Tối 12/8/2020, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức Lễ trao thưởng của Ban Bí thư Trung ương Đảng cho 15 tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật xuất bản năm 2019. Trong số tác phẩm Loại A có sách “Văn hóa Nhiếp ảnh – Một góc nhìn” của Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Trần Quốc Dũng. Là nghệ sỹ sáng tác nhưng bên cạnh đó, với góc nhìn riêng, trong suốt gần 20 năm nghệ sỹ Trần Quốc Dũng đã liên tục tham gia hoạt động trong lĩnh vực lý luận phê bình. Và lần này là nhiều vấn đề liên quan đến văn hóa nhiếp ảnh qua cuốn sách “Văn hóa Nhiếp ảnh – Một góc nhìn”. Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Trong thời gian qua, nói đến nhiếp ảnh, người ta hay tập trung về nghệ thuật mà ít đề cập đến cái gốc văn hóa của nhiếp ảnh. Nghệ thuật là một phần quan trọng tất yếu của nhiếp ảnh nhưng bao trùm lên nghệ thuật là văn hóa. Văn hóa nhiếp ảnh là phạm trù lớn, rất phong phú, là cơ sở, chỗ dựa vững chắc cho người cầm máy trong tác nghiệp và sáng tác, cho mọi tổ chức nhiếp ảnh trong điều hành hoạt động tổ chức mình và đặc biệt, cho các cơ quan quản lý trong công tác định hướng phát triển nhiếp ảnh.
“Văn hóa Nhiếp ảnh – Một góc nhìn” là tên sách nhưng cũng là tên Phần 1 – phần chính của cuốn sách. Mở đầu, tác giả nhắc lại định nghĩa về văn hóa. Nếu ta đánh trên Google dòng chữ “định nghĩa về văn hóa” thì mạng sẽ cho ta vô số định nghĩa khác nhau vì mỗi cá nhân, mỗi tổ chức với tính chất hoạt động khác nhau sẽ hiểu và định nghĩa văn hóa theo góc độ khác nhau, theo cách khác nhau. Tuy nhiên, theo UNESCO, “Văn hóa là một tập hợp của những đặc trưng về tâm hồn, vật chất, tri thức và xúc cảm của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội và nó chứa đựng ngoài văn học và nghệ thuật cả cách sống, phương thức chung sống …” Trên cơ sở định nghĩa này, tác giả đã đi sâu phân tích, bám sát bản chất của nhiếp ảnh, đó là tính chân thực mà theo tác giả cần được hiểu là tính tư liệu của hình ảnh. Đây là điểm nhấn mấu chốt cần đối chiếu mỗi khi xem xét, đánh giá và kết luận về hình ảnh. Trong quá trình phát triển,”dòng sông” nhiếp ảnh sinh nhiều “nhánh” nhưng dòng chảy chủ đạo của dòng sông đó cần phải lấy tính chân thực hay nói cách khác, tính tư liệu làm gốc. Vậy nhưng song song với tính tư liệu, nhiếp ảnh luôn mang theo mình tính nghệ thuật như một phần tất yếu, không thể tách rời. Ta nên hiểu mối quan hệ có tác động hữu cơ giữa tính tư liệu và nghệ thuật như thế nào cho đúng? Trong cuốn sách, tác giả nhấn mạnh “Tính tư liệu cần luôn luôn song hành cùng nghệ thuật và nghệ thuật cần luôn mang trong mình tính tư liệu”. Bằng cách ví von đơn giản trong cuộc sống, tác giả viết “Trong nhiếp ảnh nếu ví tính tư liệu là gạo thì nghệ thuật chính là cách nấu gạo thành cơm. Không có gạo thì sẽ chẳng có cơm nhưng gạo không thể ăn sống và nếu không được nấu thành cơm, gạo cũng không thể tiêu hóa được. Nói rõ hơn, mỗi tấm ảnh chúng ta chụp về sự kiện, con người, phong cảnh, hoạt động xã hội … đều chứa đựng tính tư liệu như không gian, thời gian, địa lý, cảnh vật, sự kiện, diễn biến hoạt động hay chân dung con người, trang phục, công cụ, hành động – nếu chụp về con người. Tất cả những thông tin đó đều mang tính tư liệu. Vậy nhưng không phải mặc nhiên người xem ảnh nhớ những thông tin đó. Trách nhiệm của người chụp không phải chỉ là ghi nhận tính tư liệu mà còn phải chuyển tải được những thông tin tư liệu đó tới người xem thông qua việc làm cho người xem chú ý, thích và nhớ những thông tin đó. Muốn vậy, những tấm ảnh đó phải đẹp, hấp dẫn, tạo ấn tượng, kích thích trí tò mò, làm cho người xem nhớ tới hình ảnh. Nghệ thuật là yếu tố vô cùng quan trọng trong nhiếp ảnh và sẽ đầy đủ hơn khi nói bản chất của nhiếp ảnh là sự chân thực mang tính tư liệu kèm theo nghệ thuật.
Ngoài bản chất nhiếp ảnh, để hiểu rõ hơn về văn hóa nhiếp ảnh, tác giả đã đi sâu phân tích về hàng chục vấn đề. Một số trong đó gồm : Vai trò và ý nghĩa của hình ảnh; Nhiếp ảnh gắn với lịch sử văn hóa đất nước; Nhiếp ảnh – một loại hình nghệ thuật độc đáo; Ngôn ngữ ánh sáng – công cụ nghệ thuật độc đáo của nhiếp ảnh; Tính phong phú và khắt khe của nhiếp ảnh; Nhiếp ảnh – loại hình VHNT có điều kiện; Nhiếp ảnh – nghệ thuật của khoảnh khắc; Nhìn về nhiếp ảnh với góc độ kinh tế; Loại hình nghệ thuật hòa quyện trí tuệ, tâm hồn, cảm xúc và sự kéo léo; Sự kết hợp giữa văn học nghệ thuật và kỹ thuật; Nhiếp ảnh mang đậm nét dấu ấn cá nhân trong đời sống xã hội; Cầu nối hữu hiệu văn hóa cuộc sống hiện tại và quá khứ; Hình ảnh – công cụ thân thiện và hiệu quả trong đời sống văn hóa và xã hội; Hình ảnh chân thật mang tính thuyết phục cao nhất; Tính xã hội của nhiếp ảnh … Về cuốn sách, với những vấn đề được nêu ra, cho thấy “tác giả có chuyên môn, kinh nghiệm cầm máy cùng khả năng văn học nên cách viết có chiều sâu, có tư duy logic, vì vậy – ‘một góc nhìn’ của tác giả tương đối rộng và bao quát nhiều góc nhìn khác không chỉ trong nhiếp ảnh” – Tiến sỹ Khoa học Phan Đình Tân – Phó Chủ tịch chuyên trách, Hội đồng LLPB VHNT TƯ đã nhận xét trong Lời giới thiệu cuốn sách.
Nêu các vấn đề trên nhưng không “để đấy”, tác giả đã đưa ra những biện pháp thiết thực như “Làm gì để bảo tồn, phát triển và nâng cao văn hóa nhiếp ảnh”. Một số biện pháp trong đó bao gồm: Không ngừng nâng cao tính chuyên nghiệp, tầm và giá trị tác phẩm; Nâng cao vài trò chủ động, dẫn dắt và thu hút nhiếp ảnh quần chúng theo chuẩn mực đúng; Gắn bó, góp phần hỗ trợ các loại hình văn học nghệ thuật; Cống hiến nhiều hơn cho nền kinh tế văn hóa đất nước.
Đề cập các vấn đề trên, tác giả nhìn nhận khá bao quát về bản chất nhiếp ảnh cũng như “môi trường” hoạt động của nhiếp ảnh nói chung. Có được điều đó, có thể do tác giả là người cầm máy nhiều năm nhưng đồng thời cũng được bổ sung kiến thức về nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống. “Bản thân là một kỹ sư vô tuyến điện tử quân sự được đào tạo cơ bản ở nước ngoài lại thêm thời gian dài làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau như kinh tế đối ngoại, pháp lý. Điều đó giúp tôi nhìn mọi vấn đề đa chiều, trọn vẹn hơn – tâm sự, anh kể”. Cách nhìn nhận vấn đề của tác giả nói chung khá logic khách quan, không phiến diện, không thái quá và đặc biệt, mang tính xây dựng.
Có thể nói những vấn đề được tác giả đề cập và phân tích trong phần 1 cho người đọc thấy các mặt của văn hóa nhiếp ảnh liên quan cuộc sống con người và xã hội. Trong khuôn khổ của cuốn sách, các vấn đề được tác giả nêu ra nhưng khách quan mà nói, người đọc có thể cảm thấy chưa thật thỏa đáng khi tác giả chưa đi sâu phân tích tới tận “đáy” của từng vấn đề. Bản thân những vấn đề đó nếu được phân tích đầy đủ sẽ là những chương mục “đầy đặn” khi được bổ sung những dẫn chứng cụ thể hay những số liệu mang tính thuyết phục người đọc hơn. Thật tốt nếu như trong một khuôn khổ khác, tác giả phân tích kỹ càng hơn, dẫn dắt, giúp người đọc thuyết phục hơn với những luận cứ mang tính khoa học thực tiễn sâu hơn nữa. Nhìn lại sau khi cuốn sách hoàn thành, anh nói: Mỗi vấn đề đã đặt ra, thực tế có thể đi sâu phát triển thành một chương mục. Có lẽ còn nhiều việc để làm”.
Tiếp tục phần 1 của cuốn sách, tác giả đề cập tới một số đề tài lớn của nhiếp ảnh với tiêu đề như: Nhân vật trung tâm trong nhiếp ảnh hiện nay; Hình tượng người chiến sỹ Trường Sa trong nhiếp ảnh; Nhiếp ảnh Việt Nam và Hội nhập quốc tế … Nói về “Nhân vật trung tâm trong nhiếp ảnh” tác giả đi khá sâu vào vấn đề cốt lõi của cuộc sống mà ống kính máy ảnh đã hướng tới trong thời gian qua. Theo tác giả, nếu như người cầm máy không xác định rõ được cái đích lâu dài cần hướng tới thì đề tài sáng tác sẽ không “trúng đích”, mà tản mạn thiếu đi sự chuyên sâu vào những chủ đề thiết yếu của xã hội. Sự định hướng “chuẩn” cho ống kính chính là xác định rõ “nhân vật trung tâm” giúp cho người cầm máy có được những tác phẩm sát hơn với cuộc sống, hữu ích hơn cho xã hội. Bài “Hình tượng người chiến sỹ Trường Sa trong nhiếp ảnh” là một bước cụ thể hóa cho bài “Nhân vật trung tâm …” trong các lực vũ trang trên mặt trận bảo vệ chủ quyền của biển đảo của tổ quốc. Cảm nhận và kinh nghiệm gặt hái được trong những chuyến đi sáng tác tới 14 đảo thuộc quần đảo Trường Sa và các Vùng Hải quân 4 và 2 đã cho tác giả cái nhìn sâu sắc, thực tế về đề tài Bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, giúp tác giả đoạt Giải B cuộc thi “Hình ảnh người Chiến sỹ Hải quân” năm 2020. Nhìn nhận sâu về “Văn hóa Nhiếp ảnh” qua hình tượng Người chiến sỹ Trường Sa là một nét tích cực của tác giả trong mảng đề tài không dễ dàng này.
Liên quan đến mặt trái của vấn đề, ở cuối phần 1 tác giả đã đưa ra những cảm nhận và suy nghĩ của mình qua một vài câu chuyện cụ thể cho thấy văn hóa tác nghiệp nhiếp ảnh chưa thực sự được một số người cầm máy coi trọng. Đó là những bài: Suy nghĩ về tác nghiệp nhiếp ảnh nghệ thuật trong các lễ hội văn hóa; Đôi nét văn hóa khi cầm máy. Theo tác giả, bản thân người cầm máy là người làm văn hóa, chính vì vậy để sáng tác được những tác phẩm mang tính văn hóa cao, người cầm máy trước hết cần quan tâm, chú trọng đến nét văn hóa của chính bản thân mình khi tác nghiệp.
Để xây dựng và cấu thành cái “khung” văn hóa của mình, bản thân người cầm máy và hoạt động nhiếp ảnh cần “làm chủ” được những yếu tố quan trọng, một vài trong số đó được nhắc đến qua các bài: Tâm – Tầm – Tài của người cầm máy; Tài năng cầm máy thể hiện trong tác phẩm; Làm sao để tác phẩm có “hồn” và giữ được nét tự nhiên … Rất nhanh và tinh tường, người xem sẽ đánh giá ảnh của người cầm máy với những nhận định xác đáng: trong tấm hình này, Tâm của người chụp được thể hiện thế nào? Tầm của tấm hình này (hay tầm của người chụp) đến đâu? Tài của người cầm máy đến mức nào? Nói thì dài nhưng ngắn gọn, một tấm hình làm cho người xem xúc động và ghi sâu vào bộ nhớ, nhớ mãi không thể nào quên chính là tác phẩm đã đạt được cả ba chữ T đó.
Mới nhìn, có lẽ chẳng ai nhận ra mối liên kết nào giữa nhiếp ảnh và doanh nghiệp nhưng có lẽ do nhiều năm “lăn lộn” làm công tác kinh tế đối ngoại trên thương trường nên tác giả nhìn ra những vấn đề của người trong cuộc, cả trong nhiếp ảnh và trong doanh nghiệp. Điều này giúp anh tìm ra những nét tương đồng giúp 2 lĩnh vực có thể gắn kết, giao hòa với nhau. Theo tác giả, nhiếp ảnh rất hữu ích cho doanh nghiệp và doanh nghiệp rất cần nhiếp ảnh. Mối quan hệ tương hỗ đó không phải dễ nhìn ra, anh nói.
Ở góc cạnh khác, hơn bất kỳ loại hình văn học nghệ thuật nào, nhiếp ảnh bám chặt, len lỏi tới từng con người, từng góc cạnh cuộc sống trong xã hội, trong đó có cả các doanh nghiệp trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Mối quan hệ tương hỗ giữa nhiếp ảnh và các lĩnh vực khác trong xã hội đã góp phần nâng cao văn hóa xã hội nói chung. Đó chính là Phần 2 cuốn sách đã được nêu ở trên.
Không phải chỉ có những vấn đề lý luận đi vào cốt lõi của nhiếp ảnh mà trong cuốn sách, tác giả còn cho người đọc thấy những mặt khác nhau trong đời sống nhiếp ảnh. Theo tác giả, nhiếp ảnh bản thân là một thực thể sống gồm con người – cả người cầm máy lẫn người “thụ hưởng” trong xã hội, cá nhân và tập thể trong đó có các Câu Lạc bộ, Hội Nhiếp ảnh Trung ương và địa phương cùng hoạt động của các tổ chức đó cùng những vấn đề “ngóc ngách” đi cùng. Đó là: Công tác xây dựng và phát triển CLB nhiếp ảnh; Công tác kiểm tra và chất lượng hội viên Hội NSNA Việt Nam; Trung tâm lưu trữ và triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam; Đấu giá trong nhiếp ảnh … Tuy không nặng về lý luận nhưng trong phần 3 “Một góc đời sống nhiếp ảnh” tác giả đã nêu nhiều vấn đề cho ta cái nhìn khá toàn cảnh về nhiếp ảnh.
Văn hóa nhiếp ảnh là một phạm trù rộng lớn. Thật khó cho ai muốn “ôm” cả phạm trù này để rồi có được những góc nhìn “cặn kẽ” về từng mặt. Với nghệ sỹ Nhiếp ảnh Trần Quốc Dũng – tác giả cuốn sách “Văn hóa nhiếp ảnh – một góc nhìn” cũng vậy, anh chỉ nói ra những điều mình suy nghĩ và chắc chắn sẽ rất vui nếu có dịp được đàm luận cùng bạn đọc về những vấn đề cùng quan tâm, – tác giả tâm sự.
===========