MỘT ĐỜI TẬN TỤY VÌ SỰ NGHIỆP NHIẾP ẢNH
Lúc 22g, ngày 28-12-2015, NSNA lão thành Phạm Quang Hiến đã qua đời tại nhà riêng số 04 Nguyễn Thiện Thuật, Phường 24, Q. Bình Thạnh. Lễ truy điệu và an táng vào hồi 6g30, sáng 01-1-2016 (ngày 22 tháng 11 năm Ất Mùi).
Ngay từ những ngày đầu thống nhất đất nước (30-4-1975) nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Phạm Quang Hiến là một trong số ít nghệ sĩ đã tích cực đóng góp ý kiến, xây dựng phương hướng, đặt kế hoạch cho Ngành nhiếp ảnh của Hội Văn nghệ Thành phố với sự tập hợp nhân sự từ ba nguồn lực lượng: nhiếp ảnh Giải phóng – nhiếp ảnh Sài Gòn – Gia Định – một số nghệ sĩ từ Bắc vô Nam trước khi có quyết định chính thức thành lập Hội Nhiếp ảnh TP. Hồ Chí Minh (28-11-1981).
Tại Đại hội Hội Nhiếp ảnh TP. Hồ Chí Minh lần thứ nhất (1981-1987), với cương vị là hội viên sáng lập ông được Ban Chấp hành tín nhiệm mời vào danh sách cố vấn gồm: NSNA Nguyễn Mạnh Đan, Nguyễn Cao Đàm, Phạm Quang Hiến, Khương Mễ, Phạm Văn Mùi, Nguyễn Thao. Trước đó năm 1979, ông đã được Hội NSNA Việt Nam kết nạp. Ở nhiệm kỳ 2, ông trúng cử vào Ban Chấp hành (1987-1992) trực tiếp góp phần điều hành hoạt động Hội Nhiếp ảnh TP.
Ngoài sáng tác ảnh, ông còn là một chiến sĩ – nhà báo Cách mạng. Năm 1975, phóng viên – nhà nhiếp ảnh Phạm Quang Hiến theo cánh quân Thông tấn xã vào tiếp quản TP. Cần Thơ. Tháng 6 năm 1976, ông được giao nhiệm vụ Trưởng phòng biên tập ảnh TTX Việt Nam tại TP.HCM. Trải qua nhiều giai đoạn, từ tháng 11 năm 1987 đến tháng 3 năm 1991, ông giữ chức Giám đốc Xí nghiệp Ảnh 3 TTX Việt Nam tại TP.HCM rồi về nghỉ hưu.
Tỏ rõ phong cách sống cũng như phẩm chất con người: hiền nhu – sâu kín, say mê nhiếp ảnh nhưng tâm nguyện và sở trường nhất của nhà báo – nghệ sĩ Phạm Quang Hiến chính là việc nghiên cứu, đào tạo. Đầu những năm 1980, sát cánh bên nghệ sĩ Lâm Tấn Tài, Nguyễn Đặng… ông đã xông xáo đến với anh em trẻ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hướng dẫn phương cách rọi ảnh đen trắng, đặc biệt là rọi ảnh màu thủ công. Có thể nói, ở giai đoạn này NSNA Phạm Quang Hiến và Hội Nhiếp ảnh TP.HCM trở thành mái nhà ấm quy tụ các hoạt động nhiếp ảnh, đặc biệt là các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam bộ tìm đến học hỏi kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn. Tâm huyết với sự nghiệp đào tạo thế hệ trẻ kế thừa, ông mày mò biên dịch Việt hóa từ tài liệu tiếng Pháp cả một bộ giáo trình dày hơn trăm trang nhằm góp phần gầy dựng nền tảng lớp nhiếp ảnh chính quy đầu tiên tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM…
Sinh năm 1930 tại Cà Mau, với cuộc đời tận tụy với sự nghiệp cách mạng và nghệ thuật nhiếp ảnh, ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng II, Huy hiệu 65 tuổi Đảng, Huy chương vì sự nghiệp Nhiếp ảnh Việt Nam và nhiều huy chương cao quý khác…
Sống chân tình trong quan hệ giao tiếp với đồng nghiệp và người thân -đặc biệt với thế hệ trẻ- là một nhân cách sống đáng quý của ông. Các tay máy trưởng thành từ thành phố mang tên bác Hồ kính yêu, luôn năng động phấn đấu vươn lên và được đồng nghiệp cả nước yêu thương không thể quên được hình ảnh những ngày đầu tận tụy gầy dựng Hội nơi NSNA lão thành Phạm Quang Hiến. Mang nặng tình yêu với quê hương đất nước, với lòng say mê nghệ thuật nhiếp ảnh, NSNA Phạm Quang Hiến là tấm gương sáng mãi cho thế hệ trẻ noi theo.
LÊ XUÂN THĂNG