Gần như một thông lệ ở bất cứ cuộc thi ảnh nghệ thuật nào đều có các chủ đề khác nhau và yêu cầu ảnh gửi đến dự thi phải phản ánh được nội dung chủ đề của cuộc thi. Hội đồng giám khảo cần thẩm định chất lượng nghệ thuật của tác phẩm ấy có đúng với tinh thần nội dung cuộc thi hay không. Tuy nhiên bên cạnh những cuộc thi ảnh nghệ thuật có đề tài còn có các cuộc thi khác không có đề tài mà chúng ta thường gọi là đề tài tự do. Ở các cuộc thi này tác phẩm chỉ cần đáp ứng được yêu cầu nghệ thuật.
Về phía hội đồng giám khảo, ngoài sự thống nhất yêu cầu của các cuộc thi có chủ đề hay tự do, còn phải có một định hướng chung ở mỗi thành viên. Gần đây có một vài cuộc thi trong nước với đề tài tự do nên khi trao giải vẫn còn rất nhiều ý kiến tranh luận. Người làm công tác thẩm định phải có tinh thần khách quan, phải có một vốn sống hết sức phong phú và nhiều nếm trải, một cảm xúc nhạy cảm nghệ thuật để cảm nhận được vẻ đẹp nghệ thuật riêng của mỗi thời. Bên cạnh đó có một số vần đề nghệ thuật chung mà một tác phẩm nghệ thuật thời nào cũng có và không thể không quan tâm như: nghệ thuật – dân tộc và thời đại, vì đó là cái nền vững chắc để đánh giá chất lượng nghệ thuật của một tác phẩm. Giám khảo trong các cuộc thi về nghệ thuật cũng cần hết sức coi trọng sự khám phá, phát hiện ra những ý tưởng mới mẻ, những mô típ mới mà giả gửi gắm trong tác phẩm nghệ thuật của mình.
Người thẩm định nghệ thuật cũng cần trao dồi, học hỏi để giữ được khoảng cách hợp lí trong cách nhìn, cách cảm, cách nhận thức về nghệ thuật, giữ càng gần càng tốt. Trước mỗi cuộc thi ban tổ chức cần trao đổi kỹ với hội đồng giám khảo về những định hướng nghệ thuật nêu trên và coi đây là nguyên tắc về định hướng của cuộc thi cần phải đạt. Đó còn là vần đề ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc thi bởi nếu có định hướng đúng ngay từ đầu thì hội đồng giám khảo sẽ lựa chọn được những tác phẩm có giá trị nghệ thuật đích thực.
Phạm Kỉnh
Nguyên Chủ tịch HĐNT HOPA