Nữ nhiếp ảnh gia Đào Hoa Nữ rất nổi tiếng trong và ngoài nước. Tài năng của chị chính là kết quả của niềm đam mê và sự lao động nghệ thuật bền bỉ qua những chuyến đi không mệt mỏi trên khắp tổ quốc.
Về chức danh của hội nghề nghiệp, Đào Hoa Nữ là… “quan” (Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Chủ nhiệm CLB Nhiếp ảnh nữ Hải Âu) nhưng “quan” rất ít khi ngồi ở bàn giấy mà cánh chim Hải Âu đầu đàn này luôn sải cánh trên các cung đường đất nước. Mỗi chuyến đi lại là một khám phá đầy mới lạ và thú vị về quê hương, đất nước của mình…
Mỗi người chúng ta, ai cũng có hai quê hương – nghĩa hẹp là nơi “chôn nhau cắt rốn” còn nghĩa rộng chính là Tổ quốc. Ở Đào Hoa Nữ, hai yếu tố này chính là chất men khơi gợi để chị say sưa sáng tác về Huế (nơi chị sinh ra) và Việt Nam (nơi cho chị quốc tịch, văn hóa và tâm hồn Việt). Những tập sách ảnh của chị đủ để nói lên điều đó: Việt Nam quê hương tôi (năm 1990), Huế – đất mẹ của tôi (2000), Huế – thành phố festival (2006) và mới nhất là sách ảnh Việt Nam -những nẻo đường (2010)…
Không gian và cảnh sắc của Huế trong Việt Nam – những nẻo đường không còn khoác chiếc áo trầm mặc u tịch vốn có mà được đánh thức bởi những festival lung linh huyền ảo, những sinh hoạt cung đình được tái tạo một cách hoành tráng và dồn dập nhịp thở thời đại, có cảm giác như người xưa cũng đang tham gia vào những hoạt động đó ngay bên cạnh mình. Tuy vậy, Đào Hoa Nữ vẫn đưa ta về với đúng bản chất Huế khi dừng chân bên những lăng tẩm, những khu nhà vườn, những bến sông…
Nhà thờ Vân An. Ảnh: Đào Hoa Nữ (trích tập sách ảnh “Huế – thành phố festival”).
Bước chân của Đào Hoa Nữ không chỉ in dấu trên đất liền, chị còn nhoài người ra chụp cảnh những ngư dân đang đánh bắt cá ở vùng biển Cà Mau – nơi cực Nam của tổ quốc, và cả những huyện đảo Phú Quốc, Côn Đảo… Ngược lên phía Bắc, chị lên tận biên giới Việt – Trung để có những bức ảnh về ải Chi Lăng, thác Bản Giốc, đèo Mẫu Sơn, hồ Ba Bể, tượng nàng Tô Thị… Ảnh của chị thật đến nỗi có thể thu vào ống kính một con rắn lục rất lớn đang uốn mình bên bờ cổng đá phế tích trên đỉnh Bạch Mã.
Cổng Mông Phụ làng cổ Dương Lâm – Ảnh: Đào Hoa Nữ
Một điều dễ nhận thấy là Đào Hoa Nữ rất thích chụp những di tích – kiến trúc cổ, chị còn “zoom” cận cảnh những hoa văn trên những góc mái ngói đầu nhà. Những nơi chốn đi về của tâm linh (đền, chùa, nhà thờ, thánh thất…) cũng chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong góc nhìn của Đào Hoa Nữ. Chị cũng rất tâm đắc với những sinh hoạt của loại hình nghệ thuật truyền thống (nhã nhạc cung đình, tuồng, chèo, đờn ca tài tử, cải lương…); và đặc biệt ưa thích những kiến trúc đá – “trơ gan cùng tuế nguyệt”…
Giếng nhà vườn Phú Mộng. Ảnh: Đào Hoa Nữ (trích tập sách ảnh “Huế – thành phố festival”).
Năm 2010 để chào mừng sự kiện lớn của đất nước “Ngàn năm Thăng Long Hà Nội,” chị đã cho ra mắt “Việt Nam – những nẻo đường” là một tập sách ảnh bề thế và khá nặng ký – cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng (khổ 28 x 28 cm, nặng gần 4 kg, với 386 trang sách, chứa hơn 500 ảnh), được chia làm 7 phần về từng vùng miền. Điều đáng nói là ngoài bài tựa tổng thể của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường thì mỗi phần lại có một bài viết khác của những người nổi tiếng: nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân (phần Huế), nhà sử học Dương Quang Trung (Miền Trung và Tây Nguyên), GS nhạc sĩ Ca Lê Thuần (Sài Gòn), GS-TS Trần Văn Khê (Miền Nam), KTS Nguyễn Trọng Huấn (Hà Nội), nhiếp ảnh gia Hoàng Kim Đáng (Miền Bắc)…
Nhiếp ảnh gia Mạnh Đan (giữa) dù tuổi đã cao vẫn đến chúc mừng người học trò của mình nhân ngày ra mắt sách ảnh.
Tại buổi ra mắt sách ảnh, Đào Hoa Nữ tâm sự, qua hàng chục năm cầm máy rong ruổi trên mọi nẻo đường, niềm hạnh phúc của chị là chộp được khoảnh khắc đẹp của cuộc sống. Có khoảnh khắc chỉ đến một lần. Có những cảnh vật mà theo quy luật “vật đổi sao dời” nên dễ dàng biến mất, nhưng nhiếp ảnh đã giúp chị giữ lại sự sống động, tươi mới của cuộc sống qua dòng thời gian.