Thời cơ vàng trong ảnh thời sự báo chí
Nhiều ống kính thu được hình ảnh xe tăng quân giải phóng tiến vào dinh Độc lập. Nhưng trong cả trăm bức ảnh chỉ vài bức ảnh thành công hơn cả. Đó là khi xe tăng cắm cờ giải phóng húc đổ cổng dinh, cánh cổng sắt rơi gần sát đất, khói bụi tung lên mù mịt trong bối cảnh hỗn loạn. Thời cơ vàng xuất hiện, cò máy rung lên. Bức ảnh ghi kịp khoảnh khắc điển hình nhất, quyết định nhất trong diễn biến mau lẹ của sự kiện kết thúc chiến tranh Việt Nam. Bức ảnh không chỉ là bằng chứng xác thực có sức thuyết phục tuyệt đối. Nó còn là hình ảnh điển hình của thời khắc quyết định chiến thắng hoàn toàn. Chụp được bức ảnh đúng thời cơ vàng không dễ. Nhiều phóng viên đi theo mũi hành quân tiến về Sài gòn nhưng vào thời khắc quyết định ấy không mấy ai kịp có mặt. Ngay cả phóng viên nước ngoài chờ chực trong dinh, vì nhiều lẽ đã không chọn được góc độ thích đáng, để tuột mất thời cơ bấm máy có một không hai. Chỉ phóng viên đi theo xe tăng quân giải phóng tiến vào mục tiêu là lợi thế hơn cả. Tuy vậy phải là người lành nghề và hoàn toàn tập trung tư tưởng mới nhận ra và chớp đúng thời cơ vàng để có được bức ảnh nổi tiếng. Chụp cơn bão số 1 (Chanchu) vào năm 2006 – sự kiện thiên nhiên đột xuất gây nhiều thiệt hại thương tâm cho ngư dân mà đồng bào cả nước quan tâm, lo lắng. Nhà nhiếp ảnh Trần Thế Phong đã tường thuật theo qui luật. Rất nhiều tay máy tiếc rẻ vì để vuột mất thời cơ vàng. Chụp chân dung con người hành động mà không diễn tả được nội tâm. Xem bức ảnh quê hương mà không thấy hồn quê trong đó. Chụp sự kiện đang xảy ra mà ảnh không động, mọi thứ đều chết chìm. Thời cơ vàng trong nhiếp ảnh có lẽ chỉ đến với những ai có khả năng tư duy nhanh về cả nội dung lẫn hình tượng trên cái nền hiểu biết sâu rộng về đời sống và đặc thù nghệ thuật nhiếp ảnh.
Thời cơ vàng trong ảnh sáng tác
Như chúng tôi đã đề cập hoạt động sáng tác là hoạt động tự do với mục đích sáng tạo nghệ thuật. Người nghệ sĩ tự do lựa chọn chủ đề, đề tài, đối tượng, rung động trước cái gì thì mê mải chụp cái đó, thậm chí tự sắp đặt cảnh vật để chụp, miễn là sự bố trí ấy tạo ra được hình tượng nghệ thuật ăn khớp với hình tượng tư duy, phù hợp với hiện thực đời sống. Anh có thể dùng đề tài thời sự làm đối tượng sáng tác, cũng có thể hướng ống kính vào sinh hoạt đời thường, vào cảnh sắc thiên nhiên muôn hồng nghìn tía, đặc tả nét hồn nhiên phơi phới tuổi thơ hay nét ưu tư khắc khoải trên khuôn mặt cụ già, hay đóa hoa bừng nở dưới ành bình minh xao động tâm hồn. Đối tượng sáng tác khác nhau, hoàn cảnh chụp khác nhau, thời cơ vàng xuất hiện không giống nhau. Với cảnh động, thời cơ vàng xuất hiện khi hành động và tâm lý nhân vật ở độ cao trào trong bối cảnh điển hình nhất. Với cảnh tĩnh, thời cơ vàng đến khi hình tượng mà tác giả lựa chọn hay xây dựng hoàn toàn khớp với hình tượng tư duy. Bấm máy đúng thời cơ vàng trong sự hoàn hảo về kỹ thuật tạo hình, bức ảnh chắc chắn thành công.
Ảnh “Nước sạch về bản xa” của Nguyễn Đình Lạc là một ví dụ về việc chớp đúng thời cơ vàng. Đó là lúc niềm hân hoan của em bé dân tộ Cà Tu ở độ cao trào. Hình ảnh em bé lim dim mắt tận hưởng cảm giác chưa từng có khi vòi nước sạch dội lên người mát mẻ gieo vào lòng ta niềm tin chương trình nước sạch nông thôn ở vùng đồng bào thiểu số Cà Tu cách Đà Nẵng 40km là có thật và chính ta cũng cảm thấy lâng lâng hạnh phúc. Niềm hân hoan tột đỉnh của em là có thật chứ không phải “sắm vai”. Tác giả không can thiệp vào đối tượng, chỉ chờ thời cơ vàng xuất hiện để bấm máy trong sự hoàn hảo về kỹ thuật tạo hình. Cái bấm máy đắc địa này thổi vào lòng ta cảm xúc trước cái đẹp cuộc sống.
Vượt sóng dữ – Ảnh: Vương Quốc Kim
Cái tài của người cầm máy là khả năng phán đoán đúng khoảnh khắc thời cơ vàng xuất hiện và kịp bấm máy đúng vào lúc đó. Thời cơ vàng chỉ đến trong điều kiện sự việc và tâm lý nhân vật diễn biến đến độ cao trào. Cao trào này tồn tại không lâu, chỉ trong khoảnh khắc. Giá trị nghệ thuật do thời cơ vàng đem lại nếu bấm máy kịp mới là vĩnh cửu.
Nguyễn Huy Hoàng