THẤY GÌ QUA TRẠI SÁNG TÁC “ĐẤT & NGƯỜI TÂY NGUYÊN”
Trần Quốc Dũng
Trại được Hội Nhiếp ảnh Tp. Hồ Chí Minh (gọi tắt là Hội) tổ chức tại Đắk Nông và Đắk Lắk trong khoảng 22- 26/04/ 2021. Hoạt động Trại Sáng tác là hoạt động thường niên của Hội tuy nhiên cũng như các trại hàng năm, trại nào cũng có những nét riêng và năm nay cũng vậy.
Việc tổ chức Trại Sáng tác vào dịp đầu năm cần được đánh giá là một nỗ lực lớn của Ban Chấp hành (BCH) Hội được bầu ra trong Đại hội lần thứ 8 tổ chức vừa qua (ngày 24-25/10/2020) với 4 thành viên hiện hữu đang hoạt động (chưa được 40% so với số lượng thành viên BCH được Đại hội dự kiến bầu là 11). Với một BCH “rút gọn” một cách bất đắc dĩ như vậy, các thành viên BCH có thể nói đã phải “cật lực, gồng mình để tổ chức một trại sáng tác với đại diện của các chi hội thuộc Hội. Theo kế hoạch mỗi chi hội được cử 2 người tham gia Trại, trong đó một chi hội trưởng hoặc phó. Sự hiện diện của thành viên BCH các chi hội trong Trại hiển nhiên nói lên mong muốn của BCH Hội muốn quy tụ, thống nhất các chi hội trong Hội. Đây là một việc làm cần thiết của BCH Hội sau một kỳ Đại hội chưa trọn vẹn. Sự có mặt của 17/22 ( 77 %) chi hội trưởng hay phó các chi hội tham gia Trại khẳng định sự đồng tình, sát cánh cao của đa số các BCH chi hội bên BCH Hội trong nhiệm kỳ không ít khó khăn này. Đây là một con số có ý nghĩa đối với Hội Nhiếp ảnh Tp. Hồ Chí Minh.
Nói về đề tài của Trại sáng tác “Đất và Người Tây Nguyên” được BCH Hội chọn lần này, đây là đề tài thực sự hấp dẫn đối với tất cả những người cầm máy, cả những NSNA lâu năm lẫn những tay máy trẻ trung, mới mẻ. Những cặp mắt Tây Nguyên no tròn trong veo, tiếng cồng chiêng trầm hùng bên ánh lửa bập bùng, tiếng bầy voi gầm rống ở cuối mỗi chặng đua như hút chặt tất cả mọi ống kính hướng tới. Đề tài “Đất & Người Tây Nguyên” vốn không xa lạ với những người cầm máy nhưng mỗi lần đến với Tây Nguyên, ai cũng náo nức như ngày đầu đến với vùng đất hùng vĩ này. Đề tài hấp dẫn là tiền đề quan trọng góp phần tạo nên thành công cho một Trại sáng tác. Khéo khen ai đã chọn đề tài Tây Nguyên cho Trại sáng tác năm nay. Tuy nhiên có điều đáng tiếc nhỏ ở đây đó là việc gắn hoạt động Trại sáng tác nhân dịp chiến thắng khởi đầu tại Buôn Mê Thuột (10/03/1975) của Chiến dịch Hồ Chí Minh mới chỉ được đề cập với truyền thông mà chưa thể hiện rõ trong chương trình hoạt động của Đoàn. Giá như trong kế hoạch sáng tác của Đoàn có thêm ít nhất một điểm dừng tại một địa danh hay di tích lịch sử liên quan đến chiến thắng Tây Nguyên để các tay máy thể hiện thì thành công của Trại sẽ trọn vẹn hơn nhiều.
“Đất và Người Tây Nguyên “ là đề tài thật sự rộng lớn nhưng cũng rất cụ thể nếu ta focus vào. Trước hết, nét hùng tráng của đất người Tây nguyên dường như được đưa thành biểu tượng đối với nhiếp ảnh, đó là hình ảnh những tráng sĩ da rám nắng lực lưỡng đóng khố oai phong cầm dáo thúc voi xông lên trong tiếng gầm rống vang vọng núi rừng bên bờ hồ Lắk. Hình tượng này trong ống kính được khắc họa dưới nhiều góc độ khác nhau, cả oai hùng mãnh liệt gắn quyện giữa voi và người; cả cái dũng mãnh và nét uyển chuyển mềm mại giữa tráng sĩ quản tượng với người vợ xinh đẹp cùng cô con gái bé nhỏ và chú voi – người bạn thân thiết không thể tách rời của gia đình. Không chỉ có vậy, nét đặc trưng Tây Nguyên còn được ống kính cảm nhận qua chân dung già làng râu tóc bạc phơ được nhuộm trắng bởi thời gian và cả những người phụ nữ làn da rám nắng với bộ ngực căng đầy ôm những đứa trẻ hòa mình trong dòng nước mát … Đó là những đề tài vô cùng hấp dẫn đối với những người cầm máy. Kết thúc Trại, mỗi thành viên tham gia Trại nộp cho BTC năm files ảnh để cuối cùng, ngày 11/5 vừa qua Hội đồng thẩm định đã chọn ra 108 ảnh của các thành viên tham gia triển lãm Trại, người ít nhất một ảnh và người nhiều nhất ba ảnh, trong đó có 12 ảnh xuất sắc. Chắc chắn số ảnh thực sự xuất sắc còn nhiều hơn thế nhưng chưa được các thành viên “trình làng” mà để dành cho các cuộc thi quy mô, tầm cỡ hơn.
Vậy nhưng đề tài hay cũng đặt ra những khó khăn, đó là việc bố trí bối cảnh sáng tác cho đoàn với hơn vài chục tay máy cùng lúc là việc hoàn tòan không dễ dàng. Cái khó của một đoàn sáng tác lớn là làm sao tạo được sự giao lưu gắn kết mang tính cộng đồng cao nhưng bên cạnh đó vẫn tạo được nét độc đáo mang tính sáng tạo cá nhân. Ở đó, trước cái đẹp ai cũng nhận ra và muốn “lao vào” ghi nhận ngay nhưng có lẽ vẫn cần đó một sự kiên nhẫn, kiềm chế và kể cả “hy sinh” chịu đựng hay khéo léo nhẫn nhịn chờ đợi một góc đẹp, một khoảnh khắc “vàng” cho mình hơn là giành, tranh một vị trí đẹp mà cản trở người khác.
Đề tài hay nhưng điều quyết định cho mọi thành công không gì khác, chính là công tác tổ chức. Nói đến điều này, chắc rằng ai đi sáng tác cũng mong muốn được thảnh thơi, bấm máy, còn tất cả những lo lắng nhọc nhằn như phương tiện di chuyển, lo nơi ăn chốn ở, lựa chọn địa điểm sáng tác, nội dung sáng tác, bố trí điểm chụp, đặt “mẫu”, tính toán chi phí, thời gian … đã có người khác lo. Bữa ăn ngon với giấc ngủ an lành đã mang cho các thành viên đoàn sức khỏe tràn trề để hôm sau tiếp tục sáng tác. Có thể nói với ý tưởng cụ thể, sự chuẩn bị tính toán sát sao kỹ lưỡng tới từng giờ, từng km thông qua chuyến đi tiền trạm trước đó do Phó trưởng đoàn Hồng Nga dẫn đầu, công tác chuẩn bị cho đoàn thực sự khá hoàn hảo. Trong thành phần đoàn tiền trạm có cả bộ phận văn phòng, sáng tác, tài chính và chính sự chuẩn bị chu đáo đó đã giúp Trại không để xảy ra trục trặc nào đáng kể.
Thành công của Trại “Đất & Người Tây Nguyên” không thể thiếu sự hỗ trợ rất nhiệt tình chu đáo và kinh nghiệm của đồng nghiệp tại địa phương. Tại Đắk Lắk như NSNA Bảo Hưng, Phạm Huỳnh hay Lại Quý Vân ở Đắk Nông đoàn sáng tác đã có những hành trình dày đặc, đan xen kín mít với nội dung sáng tác phong phú, không trùng lặp. Lãnh đạo Hội VHNT cả hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông cùng nghệ sỹ các địa phương đã nhiệt tình dốc hết “vốn” và kinh nghiệm sáng tác, chẳng “giấu” đoàn điều gì, đã mang đến cho đoàn những chân dung ấn tượng, những khoảnh khắc và cả những “góc vàng” để đoàn cho ra những tác phẩm quý giá mang dấu ấn sâu đậm về một chuyến đi.
Thực tế cho thấy công tác tổ chức, quản lý, điều hành một chuyến đi đông người ngày nay đã dễ dàng hơn trước nhiều do người tổ chức đã ứng dụng sâu mạng xã hội. BTC Trại vừa qua đã sử dụng tốt ứng dụng này. Cụ thể BTC đã tạo nhóm trên ứng dụng Zalo và sử dụng hiệu quả công cụ đó. Tất cả những thông tin được cập nhật và chuyển đến các thành viên trong đoàn nhanh chóng và chính xác. Sử dụng tốt mạng xã hội đã giúp BTC tổ chức một chuyến đi bớt vất vả, thêm thành công.
Có một điểm cần nói đến Trại lần này, đó là không khí thân mật, chan hòa, vui vẻ trong suốt chuyến đi. Đó chính là một trong những “thước đo” quan trọng của Trại sáng tác. Ở Trại lần này, điều đó đã được làm rất tốt. Cả trên xe, trong các bữa ăn, cả trong những khoảnh khắc tĩnh lặng trầm tư bấm máy cho đến tối giao lưu văn nghệ sôi nổi tại Đắk Nông. Có đi với nhau, người ta mới biết thêm phần nào cái tài của nhau. Cái tài người viết muốn nói ở đây là tài ca hát lay động lòng người. Hóa ra tác phẩm ảnh lâu nay mới chỉ là một góc trong con người bè bạn quanh ta. Từ Trưởng đoàn Đòan Hoài Trung, Phó Đoàn trưởng Hồng Nga cho đến các anh Huỳnh Trí Dũng, Nguyễn Mạnh Hùng và rất nhiều thành viên khác, nhiều người được Trời cho để sở hữu một giọng ca “đầy hứa hẹn”. Đây không phải là lời khen cho có mà là những tràng pháo tay “có trách nhiệm” của người nghe là thành viên trong đoàn. Làm cho các thành viên trong đoàn sáng tác có thiện cảm với nhau, cởi mở gần gũi nhau hơn nhau hơn cũng là một trong những thành công của Trại. Đó là chưa kể những bữa ăn cùng mâm, rót mời nhau những ly rượu sánh đầy, hưởng cùng nhau ly cà phê đậm hương vị Tây nguyên … và vô số những khoảnh khắc vô tình mà như hữu ý đã khắc ghi đậm dấu ấn chuyến đi đậm lòng người.
Vậy nhưng trong chuyến đi, ngoài những “cái được” không phải là không có chút “vị đắng” với dư vị làm ta phải suy ngẫm lâu dài. Không gì khác – đó là văn hóa cầm máy. Một câu chuyện: Chiều muộn, tại điểm dừng trên đường từ bến đò M’Liêng ra, khi thấy một đàn trâu cỡ chục con được hai người đàn ông ăn mặc rách rưới chăn thả xa xa chậm rãi lùa về. Từ trên xe nhiều tay máy ùa xuống. Và rồi để “đón” đàn trâu vào “tầm ngắm”, từ trên mặt đường, vô tình những người cầm máy dàn hàng ngang dọc chắn hướng đi của đàn trâu. Như thể tránh dàn ống kính phía trước, bầy trâu chậm rãi bước đi theo lối mòn nhỏ dưới đường cái mà bên cạnh đó là những vạt lúa xanh mướt sắp đến ngày trổ đồng. Tiếng bấm máy bắt đầu rộ lên “tách, tách …” rồi đổ liên hồi. Không phải chỉ có tele mà một còn có cả mấy ống wide như “dí” vào đầu bầy trâu đang đi tới để chụp cận cảnh. Điều này khiến đàn trâu hoảng loạn quay đầu chạy về phía sau. Chúng lồng lên chạy giữa vạt lúa mơn mởn đang thì. Chỉ vì một thoáng đam mê mà vài người cầm máy đã vô tình gây hại cho cả vạt lúa.
Một chuyện nữa, lâu nay trong quá trình sáng tác cùng nhau kể cả trong chuyến sáng tác Tây Nguyên lần này một việc đã khiến nhiều người phải băn khoăn. Đó là làm sao để máy ảnh cầm tay có thể “chung sống hòa bình” với flycam. Khi “vào cuộc” cùng những tay máy cầm tay, những người điều khiển flycam có thể lái “con ve ve” đi bất cứ đâu, bất cứ độ cao nào, bất cứ hướng nào hay xa gần tùy ý. Điều đó được chấp nhận mặc nhiên nhưng với flycam nhưng ngoài điều đó ra có hai hiệu ứng thiếu thiện cảm với người chụp máy tay. Đó là flycam bay lọt vào hay “trấn”giữa khung hình ống kính máy cầm tay và tiếng “ve ve” liên tục kéo dài trên đầu hay đối diện của flycam khiến người chụp máy cầm tay và cả nhân vật đang được chụp (mẫu) mất tập trung. Trong thực tế, tuy không nói ra nhưng không ít người chụp máy cầm tay đã không hài lòng với những người chụp bằng flycam. Xét cho cùng, việc flycam bay vào không gian khung hình máy người khác chẳng khác nào một tay máy chen vào đứng đối diện cản trở người đang cầm máy chụp. Và tất nhiên, người đó sẽ không được “hoan nghênh” hoặc hơn thế nữa là bị phàn nàn. Sự việc này ngày càng phổ biến và nhân rộng do số người sử dụng flycam ngày càng tăng. Vậy cho nên để tránh những mâu thuẫn không nên có trên, phải chăng hai bên nên có sự thỏa thuận dù là “bất thành văn” đó là nên chia thời gian ra để chụp (nếu có thể) hay nhìn nhau mà tác nghiệp theo nguyên tắc “được việc mình nhưng không làm ảnh hưởng người khác”.
Trại sáng tác “Đất & Người Tây Nguyên” của Hội Nhiếp ảnh Tp.Hồ Chí Minh đã khép lại với những tác phẩm đẹp mới ra đời, những tình cảm tốt đẹp giữa các thành viên trong đoàn với nhau và với đồng nghiệp tại các địa phương thêm phần gắn kết và hơn thế nữa, Trại đã góp phần tăng cường tình đoàn kết thống nhất trong Hội Nhiếp ảnh Tp. Hồ Chí Minh.
Tp.Hồ Chí Minh ngày 15 tháng 05 năm 2021
Rất hay anh Trần Quốc Dũng.Có hàng mấy trăm hội viên không thể có mặt với phong trào và trại sáng tác.Nhưng thông qua bài viết của anh mà những người này hiểu thêm về chất lượng của các đợt sáng tác,mong rằng những lần sau vẫn được đón đọc bài viết của Anh ,