VĂN HÓA TÁC NGHIỆP NGƯỜI CẦM MÁY
Trần Quốc Dũng
Văn hóa nhiếp ảnh là phạm trù rộng lớn bao gồm rất nhiều mảng mảnh, trong đó có văn hóa của người cầm máy. Có được kho tàng đồ sộ hình ảnh có giá trị cho đất nước như ngày nay, có thể khẳng định một phần quan trọng là nhờ có nền văn hóa cao trong lĩnh vực nhiếp ảnh, mà trực tiếp là văn hóa của đại đa số những người cầm máy.
Con người quyết định tất cả, chính vì vậy văn hóa của người cầm máy là quan trọng nhất, ảnh hưởng có tính quyết định tới những mảng khác trong nhiếp ảnh. Con người tạo ra tác phẩm, người cầm máy quyết định tác phẩm, trong đó “hàm lượng” văn hóa của người cầm máy quyết định “hàm lượng” văn hóa trong tác phẩm. Tính văn hóa của tác phẩm ảnh được hình thành bởi nhiều yếu tố nhưng có lẽ quan trọng hơn cả vẫn là trình độ giáo dục, nhận thức, tầm văn hóa và tay nghề của người cầm máy. Không tuyệt đối nhưng có thể nói, người cầm máy càng có trình độ văn hóa cao, có văn hóa cầm máy chuyên nghiệp càng dễ cảm nhận được đối tượng hay vấn đề để phản ảnh, càng có khả năng tạo ra tác phẩm ảnh có giá trị.
Nói đến đội ngũ những người cầm máy, chúng ta tự hào có rất nhiều người trong số đó có nền tảng văn hóa vững chắc, cả nhận thức cũng như văn hóa tác nghiệp. Văn hóa tác nghiệp chính là “phần nổi” thể hiện rõ nét nhất về bản thân người cầm máy. Trước khi được chiêm ngưỡng tác phẩm là “phần hồn” của người cầm máy, người đối diện hay công chúng được “chiêm ngưỡng” việc làm, hành vi, cách ứng xử của họ thông qua văn hóa tác nghiệp. Mặc dù đa số là đúng và “đẹp” nhưng không phải là không có những người có vấn đề trong cách hành xử và cả trong quá trình tác nghiệp. Đi sâu phân tích về nguyên nhân dẫn đến điều này, ta có thể thấy người cầm máy chịu tác động từ một số yếu tố làm ảnh hưởng đến nét văn hóa tác nghiệp như sau:
Thứ nhất đó là sự “hấp dẫn” khách quan của chủ đề, sự kiện, đối tượng, nhân vật, phong cảnh … mà người cầm máy cảm nhận được, đã tác động đến chính bản thân họ. Sự “hấp dẫn” tạo sự cảm nhận, gây được ấn tượng để người cầm máy muốn ghi lại khoảnh khắc đó. Có thể nói trong sáng tác ảnh, sức “hấp dẫn” khách quan tạo sự “bùng phát” trong con người, khiến người cầm máy quên đi tất cả, vứt bỏ tất cả để lao lên giành giật khoảnh khắc với thời gian. Trong sáng tác ảnh, khoảnh khắc là quyết định. Không “chộp’ được khoảnh khắc quí giá thì tất cả chỉ còn lại sự nuối tiếc. Điều này lý giải tại sao khi quan sát người cầm máy tác nghiệp, người xung quanh đôi khi cảm thấy khó hiểu hay nếu ngộ nhận, có thể cảm thấy như người cầm máy đang hành động nhưng thiếu điều gì đó mang nét văn hóa. Những người cầm máy theo trường phái thời sự nghệ thuật thường tác nghiệp theo phong cách này khi họ phải bỏ lại đằng sau tất cả, kể cả tính mạng mình như trong chiến tranh. Tuy nhiên ở trường phái khác, những gì trực quan người cầm máy cảm nhận có thể chỉ là cái “gốc” để họ suy tưởng, tư duy tạo dựng tác phẩm trên nền tảng “gốc” đó mà thôi. Đó là những người cầm máy theo trường phái nhiếp ảnh nghệ thuật đơn thuần. Khi đó người cầm máy có thời gian để tư duy ý tưởng, áp dụng nghệ thuật sắp đặt, tạo nguồn sáng, sử dụng đạo cụ, thay đổi trang phục, áp dụng các phần mềm xử lý … để tạo ra một tác phẩm hoàn hảo. Có thể nói giá trị của loại hình thời sự nghệ thuật và nghệ thuật đơn thuần khác nhau nhiều lắm, tuy nhiên dù loại hình nào cũng phải qua khâu tác nghiệp tại hiện trường. Vậy nhưng tại hiện trường nào văn hóa tác nghiệp cũng không khác nhau là mấy, vì cùng là nhiếp ảnh. Chỉ có điều, những người cầm máy sáng tác theo trường phái nghệ thuật đơn thuần thường “ung dung” hơn vì có qũy thời gian rộng và dài hơn để pha trộn,chế tác.
Thứ hai có thể thấy tính khác biệt hay tư duy đột phá của người cầm máy khi bấm máy còn ít. Các trường, lớp, câu lạc bộ, nhóm nhiếp ảnh sinh hoạt tập thể, học lại của nhau dễ tạo ra “khuôn mẫu” để cho “ra lò” những tay máy, những nhóm bạn có cảm nhận xã hội và góc nhìn nghệ thuật khá giống nhau.Một người thấy đẹp thì cũng dễ lôi cuốn, khiến nhiều người cũng thấy đẹp – hiện tượng này thường xảy ra theo kiểu “hiệu ứng tụ tập đám đông” trong nhiếp ảnh. Việc tìm tòi góc độ riêng tạo ra cái đẹp độc đáo cần đòi hỏi tư duy độc lập, sáng tạo và tính quyết đoán của từng người cầm máy. Tiếc rằng bản lĩnh nghệ thuật thường chỉ có đối với những tay máy vững về quan điểm sáng tác, am hiểu nghệ thuật, cao về tư duy sáng tạo, giỏi về kỹ thuật, mạnh về tính cách và có khả năng chủ động trong cuộc sống, kể cả tài chính. Trong thực tế, những người như vậy không nhiều. Trong sáng tác, khi nhiều người xúm vào chụp một nhân vật hay sự kiện, cũng có những người “gác máy” đứng nhìn. Có thể có rất nhiều lý do để người đó làm vậy nhưng trong đó có thể không loại trừ “lực hấp dẫn” chưa đủ hay người đó có cảm nhận riêng và cả bản lĩnh riêng trong góc nhìn. Do vậy, trong nhiếp ảnh, khi cầm máy bạn cũng cần cân nhắc có nên tham gia vào đám đông kia đang xúm vào chụp không? hay tự mình chọn một góc khác, kể cả không chọn góc nào khi cảm thấy không muốn chụp.
Thứ ba nét văn minh, sự tôn trọng tác quyền trong tác nghiệp nhiếp ảnh chưa được thực sự đề cao. Trong nhiếp ảnh, không cần phải xem ảnh của người khác để chụp lại mới là xâm phạm sở hữu trí tuệ mà chỉ cần copy vị trí, góc chụp trên thực địa đã có thể coi là vi phạm. Cụ thể, đã từng có hiện tượng khi thấy ai đó tìm được góc hay về bố cục, đẹp về ánh sáng lập tức có người chẳng nề hà, len lỏi, chen lấn để có được cùng góc đó. Cũng đã có thời, thấy “người đương thời” đứng đâu là có người cầm máy theo đấy. Hậu quả của phong cách này là những loạt ảnh na ná giống nhau khi tất cả cùng chụp. Tuy nhiên, thời gian gần đây và càng về sau hiện tượng này ngày càng ít đi khi tính chuyên nghiệp hay nói cách khác văn hóa tác nghiệp và cả ý thức tôn trọng trí tuệ của người cầm máy được nâng cao.
Thứ tư nói về sự đam mê tột cùng mang tính chủ quan của người cầm máy trong sáng tác thì khó văn nghệ sỹ nào trong các lĩnh vực khác so sánh được. Khó khăn, gian khổ, hiểm nguy người cầm máy chẳng nề hà nhưng chính sự đam mê tột cùng khi tác nghiệp dễ làm cho người cầm máy quên đi việc làm của mình để rồi ảnh hưởng đến người khác hay công chúng. Điều này khiến họ phiền lòng, tạo ra sự thiếu thiện cảm đối với người cầm máy và “oan” cho cả giới nhiếp ảnh.
Thứ năm sự tôn trọng của người cầm máy dành cho chính bản thân mình. Văn nghệ sỹ ai cũng có lòng tự trọng, trong đó có các nghệ sỹ nhiếp ảnh. Tuy nhiên như các yếu tố nêu trên, người cầm máy nhiều khi “quên mình” để có được hình ảnh mong muốn. Nói cách khác, họ sẵn sàng “đánh đổi” hình ảnh của mình lấy tác phẩm. Bản thân người trong cuộc không để ý nhưng người khác thì thấy rõ. Do vậy, có lẽ bằng cách nào đó, người cầm máy cần tự cân bằng cả hai, tác phẩm và sự thiện cảm của xã hội dành cho chính bản thân mình. Điều này không dễ nhưng hãy nhìn vào những nghệ sỹ nhiếp ảnh chuyên nghiệp, họ có cả những tác phẩm giá trị và được công chúng ngưỡng mộ, quí mến mà trong số đó có NSNA Hoàng Thế Nhiệm, NSNA Nguyễn Á … Điều họ làm, không gì khác mà chính là nâng cao văn hóa, trong đó có văn hóa tác nghiệp.
Thứ sáu hình ảnh, hành vi người cầm máy trước công chúng. Thật khó cho người cầm máy có được ngoại hình bóng bẩy, láng mượt như các nghệ sỹ sân khấu. Để có được những tấm hình đẹp ở những góc độ khác nhau, họ phải chụp ở nhiều tư thế, kể cả quì, nằm, người ướt nhèm, thân bê bét bùn đất với bao máy móc thiết bị lủng củng quanh người. Đó là yêu cầu khách quan khi tác nghiệp nhưng đừng vì thế mà cố tạo hình dáng, trang phục của mình sao cho thật “nghệ sỹ” theo phong cách “ngầu, bụi” hay dáng vẻ trang phục, phong cách khác đời như ít người vẫn “thể hiện”
Khi tác nghiệp riêng biệt có ít công chúng xung quanh, nét văn hóa của người cầm máy thể hiện không rõ. Vậy nhưng trong sự kiện, lễ hội, liên hoan thì khác và có nhiều điều để nói. Điều đầu tiên, đó là sự tôn trọng của người cầm máy dành cho công chúng khi tác nghiệp. Một vài điển hình có thể thấy, nhiều người cầm máy thường gây ra sự chen lấn, đi lại lộn xộn, cản trở đồng nghiệp hay vượt qua hàng rào bảo vệ, che khất người xem để cố chụp một tấm ảnh …
Riêng đối với nhân vật được thể hiện qua ống kính, gần đây nhất điển hình trong ngày làm việc chính thức tại Đại hội Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức tại Hà Nội (ngày 12/10/2020) đã xảy ra hiện tượng không bao giờ nên lặp lại. Đó là khi một vị đại diện Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến dự Đại hội đã có cả gần trăm đại biểu là nghệ sỹ nhiếp ảnh, trong tay mỗi người có một đến hai chiếc máy ảnh đã tràn lên vây quanh vị khách đặc biệt để chụp ảnh hay được chụp ảnh cùng. Một số khác đứng ngoài chụp lại cảnh cả rừng máy vậy quanh yếu nhân. Điều này đã gây ra một cảnh tượng hỗn độn, lộn xộn chưa từng thấy trong một Đại hội. Khó có thể tưởng tượng nổi cảnh gần cả trăm người vây quanh một nhân vật, chen lấn để có một vị trí chụp. Bảo vệ đã phải bất đắc dĩ kéo tay, thậm chí phải đẩy nhiều người ra ngoài. Có nhiều người đứng trên sân khấu chụp xuống, quì một chân xuống sàn chụp lên, đứng lên ghế, lên bàn để chụp. Cảnh hỗn độn ấy kéo dài không dưới mười phút và chắc vị đại diện Lãnh đạo Đảng và Nhà Nước của chúng ta vốn đã quá quen với những ống kính hướng thẳng cùng ánh flash chớp lòa nhưng lúc này cũng đành ngồi im “chịu trận” trước “rừng” ống kính vây quanh.
Với sự cảm nhận xã hội, vị khách đặc biệt của Đại hội là người được nhân dân cả nước yêu mến, đặc biệt trong năm nay đã góp phần quan trọng trong việc điều hành đẩy lùi dịch Covid. Do vậy việc chụp ảnh lưu lại hình ảnh vị khách đến dự Đại hội là một việc làm đáng trân trọng, nhất là đối với những người làm công tác báo chí tuyên truyền. Trong số các đại biểu tham dự Đại hội nhiều người là phóng viên, nhà báo thì việc này là dễ hiểu. Vậy nhưng với số đông còn lại cũng ào lên chụp thì có lẽ do bị tác động từ bên ngoài cuốn hút. Có thể nói các nghệ sỹ chưa dành sự tôn trọng cần thiết đối với người hay nhân vật được chụp. Nếu được chụp một cách văn minh, lịch sự, thực sự trân trọng, người được chụp sẽ cảm thấy vui pha chút hãnh diện nhưng khi bị “dồn ép” vây quanh bởi “rừng” ống kính chen lấn xô đẩy, dù là ai chắc hắn cũng sẽ cảm thấy không thoải mái, kể cả khó chịu. Trong khi đó, nhiều người ngồi dưới không lên chụp cảm thấy “tê tái” trước cảnh hỗn độn khi văn hóa tác nghiệp của người cầm máy xem ra chưa được quan tâm đúng mức hay chưa được coi trọng.
Điều đáng nói thêm, trước hiện tượng như vậy, những người phụ trách khâu lễ tân, trật tự của Ban Tổ chức Đại hội (cũng là những nghệ sỹ nhiếp ảnh) không có ý kiến gì. Phải chăng Ban Tổ chức cũng bỏ qua hay không nhận ra nét văn hóa tác nghiệp của các nghệ sỹ cần có trong Đại hội, phó mặc cho những người làm công tác an ninh, trật tự phải vất vả vãn hồi không khí Đại hội. Và cuối cùng, những người ào lên chụp cũng chỉ có trong tay những tấm ảnh có chất lượng không cao do bối cảnh chụp hỗn độn. Có nên cầm máy trong hoàn cảnh thế này không? Điều này nên được suy ngẫm. Đây chỉ là một ví dụ nhưng có lẽ với những việc làm như vậy, phần nào đã làm giảm đi nét thiện cảm của người đối diện hay công chúng khi nhìn vào những người cầm máy tác nghiệp.
Để nâng cao giá trị văn hóa của nhiếp ảnh, một trong những điều cần thiết đặt ra chính là nâng cao “văn hóa nền”, bao gồm trong đó cả sự hiểu biết, nhận thức và văn hóa tác nghiệp của người cầm máy.
Carm ơn anh đã cho biết thêm một trường phái mới trong nhiếp ảnh. Đó là trường phái thời sự nghệ thuật. Tôi chưa đồng tình với anh về thuật ngữ này vì đã là thời sự thì không thể ghép tính từ “nghệ thuật” vào nó.Tác nghiệp ảnh phóng sự có đặc thù riêng của nó và hoàn toàn khác rất xa với tác nghiệp ảnh nghệ thuật.