Giá trị nghệ thuật không phải bắt nguồn từ cái mà nhà nhiếp ảnh mô tả, mà bắt nguồn từ sự am hiểu nó, nhận thức về nó, cách diễn đạt nó cũng như cách tái hiện nó.
Bàn về tính chất cơ bản của nghệ thuật nhiếp ảnh trước hết phải hiểu thế nào là nhiếp ảnh? Theo định nghĩa chung, nhiếp ảnh là nghệ thuật cố định hình ảnh các vật thể trên bề mặt cảm quang (phim kính, phim nhựa, giấy ảnh… dưới tác dụng của ánh sáng. Điều này chỉ đúng khi ta ghi hình được là nhờ có những bức xạ ánh sáng nhìn thấy. Nhưng ngày nay với sự phát triển của khoa học kỹ thuật trên các lĩnh vực vật lý hạt nhân, tia laser, vi điện tử…Đặc biệt trong lĩnh vực tin học, kỹ thuật số ra đời, ảnh kỹ thuật số trở thành hiện thực.
Điều đó nói lên rằng có loại nhiếp ảnh không cần đến vật cảm quang, và không chỉ có bức xạ ánh sáng nhìn thấy mà cả bức xạ không nhìn thấy cũng có thể chụp được ảnh. Do đó khái niệm nhiếp ảnh được mở rộng, có thể coi nhiếp ảnh là nghệ thuật hoặc kỹ thuật, nhờ một bức xạ nhìn thấy (ánh sáng) hoặc không nhìn thấy (tia hồng ngoại) cho phép thu được hoặc cố định một hình ảnh bền vững có thể hiểu được của một vật thể hoặc một hiện tượng hay sự kiện lên phim hoặc thẻ nhớ
Định nghĩa trên cho thấy nghệ thuật nhiếp ảnh phản ánh hiện thực khách quan một cách trung thực nhất thông qua việc xử lý máy ảnh với các vật liệu như phim, giấy ảnh, thẻ nhớ…và không chỉ qua hàng loạt quá trình vừa mang tính khoa học (lý, hóa) vừa có tính nghệ thuật, mà còn đòi hỏi nhà nhiếp ảnh trước hết phải nhận thức thế giới, mới có thể phản ánh hiện thực khách quan một cách chính xác, nhằm thể hiện nhân sinh quan và khả năng cảm thụ nghệ thuật đối với thực tế khách quan đó. Nghĩa là chất lượng nghệ thuật của sự miêu tả hoàn toàn không phụ thuộc vào chất lượng thẩm mỹ của đối tượng mô tả. Giá trị nghệ thuật không phải bắt nguồn từ cái mà nhà nhiếp ảnh mô tả, mà bắt nguồn từ sự am hiểu nó, nhận thức về nó, cách diễn đạt nó cũng như cách tái hiện nó. Đây là nguyên tắc thẩm mỹ đã được xác định từ lâu đối với văn học nghệ thuật, trong đó nhiếp ảnh cũng bị chi phối bởi nguyên tắc thẩm mỹ này.
Từ những nhận thức trên chúng ta thấy nhiếp ảnh mang những tính chất cơ bản sau:
+ Tính hiện thực
+ Tính tài liệu
+ Tính khoa học
+ Tính nghệ thuật
Tính hiện thực
Chúng ta biết rằng, máy ảnh là một công cụ ghi hình của những đối tượng cụ thể trực tiếp và rất chính xác. Đối tượng của nhiếp ảnh là vật thể, hiện tượng, sự kiện, tình huống… Còn hình ảnh, thực chất là sự phản quang của đối tượng được định hình trên mặt cảm quang, hoặc thẻ nhớ. Như vậy tấm ảnh là hình ảnh cụ thể của một thực thể khách quan được hoàn chỉnh qua quá trình chuyển hóa của quang học, hóa học, vật lý, điện tử… Sự giống nhau giữa hình ảnh và đối tượng chụp một cách chính xác là nhờ nguyên tắc phản quang của một hệ thống thấu kính của ống kính máy ảnh. Sự giống nhau (đồng dạng) giữa ảnh và vật chụp theo tỷ lệ toán học là một đặc trưng cơ bản của nhiếp ảnh. Vì vậy người ta khẳng định rằng nhiếp ảnh không thể phản ánh được những thứ hư vô, trừu tượng. Nhiếp ảnh chỉ có thể phản ánh những gì tồn tại, những gì mang tính vật chất mà mắt người nhìn thấy, sờ thấy.
Công việc thường ngày – ảnh: Nguyễn Á
Nói như vậy không có nghĩa sự gống nhau giữa ảnh và đối tượng chụp là tuyệt đối. Chỉ xét riêng về mặt kỹ thuật như về góc độ chụp, sử dụng các loại ống kính có tiêu cự khác nhau, chất lượng ánh sáng, độ nhạy của phim…đều có thể làm cho ảnh có sự sai lệch so với vật chụp. Đó là chưa kể đến sự sai lệch mang tính xã hội là sự phụ thuộc vào nhận thức tư tưởng của người chụp. Về phương diện này, tác phẩm ảnh không những tuân theo quy tắc kỹ thuật, mà còn phải tuân theo quy luật của cái đẹp. Cái đẹp lại phụ thuộc vào ý thức chủ quan của tác giả. Nghĩa là ảnh nghệ thuật không chỉ phản ánh sự tồn tại khách quan của đối tượng, mà còn có nhiệm vụ đi sâu khám phá bản chất đối tượng để mang đến cho người xem những rung động thực sự. Nói một cách khác đối với ảnh nghệ thuật tính chất phản ánh trực tiếp cụ thể không phải là mục đích mà chỉ là phương pháp để nhà nhiếp ảnh miêu tả thực tế khách quan để bày tỏ quan điểm, ý thức tư tưởng của mình trước những sự kiện mà anh ta mô tả.
Việc phản ánh phải thông qua một bố cục nhất định. Bố cục ảnh xuất phát từ ý đồ nghệ thuật của nhà nghệ sỹ, thể hiện ở việc cắt cúp hình ảnh ngay trên khung ngắm của máy ảnh thông qua nhận thức, đánh giá của nhà nhiếp ảnh đối với hiện thực khách quan ấy. Bố cục ảnh là một trong những yếu tố quyết định thành bại của tác phẩm. Bố cục không chỉ có giá trị về hình thức thể hiện, bố cục còn làm nổi rõ nội dung tư tưởng của tác phẩm, tạo nên tiếng nói riêng của nhiếp ảnh.
Di chứng da cam – ảnh: Phạm Thị Thu
Nhiếp ả
nh phản ánh hiện thực khách quan trực tiếp ngay tức thời khi sự việc xảy ra, đang tiếp diễn. Trong những tình huống đó không một ngành nghệ thuật nào có khả năng mô tả ngay được. Đối với hội họa, phim truyện (trừ phim tài thời sự tài liệu), sân khấu, văn học, nhà nghệ sỹ không cần chứng kiến, chỉ cần nghe kể lại cũng có thể vẽ, viết hay dựng những cảnh, những sự kiện xảy ra trong quá khứ. Tất nhiên đối với một số sự việc đời thường vẫn diễn ra trong cuộc sống xã hội, thiên nhiên (trừ sự kiện), một số nhà nhiếp ảnh vì mục đích nào đó họ có thể dàn dựng, bố trí để chụp, nhưng thường không mấy thành công, nhất là đối với những nhà nhiếp ảnh thiếu vốn sống, thiếu kinh nghiệm…
Bức ảnh “Biển kết hoa” của Trần Vĩnh Nghĩa hay “Nối sáng” của Trần Đình Thương là những thí dụ điển hình về kiểu dàn dựng, bố trí xa rời thực tế cuộc sống. Đối với các sự kiện, đặc biệt là sự kiện lịch sử, chỉ có sống với sự kiện hoặc chứng kiến sự kiện xảy ra, nhà nhiếp ảnh mới sáng tạo ra được tác phẩm nghệ thuật. Sự kiện qua rồi không thể và không bao giờ có thể thể hiện được. Vì vậy, có thể khẳng định rằng nghệ thuật nhiếp ảnh không thể và không cho phép phản ánh các đề tài đã diễn ra trong quá khứ bằng cách dàn dựng lại. Bởi một trong những chức năng quan trọng của nhà nhiếp ảnh là người chứng nhân lịch sử. Nhà nhiếp ảnh không thể thờ ơ trước sự kiện mà mình mô tả. Đứng trước sự kiện nhà nhiếp ảnh đau buồn hay phấn khởi, đồng tình hay phản đối, căm giận hay rủ lòng thương…, tất cả tình cảm này hoàn toàn phụ thuộc vào thế giới quan, nhân sinh quan và chỗ đứng của nhà nhiếp ảnh trong xã hội mà anh ta đang sống.
Một đòi hỏi nghiêm ngặt đối với nhà nhiếp ảnh là phản ánh phải trung thành với thực tế khách quan, trung thành với cuộc sống thời đại, hợp với quy luật lịch sử, quy luật cuộc sống. Tuyệt đối không được thổi phồng, hay bóp méo sự vật, sự kiện. Không tô vẽ, bày đặt, bôi đen hay tô hồng , cố tình xuyên tạc sự thật. Tất cả những khuynh hướng đó rất xa lạ với bản chất của nhiếp ảnh hiện đại.
Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước – ảnh: Minh Trường
Các nhà nhiếp ảnh nhìn nhận thực tế khách quan, đánh giá các sự kiện trước hết phải có vốn hiểu biết sâu sắc, có tầm nhìn bao quát trong việc phát hiện vấn đề, đặt vấn đề và giải quyết vấn đề. Trong cuộc sống hằng ngày, trong hàng loạt sự kiện, sự việc xảy ra, nhà nhiếp ảnh cần đứng trên một lập trường nhất định để chọn sự kiện, sự việc tiêu biểu, điển hình để miêu tả nó, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển. Nhà nhiếp ảnh nổi tiếng người Pháp Henri Cartier Bresson từng nói : “Nhiếp ảnh đối với tôi không phải là sự phát minh mà là sự phát hiện”. Nghĩa là trong quá trình sáng tác nhà nghệ sỹ trước tiên phải quan sát, phát hiện ra những vấn đề tiêu biểu điển hình để mô tả nó. Nghệ sỹ nhiếp ảnh người Mỹ Alfred Stieglitz, sống trong xã hội Mỹ đầy rẫy sự bất công, nạn phân biệt chủng tộc, nhà nghệ sỹ đã phát hiện ra vấn đề nổi cộm của xã hội Mỹ, bằng sự nhạy cảm của mình, ông đã thể hiện tác phẩm “New York mùa đông 1893”, nói lên cảnh khốn khó của người dân lao động Mỹ, đặc biệt người Mỹ da đen.
Song nhận thức được vấn đề để miêu tả mới chỉ là đoạn đầu của quá trình sáng tạo,và tác phẩm sẽ không đạt như ý muốn, nếu nhà nhiếp ảnh bỏ lỡ thời cơ bấm máy. Sự kiện chỉ diễn ra trong chốc lát, nếu nhà nhiếp ảnh không nhanh tay ghi lại giây phút hiếm hoi đó, sự kiện sẽ trôi qua và chẳng bao giờ gặp lại. Vì vậy, đối với nhiếp ảnh, nhận thức đã là quan trọng nhưng chưa đủ mà thời cơ bấm máy sẽ là yếu tố quyết định thành bại của tác phẩm. Bởi khoảnh khắc bấm máy có thể làm lóe lên một cách chói lọi bản chất hiện thực điển hình nhất, tiêu biểu nhất.