Lịch sử phát triển của nhân loại cho thấy văn hóa (trong đó có văn học nghệ thuật) là nền tảng tinh thần của xã hội, thể hiện tầm cao, bề rộng và chiều sâu về trình độ phát triển và trường tồn của một dân tộc. Văn hoá không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội. Là một loại hình nghệ thuật nên nhiếp ảnh không thể tách khỏi những nhận định đó.
Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định “Phương hướng chung của sự nghiệp văn học nghệ thuật nước ta là phát huy chủ nghĩa yêu nước và truyền thống đại đoàn kết dân tộc, ý thức độc lập tự chủ, tự cường xây dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa, xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, làm cho văn hoá Việt Nam thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, vào từng con người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, từng địa bàn dân cư, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người, tạo ra trên đất nước ta đời sống tinh thần cao đẹp, trình độ văn hoá cao, khoa học phát triển phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, tiến bước vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”.
Như vậy, xây dựng và phát triển một nền văn hoá, văn học nghệ thuật Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc là mục tiêu xuyên suốt, là mục tiêu chiến lược hết sức quan trọng của toàn đảng và toàn dân ta, của toàn bộ ngành văn hoá, văn học nghệ thuật trong đó Nhiếp ảnh đóng một vai trò quan trọng.
Bàn về bản sắc dân tộc, xét trên giác độ lý luận vẫn còn là vấn đề khúc mắc cả về quan niệm cũng như phương hướng chỉ đạo thực tiễn.
Riêng với nhiếp ảnh, khi xét về sự ra đời của loại hình nghệ thuật này, chúng ta không thể không nhận thấy rằng, nó hoàn toàn khác với các loại hình nghệ thuật khác như múa, nhạc, sân khấu… đều bắt đầu từ cuộc sống sinh hoạt của dân tộc mà hình thành và phát triển nhưng với nhiếp ảnh lại được du nhập từ nước ngoài vào mà công đầu thuộc về ông Đặng Huy Trứ, một nhà nho ở Thừa Thiên Huế. Quá trình phát triển của nhiếp ảnh lại gắn liền với sự phát triển của khoa học kỹ thuật như quang học, cơ học…, thế nhưng khi nói về bản sắc của Nhiếp ảnh thì Nhiếp ảnh thuộc dân tộc nào thì nó mang tính chất và bản sắc riêng của dân tộc đó.
Trong bất cứ một dân tộc nào cũng có hiện tượng tiếp nhận nhiều yếu tố văn hoá ngoại sinh (như Mỹ, Nhật Bản, các nước châu Mỹ la tinh…chẳng hạn), nhưng họ vẫn có những bản sắc văn hoá riêng. Chính nhờ bản sắc riêng của từng dân tộc mà chúng ta phân biệt được giữa cái chung và cái riêng của nền nhiếp ảnh nước này với nhiếp ảnh nước khác.
Thường lâu nay người ta nhìn nhận và xét đoán bản sắc dân tộc trong ảnh nghệ thuật chỉ theo quan điểm giá trị, trong tương lai hệ thống giá trị sẽ bổ sung, thay đổi nhưng bản sắc dân tộc thì vẫn tồn tại lâu dài và ngày càng phong phú. Như vậy những bức ảnh mang đậm bản sắc dân tộc thì bức ảnh đó sẽ sống mãi và trường tồn cùng năm tháng.
Vậy, bản sắc dân tộc trong ảnh nghệ thuật là gì?
Bản sắc dân tộc là sự tổng hoà các khuynh hướng cơ bản trong sáng tạo nghệ thuật, sự tổng hoà đó được thể hiện trong suốt quá trình vận động và phát triển không ngừng của một dân tộc, một đất nước. Nó bị chi phối bởi điều kiện kinh tế, môi trường tự nhiên, các thể chế, các hệ tư tưởng… Hay nói một cách khác, bản sắc dân tộc là sự tổng hòa các giá trị bền vững, những tinh hoa văn hoá vật chất và tinh thần làm nên những sắc thái riêng trong ảnh nghệ thuật của một đất nước, một dân tộc thông qua sự vận động của lịch sử và phát triển.
Bản sắc dân tộc không chỉ biểu hiện nhất thời mà nó có mối liên hệ lâu dài, sâu sắc, bền vững trong lịch sử và trong đời sống văn hoá của một dân tộc. Đây chính là động lực và định hướng thúc đẩy sự sáng tạo, là nền móng để mỗi dân tộc tự tìm kiếm đến đỉnh cao của mình cho dù trong điều kiện kinh tế xã hội khắc nghiệt. Như thế để muốn nói rằng trong điều kiện kinh tế có khó khăn đến đâu nếu chúng ta biết nâng cao bản sắc dân tộc, có chính sách hỗ trợ thích đáng chúng ta vẫn có thể tạo ra một nền nhiếp ảnh phong phú, với những tác phẩm đầy tính nghệ thuật. Tất nhiên sự phát triển kinh tế xã hội là yếu tố, là điều kiện có ý nghĩa cách mạng và lâu dài cho bước phát triển của nền nhiếp ảnh của dân tộc.
Nói đến bản sắc dân tộc là nói đến truyền thống, vì truyền thống là một bộ phận của văn hoá, “truyền thống của một dân tộc nói lên bản sắc văn hoá của dân tộc ấy” truyền thống là nơi biểu hiện rõ nét nhất bản sắc dân tộc.
Bản sắc dân tộc giống như chất keo kết nối cộng đồng người gắn bó với nhau, để cùng tồn tại và phát triển, do vậy giữ gìn bản sắc dân tộc chính là bảo vệ sự kết nối đó. Bảo vệ bản sắc dân tộc trong văn hoá, văn học nghệ thuật chính là bảo vệ độc lập dân tộc.
Như vậy, bản sắc dân tộc được hình thành và phát triển theo sự phát triển chung của một xã hội, của một dân tộc, một đất nước. Đất nước càng phát triển, nền kinh tế càng phát triển thì bản sắc dân tộc càng được củng cố, tăng cường, nâng niu giữ gìn và ngày càng đậm đà tính dân tộc.
Bản sắc dân tộc muốn giữ gìn và tồn tại được thì bản sắc đó phải gắn với thời đại, tính
thời đại tôn vinh cho bản sắc dân tộc một cách mạnh mẽ.
Đối với ảnh nghệ thuật Việt Nam, bản sắc dân tộc được thể hiện ở chỗ là luôn lấy sứ mệnh của dân tộc, vì độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội làm định hướng cho sáng tạo của mình; thể hiện các hiện tượng tư nhiên, xã hội, con người trong tác phẩm của mình một cách bao dung, hòa đồng thông qua tư tưởng truyền thống và tư tưởng hiện đại với cái nhìn nhân bản, giàu sức chuyển hoá, đầy sự tương phản đăng đối và giàu tính nhân dân, tính cộng đồng kết hợp nhuần nhuyễn với giá trị chân- thiện- mỹ của nhiếp ảnh.
So với các loại hình nghệ thuật khác, Nhiếp ảnh Việt Nam là loại hình nghệ thuật non trẻ, nhiếp ảnh thế giới ra đời năm 1839 nhưng mãi 30 năm sau nhiếp ảnh mới đến Việt Nam và nền nhiếp ảnh cách mạng chúng ta đến hôm nay cũng mới 60 năm nhưng đã để lại một pho sử bằng ảnh vô cùng quý giá, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của đảng của dân tộc.
Cho đến hôm nay, 60 năm đã trôi qua, vẫn còn nguyên vẹn trong mỗi chúng ta hình ảnh lễ thành lập đội tuyên truyền giải phóng quân tại khu rừng Trần Hưng Đạo lịch sử, hình ảnh đạo quân xông lên đánh chiếm Bắc Bộ Phủ tháng 8/1945, cây gậy trong tay người chiến sĩ Thành đồng Tổ quốc, những chiến sĩ xung phong đạp qua xác giặc ở trận Phố Ràng, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các chiến sĩ ở mặt trận Đông Khê… đó là những dấu mốc lịch sử , đó là hình ảnh Việt Nam, tư thế của người chiến sĩ tạc vào lịch sử, đó là những hình ảnh chân thực, mộc mạc và mang ý nghĩa nhân văn cao cả. Trải qua hai cuộc kháng chiến, người chiến sĩ Việt Nam đối mặt với kẻ thù cả trên không, mặt đất và trên biển. Hình ảnh những anh tự vệ, những chị dân quân trên công trường, trên xưởng máy, phong trào phụ nữ ba đảm đang đã để lại một cách đơn giản nhưng đi vào tâm khảm của mọi người. Hình ảnh những anh bộ đội đội mũ rơm trên mâm pháo của Vũ Tạo đã đọng lại, “Tiếp nhanh thêm đạn”, “Nhằm thẳng quân thù mà bắn ” của Nguyễn Hân đã ghi lại khí thế chiến đấu dũng cảm. Cũng quanh trận địa pháo quen thuộc Mai Nam đã mang đến cho người xem tác phẩm “Cảnh giác”, bức ảnh tả gà mẹ vừa ấp ủ đàn con vừa nghển cổ nghe ngóng những động tĩnh khác thường, cạnh đó là các chiến sĩ vừa đọc báo vừa cảnh giác sẵn sàng chiến đấu. Giản dị mà sâu xa, bức ảnh đã nói lên cuộc chiến đấu sống còn của đất nước, của dân tộc. Trên những nẻo đường hành quân, những đoàn quân chập chùng ra trận, những đoàn xe vượt trọng điểm đã để lại nhiều hình ảnh đáng nhớ như phóng sự “Đường ra tiền tuyến”, “Vết xe lăn” của Nguyễn Đình Ưu, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” của Minh Trường.
Với những cái nhìn trực diện khác, các tác phẩm “Dưới chân anh Giải phóng” của Ngọc Thông, “Trên đồi không tên”, “Đánh chiếm căn cứ Đầu Mỗu” của Đoàn Công Tính… đã khắc hoạ cuộc chiến đấu vô cùng gian khổ và khốc liệt của dân tộc ta. Những bức ảnh “Từ thần sấm xuống xe trâu” của Văn Bảo, “O du kích nhỏ” của Phan Thoan,“Sự trừng phạt đích đáng” của Quang Văn hay “Những cô gái dân quân Ngư Thuỷ”, “Các lão dân quân Hoằng Hoá”, “Mẹ Suốt chèo đò” … đã đưa đến cho chúng ta cảm giác sống động, hào hùng quyết liệt vừa thân thương vừa ấm áp và rất đỗi tự hào về những người chiến sĩ trong cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, đó là tiêu điểm chói sáng mà nhà nhiếp ảnh đã ghi lại, điều đó nói lên một thời oanh liệt, chịu đựng gian khổ và hy sinh của dân tộc ta. Đó là hình ảnh cao đẹp là di sản vô giá của đất nước, cho hôm nay, mai sau và mãi mãi với thời gian, với lịch sử trường tồn của dân tộc. Đó chính là bản sắc dân tộc trong ảnh nghệ thuật Việt Nam và bản săc đó được phân nhận rõ ràng khi chúng ta tham gia giao lưu quốc tế.
Giao lưu quốc tế là một đòi hỏi, là một hiện tượng phổ biến của xã hội loài người, là quy luật vận động và phát triển của các dân tộc và của mọi nền văn hoá. Giao lưu Nhiếp ảnh phản ánh sự học hỏi và tiếp nhận lẫn nhau giữa Nhiếp ảnh các dân tộc các quốc gia trên các lĩnh vực trước hết là về nghệ thuật, về khoa học công nghệ, kinh nghiệm tổ chức quản lý, giới thiệu đất nước con người… Thông qua giao lưu, trao đổi mà sự nghiệp chiến đấu chính nghĩa của dân tộc ta và những giá trị văn hoá tinh thần cao đẹp của nhân dân ta, họ ủng hộ chúng ta và chúng ta cũng học hỏi được nhiều thành tựu, tinh hoa văn hoá và nghề nghiệp góp phần làm phong phú nhiếp ảnh Việt Nam.
Trong báo cáo tổng kết 50 năm Nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cũng đã nêu từ những năm 60 và 70 của thế kỷ XX ảnh Việt Nam đã có mặt tại nhiều cuộc triển lãm quốc tế và đã gây được tiếng vang tốt nhờ có những tác phẩm đoạt giải thưởng cao gây xúc động lòng người. Đặc biệt sau khi đất nước thống nhất và nhất là từ năm 1991 sau khi Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam gia nhập FIAP, các nhà nhiếp ảnh Việt Nam có điều kiện gửi ảnh dự thi hơn. Ngoài một số cuộc thi ảnh quốc tế lớn như Báo chí thế giới, thi ảnh hai năm một lần của tổ chức FIAP, cuộc thi hàng năm của ACCU, ảnh Việt Nam cũng đã xuất hiện tại nhiều quốc gia thành viên FIAP và đã đem về cho đất nước nhiều giải thưởng, nhiều huy chương có giá trị được dư luận quốc tế ghi nhận, đây chính là sự phát triển của Nhiếp ảnh Việt Nam. Đặc biệt từ năm 1996 đến nay, Việt Nam đã tổ chức thành công 3 cuộc triển lãm ảnh quốc tế (VN-96, VN-02 và VN-05), được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao. Ngoài ra, do mối quan hệ bang giao ngày càng mở rộng, việc giao lưu văn hoá giữa Việt Nam và thế giới ngày càng phát triển. Các nhà nhiếp ảnh quốc tế đã có quan hệ trao đổi với Việt Nam tổ chức trưng bày triển lãm hình ảnh các nước tại Việt Nam như các nhà nhiếp ảnh Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Mêxico, Ăngôla, Italia…
Qua hội n
hập quốc tế, vị thế của Nhiếp ảnh Việt Nam đã được đề cao, nhiếp ảnh và nhân dân các nước biết đến đất nước con người Việt Nam. Cũng qua giao lưu, chúng ta mới có điều kiện để so sánh Nhiếp ảnh Việt Nam với Nhiếp ảnh các nước khác trong khu vực và thế giới, thông qua so sánh đó mà bản sắc dân tộc trong ảnh nghệ thuật Việt Nam đã bộc lộ, giao lưu văn hoá ảnh đã tạo ra sự giao thoa và đem đến cho Nhiếp ảnh Việt Nam những lớp phù sa mới.
Bước vào thời kỳ mới, với chủ trương đa phương hoá, đa dạng hoá về hoạt động đối ngoại, việc giao lưu văn hoá cũng đã không ngừng được mở rộng. Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam với phương châm lấy hoạt động đối ngoại để đẩy mạnh nhiếp ảnh trong nước, nhờ đó mà Hội đã đạt nhiều thành tựu đáng khích lệ.
Tuy vậy, qua trao đổi giao lưu văn hoá ảnh, khi nghiên cứu về bản sắc dân tộc trong ảnh nghệ thuật chúng ta cũng không khỏi băn khoăn.
Có quan niệm cho rằng, giao lưu quốc tế sẽ mất bản sắc dân tộc. Một số người cũng chưa hiểu về đối tác của mình ví dụ như khi Việt Nam gia nhập FIAP có người cho rằng đây chỉ là tổ chức nhiếp ảnh nghiệp dư, ta gia nhập tức là nhiếp ảnh Việt Nam cũng chẳng ra gì, có người cho rằng không cần giao lưu, ta chỉ cần đóng cửa bảo nhau là đủ mà không cần FIAP hoặc FIAT gì hết. Họ quan niệm rằng chỉ có nhiếp ảnh Việt Nam là nhất. Một số người quá đề cao giả thưởng quốc tế, ngược lại có người lại cho giải thưởng quốc tế là giải chẳng ra gì…, về quan niệm như vậy thiết nghĩ chưa đúng.
Nói đến giao lưu là có cho và có nhận, nhưng do chúng ta thiếu chiến lược và quy hoạch cụ thể, thiếu kinh phí, chính sách và cán bộ nên trong giao lưu văn hoá cảnh còn nhiều bất cập.
Nhiều tác phẩm ở trong nước không được chọn trưng bày triển lãm khi ra nước ngoài lại được giải cao, đây là vấn đề khó lý giải.
Một số ít tác giả còn cố gắng nhân cách hoá hoặc sử dụng siêu kỹ thuật, dàn dựng một cách khó hiểu, học theo các mốt, các phong cách và phương pháp sáng tác của nước khác nhưng lại không có chọn lọc, cốt sao để tạo ra cho được cái mới, cái lạ nhưng cái mới và cái lạ đó lại xa rời thực tế cuộc sống của đất nước.
Hơn nữa, như đã trình bày ở trên, sự phát triển của nhiếp ảnh gắn liền với sự phát triển của khoa học công nghệ, những năm gần đây công nghệ ảnh phát triển vượt bậc nếu không nói là vũ bão, việc áp dụng kỹ thuật số, áp dụng photoshop vào sáng tác và sản xuất ảnh đã được giới nhiếp ảnh tiếp thu, đã tạo rất nhiều thuận lợi, giải phóng sức lao động ghê gớm. Thế nhưng một số nhà nhiếp ảnh quá lạm dụng Phtoshop để làm mất đi giá trị chân thiện mỹ tức là mất đi bản sắc dân tộc trong ảnh.
Để giữ gìn bản sắc dân tộc trong ảnh nghệ thuật, theo chúng tôi:
– Chúng ta cần có những trường lớp cơ bản, bồi dưỡng toàn diện cả về đường lối quan điểm sáng tác, tư cách đạo đức của người cầm máy cũng như về mặt kỹ thuật Nhiếp ảnh, lâu nay chúng ta chưa thật quan tâm lắm đến đạo đức người cầm máy.
– Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý nhà nước về lĩnh vực nhiếp ảnh.
– Tuyên truyền hơn nữa những thành tựu của nhiếp ảnh, làm cho người xem hiểu và biết đến nhiếp ảnh.
– Đẩy mạnh và mở rộng giao lưu, hội nhập và hợp tác trên lĩnh vực nhiếp ảnh với các nước trên thế giới.
– Đổi mới công tác giám khảo và đội ngũ giám khảo các cuộc thi ảnh đặc biệt là các cuộc thi ảnh quốc gia và khu vực.
Vũ Văn Cảnh
Uỷ viên thường vụ Ban Chấp hành HNSNAVN
Nguồn:tinnhiepanh.net