THƯƠNG TIẾC NSNA TRỊNH ĐÌNH THU
MỘT TRÁI TIM SÂU NẶNG VỚI NHIẾP ẢNH
Theo quy luật sinh tồn khắc nghiệt của thời gian, lúc 6g40, ngày 07 tháng 1 năm 2016 (28 tháng 11 năm Ất Mùi) Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) lão thành Trịnh Đình Thu đã qua đời tại nhà riêng -hưởng thọ 94 tuổi- Lễ truy điệu và động quan được cử hành lúc 6g30, ngày 10/1/2016 tại số 29 Lý Văn Phức, Phường Tân Định, Q.1, TP.HCM.
Trong chặng đường lịch sử của nhiếp ảnh Cách mạng Việt Nam – trước và sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, non sông liền một dải (30-4-1975), Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Trịnh Đình Thu là một nhân vật có nhiều dấu ấn đặc biệt.
Ngay tại Đại hội thành lập Hội Nhiếp ảnh TP. Hồ Chí Minh lần thứ nhất, ông được tín nhiệm của Đại hội toàn thể bầu vào chức vụ Phó Tổng thư ký (nhiệm kỳ 1981-1987). Trước đó năm 1978, ông đã được Hội NSNA Việt Nam kết nạp và sau đó được bầu vào ủy viên Ban Chấp hành Hội NSNAViệt Nam nhiệm kỳ II (1984-1989).
Say mê nghệ thuật nhiếp ảnh, Nghệ sĩ Trịnh Đình Thu đã xông xáo từ vùng than Đông Bắc xuống đến Cao nguyên, vùng Trung du Bắc bộ, Đồng bằng sông Cửu Long… hướng ống kính khai thác về đề tài “Đất nước con người” rất đa dạng. Những tác phẩm tiêu biểu của ông: “ Quên cả thời gian, Bác vẫn thức, Giành lại cuộc sống, Sức sống mùa Xuân, Đôi bạn…” đã được tặng thưởng Huy chương và nhiều bằng khen trong và ngoài nước. Năm 1991, NSNA Trịnh Đình Thu mở cuộc triển lãm ảnh cá nhân gồm 95 ảnh màu và đen trắng với chủ đề “Nét đẹp Quê hương” ở Nhà Triển lãm 92 Hàng Bài, Hà Nội. Cuối năm 1992, ông mở tiếp triển lãm ảnh “Nét đẹp Quê hương lần 2” tại Nhà Triển lãm 237 Đồng Khởi, TP.HCM và năm 1993 giới thiệu triển lãm “Nét đẹp Quê hương lần 3” tại Thành phố Lille (Pháp).
Năm 1983, ở cương vị Phó Giám đốc Cty Nhiếp ảnh Thành phố, ông tiên phong đề xuất ứng dụng công nghệ sản xuất ảnh màu tự động hàng loạt bằng dàn máy Minilab 27 (Nhật Bản) đầu tiên ở nước ta góp phần đưa kỹ thuật tiên tiến vào khâu phóng ảnh, bước đầu công nghiệp hóa ngành ảnh TP và cả nước.
Tháng 10 năm 1985, từ nhiều suy tư ấp ủ của NSNA Trịnh Đình Thu, CLB Nhiếp ảnh Người cao tuổi Sài Gòn được chính thức thành lập nhằm quy tụ các cán bộ hưu trí yêu thích nhiếp ảnh, đến nay CLB vẫn duy trì sinh hoạt đều đặn và hàng năm đều tổ chức triển lãm ảnh nhân ngày Quốc tế Người cao tuổi.
Ngoài sáng tác ảnh nghệ thuật, NSNA Trịnh Đình Thu còn là một chiến sĩ Cách mạng từ thưở nhỏ. Năm 1954, ông gia nhập đội Thanh niên tiền phong trong Ban chỉ huy Tự vệ Thành và theo học lớp Quân chính tự vệ thành Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định khóa Thái Văn Lung. Sau đó nhập ngũ Trung đoàn 311 (chủ lực tỉnh Tây Ninh) được giao làm Tổ trưởng tổ nghiên cứu Ban chính trị Trung đoàn 311 Tây Ninh. Năm 1954, sau hiệp định Geneve, theo phân công của Bí thư tỉnh ủy Tây Ninh Nguyễn Trọng Tuyển, ông ở lại hoạt động nội thành, sáng lập và trực tiếp làm Giám đốc điều hành Đống Đa ảnh viện tại địa chỉ 66A Nguyễn Huệ, Quận 1, Sài Gòn (1955). Nhằm đấu tranh văn hóa, tuyên truyền đường lối cách mạng, ông còn thành lập nhà xuất bản “Sóng Mới” (1957) quy tụ một số văn nghệ sĩ, trí thức tiến bộ trong đó có sự tiếp sức và viết bài của nhà thơ Viễn Phương, nhà báo Dương Tử Giang… Trải qua hai mùa kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ở miền Nam, ông bị nghi ngờ bắt giam tra khảo 3 lần nhưng vẫn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng…
Năm 1975, sau ngày thống nhất đất nước, NSNA Trịnh Đình Thu được Sở Văn hóa Thông tin TP.HCM trao nhiệm vụ Phó Giám đốc Cty Nhiếp ảnh TP.HCM, ông được bầu vào Đại biểu Hội đồng Nhân dân TP khóa 2… rồi về nghỉ hưu năm 1996…
Sinh năm 1922 tại làng Châu Cầu, Phủ Lý, Hà Nam, với một cuộc đời tận tụy với sự nghiệp cách mạng và nghệ thuật nhiếp ảnh ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng III, Huân chương chống Pháp và Huân chương chống Mỹ hạng III, Huy chương vì sự nghiệp Nhiếp ảnh Việt Nam và nhiều huy chương cao quý khác…
Nhập cư vào Sài Gòn từ tháng 6 năm 1940, NSNA Trịnh Đình Thu đã gắn chặt cuộc đời và sự nghiệp sáng tác ảnh với sự nghiệp cách mạng của nhân dân Nam bộ. Ở vai trò hoạt động nội thành đơn tuyến, ông chiến đấu và lập nên những chiến công thầm lặng -khi kín đáo trong vai trò nhà quản lý cơ sở ảnh viện Đống Đa Sài Gòn kinh tài cho cách mạng, lúc niềm nở ở cương vị Người thuyền trưởng trên mặt trận văn hóa…- trí óc thông tuệ, tính cách lịch lãm của ông luôn có sức thuyết phục và để lại những đóng góp tích cực. Với đức tính kiên trung, luôn sâu nặng tình yêu quê hương đất nước, với lòng say mê nghệ thuật nhiếp ảnh đến tận cuối đời, Nghệ sĩ Trịnh Đình Thu là niềm tự hào cho giới trẻ trân trọng và noi theo.
LÊ XUÂN THĂNG