ý thức xã hội và nghệ thuật nhiếp ảnh.
Trong quá trình lãnh đạo cuộc vận động văn hóa đất nước theo Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, một chủ trương quan trọng khác đã được Đảng đưa ra ý tưởng từ năm 1988 và được cụ thể hóa bằng Nghị quyết 90/CP của Chính phủ 08/1997, đó là chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa. Chủ trương này đã “cởi trói” cho xã hội khỏi cơ chế bao cấp và mở rộng đường cho cuộc vận động văn hóa phát triển. Xã hội hoá đã và đang thu hút các nguồn đầu tư, khai thác các tiềm năng về nhân lực, vật lực và tài lực trong xã hội cho văn hóa, trong đó có nhiếp ảnh.
Trong giai đoạn tới đây, khi sự nghiệp văn hóa đất nước đang hướng tới tầm cao hơn, đó là Công nghiệp văn hóa thì mục tiêu, nhiệm vụ của ngành văn hóa, trong đó có nhiếp ảnh cũng phải đặt ra cho mình mục tiêu mới ở tầm cao hơn, quy mô lớn hơn và với giá trị lớn hơn. Những nguyên tắc vận động có thể được điều chỉnh nhưng không thể thay đổi về bản chất. Về điều chỉnh, khả năng rõ nhất có thể là những “điều chỉnh kỹ thuật”. Dưới tác động của những biến đổi xã hội và tiến bộ khoa học kỹ thuật sẽ dẫn đến việc hình thành thị trường nhiếp ảnh và môi trường sinh thái nhiếp ảnh.
Sự hình thành thị trường nhiếp ảnh phản ảnh nhu cầu giao dịch thương mại sản phẩm ảnh ngày càng lớn trong đời sống xã hội, con người và trong hoạt động kinh tế, sản xuất, dịch vụ. Theo đó, môi trường sinh thái nhiếp ảnh cũng sẽ được hình thành khi nhu cầu đảm bảo “sản xuất hình ảnh, truyền dẫn, khai thác, sử dụng và kinh doanh thương mại” sản phẩm hình ảnh ngày càng mở rộng, cả về bề mặt và chiều sâu. Tuy nhiên, dù có hình thành thị trường và môi trường sinh thái thì bản thân hoạt động cốt lõi của nhiếp ảnh vẫn không thay đổi, đó là tạo ra hình ảnh nghệ thuật mang tính xã hội, vì con người.
Trong những năm gần đây, nhiếp ảnh thành phố Hồ Chí Minh đang có những bước chuyển mình rõ rệt, mạnh về chất và nhiều về lượng. Thấm nhuần chủ trương xã hội hóa, hướng tới xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh và trong khuôn khổ công nghiệp văn hóa, từng bước xây dựng công nghiệp nhiếp ảnh, Hội Nhiếp ảnh thành phố Hồ Chí Minh đã mở rất nhiều hoạt động mới, tổ chức các cuộc thi truyền thống với sự chỉ đạo chuyên môn và phối hợp với Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam; mở các cuộc thi với sự liên kết với các địa phương như thành phố Thủ Đức, Nhà bè; hợp tác với các doanh nghiệp lớn như Phú Mỹ Hưng, Vinfast; tăng cường hợp tác quốc tế, mở cuộc thi và Liên hoan Hội chợ nhiếp ảnh quốc tế … Điểm mạnh của những hoạt động này là luôn bám sát, tuân thủ và vận dụng sáng tạo những nguyên tắc Dân tộc hóa, Đại chúng hóa và Khoa học hóa được nêu trong Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943.
80 năm đã trôi qua nhưng Đề cương về văn hóa Việt Nam với ba nguyên tắc vân động vẫn tỏa sáng và giữ nguyên giá trị cho sự nghiệp văn hóa cả nước nói chung và nhiếp ảnh Việt Nam, trong đó có nhiếp ảnh thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.