Tham gia hầu hết các sự kiện thời sự nóng trong nhiều năm qua, có thể nói Việt Dũng là một trong những tay máy có “nhiều chuyện” nhất. Phía sau những bức ảnh anh đã chụp, được đăng tải hay mãi nằm im trong kho tư liệu riêng là những câu chuyện ly kỳ như trong phim Hollywood.
Toát mồ hôi vì Angelina Jolie, mất giày vì Bill Gates
Mặc dù đã có rất nhiều kinh nghiệm “chinh chiến” với vô vàn các sự kiện qua gần 20 năm cầm máy nhưng vụ chụp hình mất công mất sức nhất, tốn mồ hôi nhất, vất vả nhất của Việt Dũng chính là đợt săn ảnh ngôi sao Hollywood Angelina Jolie tại Hà Nội tháng 3/2007 hoàn tất thủ tục nhận Pax Thien làm con nuôi. Do bộ ảnh chuyến đi nhận con nuôi này của Angelina Jolie đã được bán độc quyền cho tờ Hello! của Anh nên chỉ có phóng viên ảnh của tạp chí này được đi theo ngôi sao để chụp hình.
Bản thân chiếc xe chở Angelina Jolie cũng được chế rất đặc biệt, không phải là những chiếc xe thông thường. Kính đen và được phủ chất liệu đặc biệt để nếu có chụp flash thì cũng bị phản. Ghế ngồi bên trong xe thường rất to và cũng bị xoay lại hết để không một tay máy nào chụp được cận mặt ngôi sao từ phía trước. Luôn có 3 chiếc xe làm nhiệm vụ đánh lạc hướng.
“Có hai papazzari chuyên nghiệp của nước ngoài cũng sang Việt Nam với một vali to những ống kính rất khủng. Các hãng thông tấn quốc tế như AP, AFP, Reuters đều phải tăng cường người sang và tiêu tốn rất nhiều của nhưng không kết quả. Bản thân họ cũng rất mệt mỏi vì còn phải thuê thêm cộng tác viên là các phóng viên ảnh của Việt Nam đi săn ảnh cùng. Vì không biết chiếc xe nào lao ra khỏi khách sạn Metropole là xe chở Angelina Jolie nên họ phải chia nhau ra để chạy theo mục tiêu”, Việt Dũng nhớ lại.
Lịch trình của ngôi sao thì luôn được giữ kín, dù biết số phòng của khách sạn nhưng các tay săn ảnh cũng bó tay vì không những bảo vệ khách sạn không cho phóng viên ra vào mà còn vì khu vực Angelina Jolie luôn có vệ sĩ bảo vệ. “Angelina Jolie đã thuê cả một đội để tránh sự tiếp cận của papazzari. Đó là đội rất chuyên nghiệp. Luôn có một người cầm ống nhòm, đi đâu cũng soi rất kỹ chẳng khác nào những người bảo vệ cho các nguyên thủ để kiểm tra các vị trí nghi ngờ có bắn tỉa”, Việt Dũng nói như thuật lại một pha hấp dẫn trong phim hàng động.
Chỉ một cửa duy nhất bị lọt là khi Angelina lên máy bay rời khỏi Việt Nam. Nhưng vị trí đỗ máy bay cũng được họ tính toán rất kỹ để làm sao tất cả các tay săn ảnh chỉ có thể chụp được chân của Angelina bước lên máy bay. Chưa hết, “lúc nào cũng có một đồng chí cầm một chiếc ô đen thật lớn đi theo để vô hiệu hoá các papazzari ở vị trí trên cao chụp trộm. Bất kể Angelina Jolie đi đâu và bế theo cậu con nuôi thì cũng có người cầm ô đi bên cạnh nên chụp kiểu gì cũng không thấy mặt”, anh ngao ngán kể lại.
Với kỹ năng phòng thủ như vậy, không chỉ có Việt Dũng mà rất nhiều phóng viên ảnh và papazzari nước ngoài cũng bị Angelina Jolie hạ knock-out.
Chuyến thăm sinh viên trường ĐH Bách Khoa HN của Bill Gates cũng là sự kiện đáng nhớ với Việt Dũng. Vì sinh viên quá đông nên trong lúc chen lấn xô đẩy để chụp hình anh bị đám đông giẫm tụt mất một chiếc giày. Mặc kệ, chân giày chân tất, cứ phải chụp đã. Anh cũng đã gần như bị đám đông “nuốt chửng” khi ra sân bay Nội Bài đón đội tuyển Brazil và siêu sao sân cỏ Ronaldinho tới Việt Nam lần đầu tiên cách đây không lâu. “Rất nhiều người tham gia chụp hình hôm đó bị mất điện thoại hoặc giật dây chuyền nhưng cũng đành bất lực vì quá đông, mình cũng bị dòng người đông nghẹt đó cuốn theo”.
Việc các phóng viên ảnh xô đẩy nhau để có một tấm hình là bình thường vì ai cũng muốn có được tấm hình tốt. Trong khi đó săn ảnh các nhân vật nổi tiếng không bao giờ là chuyện đơn giản, ngay cả với khi họ tới Việt Nam trong một sự kiện được “public”.
Sắm thang để… chụp ảnh nguyên thủ
Không chỉ có nhiều cơ hội tiếp cận với những người nổi tiếng, đeo bám những sự kiện thời sự nóng như sập hầm lò Mông Dương, dịch SARR…, Việt Dũng cũng đã có dịp tiếp cận với hầu hết các nguyên thủ quốc gia tới Việt Nam trong những sự kiện thời sự lớn. Và cũng từ đây, hàng loạt những sáng kiến mới ra lò.
Kỹ năng “săn ảnh” là vũ khí duy nhất để có những bức hình “độc”
Đợt chụp sự kiện APEC thực sự khiến anh mệt nhoài. Liên tục phải tới sân bay Nội Bài đón các nguyên thủ quốc gia, Việt Dũng sắm thêm chiếc thang nhôm vác theo người lỉnh kỉnh máy, ống kính, đồ nghề lên đến 20kg. Vì phải chạy quá nhiều sự kiện nên phải chấp nhận với việc tới muộn là đã hết các vị trí đẹp. Các phóng viên nước ngoài thường cao to, trong khi các cuộc gặp diễn ra rất nhanh nên đến chậm thì coi như thua. Do vậy một chiếc thang thực sự là vật cứu tinh.
Tuy nhiên, trong hầu hết các sự kiện, kỹ năng săn ảnh vẫn là vũ khí duy nhất để có được những bức ảnh “độc”, việc chụp được ảnh chỉ còn là vấn đề thời điểm. Việt Dũng cũng đã có cơ hội chụp ảnh cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton trong chuyến thăm Việt Nam năm 1998, chuyến đi lịch sử kể từ sau khi hai nước bình thường hoá quan hệ. Đây cũng là sự kiện săn ảnh có ý nghĩa “lịch sử” với Việt Dũng.
“Theo chân Tổng thống Mỹ Bill Clinton tới Văn Miếu Có 5 phóng viên ảnh riêng của Nhà Trắng, tôi và anh Nguyễn Đình Toán. Bill Clinton sau đó tới thăm tổ chức phi Chính phủ của Mỹ gần đó và thậm chí còn với sang bắt tay với đám trẻ con hiếu kỳ đang ngó nghiêng ở ban công bên cạnh. Khi giơ máy lên chụp khoảnh khắc bất ngờ này, tôi đã bị một nhân viên an ninh đẩy không cho chụp để các phóng viên của Mỹ có được những hình ảnh độc quyền. Vì bị đẩy quá mạnh nên 2 bức đầu tiên bị rung. Bằng mọi giá phải ghi lại được hình ảnh chỉ diễn ra trong tích tắc đó nên tôi đã có được bức ảnh cuối cùng hoàn hảo”, Việt Dũng kể lại với cái giọng vui sướng.
“Phi vụ” chụp Tổng thống Mỹ Goerge Bush tới nhà thờ Cửa Bắc cũng ly kỳ không kém. Ban đầu chỉ có một số phóng viên nước ngoài, đặc biệt là của Mỹ được ưu tiên vào bên trong chụp ảnh vì không gian quá chật chội. Cánh phóng viên ảnh của Việt Nam đã phản ứng với quyết định trên và yêu cầu Bộ Ngoại giao Việt Nam của can thiệp. Hoặc là một phóng viên ảnh Việt Nam, một phóng viên ảnh nước ngoài cùng vào hoặc không ai cả. Tình hình lúc đó rất căng thẳng trong khi đã sát giờ Tổng thống Mỹ tới. Một phóng viên của Việt Nam trà trộn vào bên trong nhưng cuối cùng cũng bị phát hiện và bị yêu cầu ra ngoài.
“Đến phút cuối, tất cả đều được vào bên trong chụp nhưng chỉ được đứng ở một vị trí cố định. Nhưng đa số các nguyên thủ sang Việt Nam đều rất thân thiện với báo chí. Khi thấy sự xuất hiện của cánh phóng viên ảnh, dù ở sân bay hay trước mỗi cuộc gặp cũng đều vẫy tay tươi cười trước ống kính. Vấn đề còn lại là kỹ năng và phải chụp được những khoảnh khắc đẹp nhất. Phóng viên ảnh bao giờ cũng là người phải đến sớm, ra về khi sự kiện đã kết thúc và phải quan sát tốt vì có nhiều tình huống diễn ra rất nhanh, trượt là mất”, anh chia sẻ.
“Chụp ảnh là một nghề vất vả nhưng vui, vui vì chụp được những tấm ảnh ưng ý”, Việt Dũng quan niệm như vậy về công việc của mình.
(Theo BÍCH HẠNH – VNCHANEL)