Máy ảnh giúp chúng ta ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ nhất để lưu làm kỷ niệm. Tuy nhiên, lỗi trong khi chụp ảnh là điều khiến tấm ảnh trở nên “xấu tệ”. Sau đây là cách khắc phục 5 lỗi phổ biến nhất trong khi làm “phó nháy”.
1. Bố cục ảnh lộn xộn
Đôi khi ống kính chệch hướng khỏi điểm nhấn của khung cảnh sẽ khiến cho tấm ảnh trở nên “vô duyên”. Sau đây là mẹo nhỏ giúp bạn biết cách xây dựng bố cục cho bức ảnh.
Cách 1: Nguyên tắc 1/3
Đây là nguyên tắc của những nhiếp ảnh gia gạo cội truyền lại. Bạn nên tuân thủ nguyên tắc 1/3 để cho ra những sản phẩm đẹp nhất có thể. Hãy tượng tượng 2 đường thẳng dọc và 2 đường ngang màn hình cắt nhau, tạo ra 9 khung hình to bằng nhau. Lúc này, điểm nhấn của bức ảnh sẽ là 4 điểm giao nhau giữa các đường thẳng. Nên nhớ không để điểm nhấn của ảnh nằm giữa tấm ảnh.
Cách 2: Chụp nhiều ảnh với các góc độ và khoảng cách khác nhau
Hãy chụp thật nhiều ảnh tại các góc độ và khoảng cách khác nhau để có nhiều lựa chọn ảnh đẹp hơn. Đồng thời, bạn cũng nên chụp thử ảnh theo chiều ngang, dọc của camerra – biết đâu chỉ một sự thay đổi nhỏ trong khung hình lại cho những kết quả thú vị.
Cách 3: Tránh để hình nền
Bạn nên tìm cách loại bỏ khung cảnh nền gây nhiễu tấm ảnh bằng cách tiến sát gần đối tượng cần chụp. Hoặc, có thể sử dụng chế độ chụp ảnh Portrait có sẵn trong máy ảnh. Chế độ này sẽ tập trung thu hình của đối tượng và khung cảnh sẽ bị làm mờ. Và, một cách khác nữa là bạn cũng có thể chỉnh tay khẩu độ của máy xuống mức thấp, ví dụ như f2.8 để làm mờ hình nền.
2. Ánh sáng yếu
Chụp ảnh là ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ nhất và ảnh chụp sẽ được hài lòng nếu như ánh sáng chiều lòng “tay máy”. Không phải lúc nào, ảnh sáng cũng đủ sáng để chúng ta dễ dàng chộp lại những thời khắc đẹp nhất. Sau đây là những mẹo hay giúp bạn chụp ảnh đẹp ở trong nhà và ngoài trời.
Cách 1: Ánh sáng quá chói hoặc quá tối
Máy ảnh số thường bị nhiễu với những điều kiện ánh sáng không cân bằng, ví dụ như quá sáng hoặc quá tối. Thế nên, ảnh chụp cũng dễ bị thiếu sáng hoặc quá sáng ngoài mong đợi.
Trong điều kiện ánh sáng yếu, bạn nên chụp ảnh ở chế độ ban đêm, hoặc chỉnh ISO xuống mức thấp 50 hoặc 100 để lấy ảnh chi tiết hơn trong điều kiện thiếu sáng. Sử dụng tripod hoặc giữ vững tay chụp để tránh rung tay làm mờ ảnh.
Trong ánh sáng quá chói, bạn nên chụp ở chế độ Beach hoặc Sunshine, hoặc bạn nên chỉnh tay để chụp ảnh với tốc độ trễ cửa trập nhanh để kiểm soát ánh sáng.
Cách 2: Chụp ảnh trong nhà
Nếu chụp ảnh trong nhà, bạn nên tránh dùng đèn flash chiếu sáng mà nên tận dụng ánh sáng tự nhiên càng nhiều càng tốt: kéo rèm che, mở cửa hoặc bật đèn neon trong nhà để tăng ánh sáng cho khung cảnh. Đèn flash làm cho màu sắc không được thật, làm bóng hình, đặc biệt gây hiệu ứng xấu khi chụp chân dung (portrait).
Bạn không nên chụp ảnh ngược sáng: đối tượng chụp đứng trước ánh sáng, để cho ảnh không bị nhòe hình.
Cách 3: Chụp ảnh ngoài trời
Cố gắng chọn hướng chụp sao cho ánh sáng mặt trời chiều từ phía sau người bạn. Góc chụp này sẽ cho ảnh đẹp nhất, đối tượng chụp sáng hơn.
Chụp ảnh lúc bình minh hoặc hoàng hôn cho ảnh rất ấn tượng, còn chụp ảnh vào buổi trưa thì chất lượng ảnh không được tốt, ánh mặt trời làm cho ảnh bị lóa.
Các tay máy cũng nên tận dụng những ngày nhiều mây để chụp ảnh. Kết quả sẽ rất bất ngờ đấy!
3. Hiện tượng mắt đỏ
Hiện tượng mắt đỏ làm hỏng cả một tấm ảnh. Hiện tượng này xảy ra do võng mạc của đối tượng chụp phản chiếu lại ánh sáng của đèn flash.
Để khắc phục hiện tượng này, bạn có thể có nhiều cách để tránh cho ánh sáng của đèn chiếu thẳng vào mắt đối tượng chụp. Sau đây là những cách giúp bạn tránh xảy ra hiện tượng mắt đỏ.
Cách 1: Không dùng đèn flash
Cố gắng không dùng đến đèn flash nếu có thể – nó là nguyên nhân đầu tiên gây ra hiện tượng mắt đỏ. Tốt nhất, bạn nên bật đèn trong nhà hoặc kéo rèm che cửa sổ để tăng ánh sáng cho căn phòng.
Cách 2: Không nhìn vào ánh sáng
Bạn nên yêu cầu đối tượng chụp nhìn vào camera nhưng không nhìn trực tiếp vào ống kính.
Cách 3: Sử dụng cài đặt chống mắt đỏ
Bạn nên tận dụng chức năng loại bỏ hiện tượng mắt đỏ có trong máy ảnh. Nhiều máy ảnh và máy in ảnh hiện nay cho phép người dùng loại bỏ mắt đỏ trước khi chụp và in ảnh.
4. Ảnh bị mờ
Ảnh mờ đôi khi lại là dụng ý nghệ thuật của các phó nháy nhưng nếu mờ quá mức thì đối tượng chụp tr
ở nên “vô hồn”. Sau đây là những cách giúp tăng độ sáng rõ cho bức hình.
Cách 1: Giảm tốc độ cửa trập
khoảng thời gian giữa thời điểm nhấn nút chụp và thời điểm diễn ra hành động chụp thật sự của máy ảnh được gọi là cửa trập. Chính khoảng thời gian này quá lâu thì ảnh chụp của bạn dễ bị mờ. Nếu bạn phải đợi khoảng gần một giây hoặc lâu hơn để tấm ảnh được chụp thì chắc chắn sẽ bỏ lỡ rất nhiều khoảnh khắc đẹp. Vì thế, bạn nên bấm nút chụp nửa chừng để chờ đến khoảnh khắc đẹp nhất rồi bấm tiếp để chụp ảnh. Cách này sẽ cực kỳ có hiệu quả nếu bạn chụp ảnh nhiều người, đặc biệt là có trẻ nhỏ.
Cách 2: Tránh để rung tay chụp ảnh
Chỉ cần chuyển động thật nhẹ cũng khiến cho tấm ảnh của bạn bị mờ. Bạn nên sử dụng chân đế tripod hoặc dựa người vào một điểm tựa vững chắc để giữ máy ảnh chắc chắn. Một số máy ảnh có chức năng ổn định hình ảnh – giúp chụp ảnh chuyển động rõ nét.
Cách 3: Sử dụng chế độ “Action”
Sử dụng chế độ chụp “Action” để chụp ảnh thể thao hoặc những đối tượng chụp đang chuyển động. Máy ảnh sẽ tự động tối ưu tốc độ cửa trập để lưu lại hình ảnh đẹp. Hoặc bạn có thể chỉnh bằng tay để tăng tốc độ cửa trập.
5. Ảnh in kém chất lượng
Nếu bạn muốn in ảnh bằng máy in ảnh kỹ thuật số thì cần phải lưu ý đến độ phân giải. Độ phân giải được tính năng megapixel và bạn nên ước lượng tỷ lệ giữa độ phân giải với kích thước ảnh cần in để cho chất lượng ảnh tốt hơn.
Cách 1: Sử dụng độ phân giải cao
Bạn nên phóng to hay thu nhỏ ảnh trước khi in. Tốt nhất là chụp ảnh ở độ phân giải lớn nhất có thể được. Tuy nhiên, lưu ý, ảnh có độ phân giải lớn chiếm nhiều dung lượng bộ nhớ.
Cách 2: Cắt ảnh ở độ phân giải thấp để gửi email
Nếu bạn định gửi ảnh qua e-mail hoặc in ảnh cỡ nhỏ, như 4×6, hay 5×7 thì nên chỉnh ảnh nhỏ chỉ còn 4-5MP.
Cách 3: Nhiều máy ảnh hiện nay cho chúng ta tự chọn độ phân giải vì thế bạn có thể tự lựa chọn trước khi bấm máy.
Để in ảnh cỡ lớn thì đặt độ phân giải cao còn nếu muốn in ảnh nhỏ hoặc gửi e-mail thì chọn độ phân giải thấp.
Theo Dân Trí