Đặng Huy Trứ – một danh sỹ triều Nguyễn đã đưa kỹ thuật nhiếp ảnh vào Việt Nam. Ông mở hiệu ảnh đầu tiên lấy tên là “Cảm hiếu Đường” tại phố Thanh Hà, Hà Nội.
Đặng Huy Trứ và hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường
Lịch sử nhiếp ảnh ra đời kể từ ngày viện sỹ Arago, Viện Hàn lâm Khoa học Pháp công bố phát minh của Daguèrre vào ngày 19-8-1839. Và chỉ 30 năm sau ngày 14-3-1869 (tức ngày 2 tháng 2 năm Kỷ Tỵ ) và sau 11 năm khi thực dân Pháp nổ phát súng đầu tiên vào cảng Đà Nẵng, năm 1858 mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam, ông Đặng Huy Trứ – một danh sỹ triều Nguyễn đã đưa kỹ thuật nhiếp ảnh vào Việt Nam. Ông mở hiệu ảnh đầu tiên lấy tên là “Cảm hiếu Đường” tại phố Thanh Hà, Hà Nội.
Đặng Huy Trứ
Quốc sử triều Nguyễn ghi rằng: Năm Ất Sửu (1865) nhân chuyến sang thăm Trung Quốc, ông Đặng Huy Trứ đến Hương Cảng. Tại đây lần đầu tiên ông được tiếp xúc với kỹ thuật nhiếp ảnh. Ông chụp hai bức chân dung của mình đem về nước. Năm Đinh Mão (1867), trong chuyến đi công cán Quảng Đông, Trung Quốc, ông nhờ người bạn, một quan chức nhà Thanh là Dương Khải Trí, mua hộ cho một bộ đò nghề chụp ảnh. Khi về nước, ông lấy Lạc Sinh Công Điếm sửa lại và lập ra hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường.
Đặng Huy Trứ là trí thức Nho học và là nhà kinh tế, nhà quân sự, nhà chính trị yêu nước, có tư tưởng canh tân. Ông ra làm quan triều Nguyễn năm 1856, vào lúc thực dân Pháp mở đầu cuộc xâm lược nước ta. Sau khi Pháp đánh Hà Nội lần thứ nhất năm 1873, ông rút lên căn cứ Đồn Vàng, cùng Hoàng Kế Viêm chống Pháp. Ông mất tại Đồn Vàng năm Nhâm Tuất (1874) và thi hài của ông được đưa về an táng tại quê nhà, Huế. |
Quan điểm chụp ảnh của Đặng Huy Trứ được thể hiện rõ qua hai câu đối treo ở trước của hiệu:
Câu đối 1: Nhân yên trù mật Thanh Hà phố
Thiện niệm du hưng Cảm Hiếu Đường
(Thanh Hà phố ấy dân trù mật
Cảm Hiếu Đường đây khách nhiệt nồng)
Câu đối 2: Hiếu dĩ thân nhân sở cộng
Ảnh giai tiêu tượng thế tương truyền
(Hiếu thờ cha mẹ người người muốn
Ảnh giống dung nhan mãi mãi truyền)
Khương Hữu Dụng (dịch)
Về hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường của mình, Đặng Huy Trứ có viết một bài quảng cáo nói rõ sự cần thiết của việc chụp ảnh:
“Trộm nghe:
Xưa nay không ai tái sinh được xương thịt. Tuy ứng theo lòng, chụp ảnh tái hiện được tinh thần.
Muốn đi sâu vào ngọn nguồn, xin thử trình bày gốc ngọn của việc đó.
Từ thuở mới có trời đất, chỉ có con người là tinh anh. Và trong cái đức tốt đẹp của đạo lý thì “hiếu” là đầu của trăm nết. Vì thân thể của người ta là nhận được của cha mẹ: Sau 3 năm mới khỏi bế ẵm, cực kỳ phú quý như bậc công hầu, khanh tướng cũng không có cách nuôi nào khác , dù chỉ trong một ngày. Khi bé bỏng thì bồng bế yêu hương, suốt đời thì nhớ thì quý, lòng này lẽ ấy như nhau. Gặp ngày giỗ thì khóc, ngày sinh thì thương, lương tri, lương năng đều vậy. Đi ắt thưa, về ắt trình, người có nhân không nỡ có lòng xa rời cha mẹ. Chết như sống, mất như còn, người con hiếu không nỡ có ý quên cha mẹ. Dù ở nơi quan san cách trở, mãi vẫn ôm nỗi nhớ! Huyên cõi xuân già, không kịp báo đáp thì suốt đời mang mối hận ngàn thu.
Vua Bảo Đại
Một bức thư nhà gửi đến, thuật lại việc ăn ở, thức ngủ, nhưng chẳng thấy dung nhan. Hai hàng thần chủ nương hồn ghi rõ họ tên mà không tường diện mạo. Trèo lên núi Hỗ trông cha, trèo lến núi Dĩ trông mẹ, mong ngóng mà nào thấy mặt. Cầu cõi âm, cầu cõi dương hòng mắt thấy tai nghe nào có gặp được.
Xưa, Vương Kiến Thành tâm ứng mộng nhưng thức ngủ đều không thấy hình, thấy ảnh. Thiếu Nguyên trích máu nhận hài cốt nhưng nhan diện đã cùng nát với cỏ cây. Thọ Xương từ quan đi tìm mẹ nhưng bóng dâu đã ngả. Đinh Lan đẽo tượng thờ cha mẹ nhưng e rằng tóc da khắc lên khó giống. Tình này nghĩa ấy, ai có, ai không? Nay muốn sớm tối vui như trẻ được mặc áo hoa, ngoài nghìn dặm mà dường như dưới gối, luôn luôn thấy mặt, trăm năm sau mà vẫn in như trước mắt, khiến mọi người đều tỏ được tấm lòng thành hiếu thì chỉ có cách chụp ảnh là hay nhất….
Nay cửa hiệu chúng tôi mở ra trong nước, ở những nơi tàu xe đi lại, chiêu hàng rộng rãi. Quý khách nếu có ý thích, động lòng hiếu thảo, trẻ thưa trình với các vị tôn trưởng , con em bẩm lên các bậc phụ mẫu. Một tấm chân dung mà tỏ được tấc lòng ái mộ sâu đậm”.
Hoàng hậu Nam Phương
Trước hiệu ảnh, ông cũng có treo bảng giá:
– Mặc đại triều phục, bản đầu mỗi ảnh giá: bạc là 5 đại nguyên, thành tiền là 27 quan 5.
– Mặc thường triều phục, bản đầu mỗi ảnh giá: bạc là 4, đại nguyên, thành tiền là 22 quan.
– Mặc áo dài, mặc quần áo trong nhà, bản đầu mỗi ảnh giá: bạc là 3 đại nguyên, thành tiền là 16 quan 5.
– Trong ảnh nếu có ảnh người khác: cùng vai vế, mỗi hình 3 quan, quan giúp việc, mỗi hình 2 quan 5, con cái và người làm, mỗi hình 2 quan, in lại như trên.
– Trên bản đen trắng nếu muốn tô mầu, xin thương lượng với thợ, bản hiệu không can thiệp.
– Sau khi chụp, 4 ngày sẽ giao ảnh.
(Năm Tự Đức thứ 22 (Kỷ Tỵ-1869), tháng Giêng (25-2-1869))
Những lời nói chân thành trong bảng quảng cáo của hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường giúp chúng ta phần nào hình dung ra việc chụp ảnh thời bấy giờ. Khi Hà Nội chưa bị thực dân Pháp thôn tính, người dân miền Bắc chỉ biết việc chụp ảnh thông qua quan hệ với Trung Quốc. Đặng Huy Trứ đã sớm nhận thức tầm quan trọng của kỹ thuật nhiếp ảnh nói riêng và kỹ thuật công nghệ nói chung trong sự thúc đẩy phát triển xã hội. Nhưng đáng tiếc cho đến nay chưa tìm thấy bức ảnh nào do hiệu ảnh Cảm Hiệu Đường của Đăng Huy Trử chụp. Tuy nhiên qua những tư liệu lịch sử còn để lại đến ngày nay, thì Đặng Huy Trứ thực sự xứng đáng là người đầu tiên mở đường cho nhiếp ảnh vào Việt Nam.