Năm 1890, tại Hà Nội có 3 hiệu ảnh của người Hoa. Đó là hiệu ảnh Du Chương, Đông Chương ở phố Hàng Bồ, hiệu ảnh Mỹ Chương ở phố Hàng Bông. Tiếp sau 3 hiệu ảnh nói trên được thành lập, nhiều người Việt người Hoa, người Pháp đua nhau mở hiệu ảnh ở Hà nội và Sài Gòn. Trong đó ở Hà Nội đáng chú ý có hiệu ảnh Hương Ký nổi tiếng tọa lạc tại địa điểm khách sạn Phú Gia ngày nay ở phố Hàng Trống và hiệu ảnh Khánh Ký ở phố Cửa Đông.
Nhiếp ảnh cửa hiệu phát triển
Theo sách “Đại Nam thực lục chính biên” (chính sử đời Nguyễn) ghi rằng vào tháng 5 năm Mậu thìn (tháng 6-1876), ông Trương Văn Sán, học nghề ảnh ở Pháp đã mở một hiệu ảnh trên bờ sông Hương, cạnh Bến Thương bạc, Huế.
Cô gái hút thuốc bát
Phần nói về hiệu ảnh của ông Trương Văn Sán, chính sử ghi: hiệu ảnh có những đồ nghề như sau: Một máy ảnh hình hòm kèm theo ống kính, hai trụ sắt, một khuôn chặn giấy, một giá đặt máy ảnh (chân máy ảnh). Phòng chụp là một căn nhà có lắp kính để hứng ánh sáng. Khi chụp ảnh, người thợ thao tác thứ tự:
– Mời người muốn được chụp ảnh ngồi xuống ghế, đầu tựa vào trụ sắt dựng đằng sau tấm vải dùng làm phông, để đỡ cho khỏi bị rung. Người thợ đặt máy ảnh lên giá đỡ, lắp ống kính vào, rồi mở nắp ống kính, cho di chuyển giá máy sao cho hình người ngồi trước máy ảnh hiện rõ trên kính mờ.
– Sau đó đậy nắp ống kính lại, người thợ tháo tấm kính mờ ra đồng thời lắp tấm phim kính âm bản vào và mở ống kính ra chụp. Tiếp đó đậy nắp ống kính lại như cũ, đưa máy ảnh vào buồng tối, nhẹ nhàng rút tấm kính âm bản đưa vào nước lả rồi cho vào thuốc hiện hình, hình người chụp hiện rõ, lấy ra rửa nước, cho tiếp vào thuốc định hình. Rửa nước thật kỹ , đem phim phơi khô.
– Phim âm bản đã khô, lắp phim vào khuôn để in lên giấy ảnh. Giấy ảnh in xong lại thao tác 3 lần như khi tráng phim. Khi ảnh đã khô ta được bức như ý.
Hiệu ảnh Hương ký những năm 90
Năm 1890, tại Hà Nội có 3 hiệu ảnh của người Hoa. Đó là hiệu ảnh Du Chương, Đông Chương ở phố Hàng Bồ, hiệu ảnh Mỹ Chương ở phố Hàng Bông. Đây là 3 hiệu ảnh chuyên chụp ảnh lưu niệm. Nói chung người Việt ta lúc bấy giờ ít chụp ảnh phần vì nghèo không có tiền, trong lúc đó giá ảnh khá đắt, mặt khác vì do mê tín nên họ quan niệm rằng chụp ảnh sẽ bị thu mất “bóng”, mất “vía”. Lúc bấy giờ kỹ thuật ảnh còn thô sơ nên việc chụp in, phóng ảnh đều sử dụng ánh sáng trời, có tu sửa ảnh và tô mầu.
Tiếp sau 3 hiệu ảnh nói trên được thành lập, nhiều người Việt người Hoa, người Pháp đua nhau mở hiệu ảnh ở Hà nội và Sài Gòn. Trong đó ở Hà Nội đáng chú ý có hiệu ảnh Hương Ký nổi tiếng tọa lạc tại địa điểm khách sạn Phú Gia ngày nay ở phố Hàng Trống và hiệu ảnh Khánh Ký ở phố Cửa Đông.
Ông Hương Ký không chỉ chụp ảnh dịch vu, lưu niệm, ông còn đi từ Bắc vào Nam chụp phong cảnh làm bưu ảnh.
Ống Nguyễn Đình Khánh (Khánh Ký)
Khánh Ký tên thật là Nguyễn Đình Khánh, sinh năm 1874 ở thôn Lai Xá , Xã Kim Chung huyện Hoài Đức, Hà Tây, nay là Hà Nội. Theo tài liệu của Sở Văn hóa Hà Nội, Nguyễn Đình Khánh học nghề ảnh ở hiệu ảnh Du Chương. Năm 1905, ông mở hiệu ảnh lấy tên là Khánh Ký ở Hà Nội, sau đó ông còn mở hiệu ảnh ở Nam Định. Thợ làm ảnh cho ông phần lớn là người làng Lai Xá, chủ yếu là họ hàng. Hiệu ảnh của ông có lúc lên đến vài chục người vừa học vừa làm. Ảnh chân dung Khánh Ký có những đặc điểm riêng được mệnh danh là “ảnh chân dung kiểu Khánh Ký”. Ảnh chân dung của ông thường chụp toàn thân, hai tay đặt lên đầu gối, phải rõ 10 đầu ngón tay ngón chân. Kiểu chụp ảnh chân dung này vẫn còn phổ biến cho tới ngày nay, nhất là vùng nông thôn miền núi.
Do tham gia phong trào Đông Du Nghĩa Thục bị bại lộ, Nguyễn Đình Khánh phải trốn sang Pháp. Tại đây, ông mở hiệu ảnh ở Tulu và cũng là nơi đón tiếp kiều bào, những người yêu nước hoạt động bí mật, những lưu học sinh ta ở Pháp. Ông cũng mở hiệu ảnh ở Paris. Nguyễn Ái Quốc từng đến hiệu ảnh của Khánh Ký làm việc lấy tiền kiếm sống để hoạt động cách mạng. Năm 1924, Khánh Ký trở về nước , ông mở hiệu ảnh ở Hải Phòng, sau đó còn mở ở Sài Gòn tại đường Bonard ( nay đường Lê Lợi ).
Ống Khánh Ký và các thợ ảnh của mình ở Sài Gòn
Tại Sài Gòn, nơi thực dân Pháp sớm đặt bộ máy cai trị, nên ở đó có nhiều hiệu ảnh mở khá sớm ở Chợ Lớn. Năm 1908, ở đường Bonard (nay là đường Đồng Khởi) có hiệu ảnh Brignon và hiệu ảnh Gastady ở đường Espagne ( nay là đường Lê Thánh Tông, quận I ). Điều đáng chú ý là ở hai hiệu ảnh này kỹ thuật nhiếp ảnh khá cao. Đặc biệt là hiệu ảnh của cử nhân nhiếp ảnh Gastady, có trang bị phòng chụp ảnh chân dung , một hệ thống buồng tối khá hiện đại, có thể phóng ảnh cỡ lớn từ 5 đến 10 mét. Có phòng làm bản kẽm và máy in. Đây là nơi xuất bản nhiều bưu ảnh, ảnh áp phích, ảnh quảng cáo. Phòng ảnh của Gastady chủ yếu chụp chân dung cho các quan lại cao cấp, các tướng lĩnh, các nhà tư sản, địa chủ cỡ lớn…Cơ sở này chủ yếu nhờ nhận thầu công việc của chính quyền Pháp. Từ năm 1942, khi đại chiến thế giới thứ II nổ ra, do không nhận được tiền trợ cấp của chính quyền thực dân, nên hiệu ảnh Gastady phải đóng cửa.
Tại các thành phố, thị xã, thị trấn khác như Hải Phòng, Hòn Gai, Vinh, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Đà Lạt…cũng đã có các hiệu ảnh mở, nhưng không phát triển mạnh vì số người chơi ảnh không nhiều.
Nguyễn Ái Quốc làm nghề ảnh ở Paris, Pháp
Nguyễn Ái Quốc đặt chân lên đất Pháp, cùng với cụ Phan Châu Trinh sống ở nhà Luật sư Phan Văn Trưởng số 6 đường Gobơlanh, quận 17, Paris. Tại đây Nguyễn Ái Quốc học nghề phóng ảnh với Nguyễn Đình Khánh. Sau đó dọn về sống và làm việc ở số 9 ngõ Công Poanh. Tại đây Nguyễn Ái Quốc tiếp tục làm nghề phóng ảnh kiếm sống để hoạt động cách mạng. Nguyễn Ái Quốc chủ yếu phóng ảnh chân dung.
Chiếc máy ảnh của Nguyễn Ái Quốc năm 1920
Trong một tờ quảng cáo đăng trên báo Paris thời bấy giờ, Nguyễn Ái Quốc viết:
“Ảnh nghệ thuật từ 20 France, có khung 40 F. Nguyễn Ái quốc nhà số 9, ngõ Công Poanh, Paris. Đối với các tỉnh thuộc địa, khách hàng chịu tiền đóng gói và cước gửi qua bưu điện”.
Ngoài ra còn có một quảng cáo khác cũng khá hấp dẫn: “Nếu bạn muốn giữ kỷ niệm sinh động về người thân và bạn bè, các bạn hãy cho phóng đại ảnh rại nhà Nguyễn Ái Quốc, số 9 ngõ Công Poanh, quận 17, Paris. Ảnh chân dung tốt, khung ảnh đẹp, từ 45 France trở lên ”.
Nguyễn Ái Quốc chỉ làm ảnh buổi sáng, buổi chiều và tối Nguyễn Ái Quốc đến thư viện đọc sách, nghiên cứu, dự các buổi mit tinh hoặc viết báo.
Trên tờ báo “Đời sống Công nhân”của Tổng Liên đoàn Lao động Pháp đã viết về nghề nghiệp và hoạt động của Nguyễn Ái Quốc như sau:
“Trong những năm 1920, một thanh niên Đông Đương di cư kiếm sống bằng nghề in phóng ảnh ở phố chợ Patơriacsơ, ông đã làm nhiều người chú ý về những lời tố cáo đanh thép chống chủ nghĩa thực dân Pháp. Tại Hội nghị Tua chính Paul Vayăng Cutuyrie, đã phải ngạc nhiên về lời tố cáo trên và đồng chí Cutuyrie đã viết trên báo Nhân Đạo: “Đây là lời tố cáo chính xác tuyệt vời, nói lên nỗi thống khổ của một dân tộc 20 triệu người bị chà đạp, tra tấn, giam cầm, bởi chủ nghĩa tư bản Pháp”…”.
Để khẳng định Nguyễn Ái Quốc của chúng ta từng là một người làm nghề ảnh để hoạt động cách mạng, mới đây các đồng chí Đảng viên Đảng Cộng sản Pháp đã tìm được một bức thư của một khách hàng gửi cho Nguyễn Ái Quốc:
“Đồng chí! Tôi đã đọc bản quảng cáo ảnh nghệ thuật của đồng chí đăng trên báo “Đời sống Công nhân”. Bất hạnh đứa con trai tôi chết, tôi chỉ còn giữ được mấy tấm ảnh nhỏ của cháu, muốn nhờ đồng chí chụp lại ra khổ 60×70 cm và cho tôi biết giá bao nhiêu!”
(số 4 phố Hô sơ Môngtơbăng (Tây Nam nước Pháp)