Không hẳn là quá hiếm để tìm ra những bức ảnh giống nhau đến kỳ lạ từ góc độ chụp cho đến bố cục, rồi cũng không quá khó để thấy rằng có nhiều bức ảnh chụp người mẫu Tây Nguyên, những người mẹ dân tộc địu con đi chợ, ảnh đồi cát trải dài, có mấy người gánh gồng in bóng na ná nhau về ý tưởng. Thực tế đã có những cuộc tranh luận bị xới tung lên rằng đó là đạo ảnh, đạo ý tưởng. Nhưng thực tế để xác định như thế nào là đạo ảnh, và nếu có đạo ý tưởng thì có được bảo hộ hay không lại là vấn đề không đơn giản và không phải lúc nào cũng có ranh giới rõ ràng để phân định.
Ảnh gần giống nhau có phải là ’đạo ý tưởng’?…
Sự vật và hiện tượng luôn biến đổi không ngừng, vì thế, mỗi khoảnh khắc bấm máy là một lần ghi lại sự thay đổi của cảnh vật và con người nơi đó. Nhưng cũng có những khoảnh khắc bị lặp lại cái mà người đi trước đã thực hiện và làm cho người thưởng thức cứ ngỡ mình thưởng thức món ăn tinh thần tới lần thứ 2.
Ai lên vùng cao cũng muốn ghi lại khoảnh khắc như thế này
Cứ thử nhìn vào những bức ảnh được thu hái từ sau một chuyến đi sáng tác của một nhóm các nhà nhiếp ảnh thì thấy rõ điều này. Cùng một sự việc, cùng một ví trí đứng, nhưng có người đứng ở góc độ cao hơn, có người lại hạ thấp ống kính xuống rồi hất từ dưới lên, và có không ít các nhà nhiếp ảnh lại dùng góc độ trung bình. Và vì thế đã có không ít những đứa con tinh thần được sinh đôi sinh ba nhang nhác giống nhau.
Vậy có thể nói rằng, các bức ảnh là đạo ý tưởng của nhau hay không? Rõ ràng là không ai đạo ý tưởng của ai rồi, lúc đó, tất cả chỉ vì tình yêu với nghệ thuật và đều cùng lựa chọn góc độ đẹp nhất. Tuy vậy, cũng có khi các nghệ sĩ đã từng xem một bức ảnh đẹp, thấy góc máy này đẹp, khi có dịp cũng bấm máy, nhưng cũng có khi vô tình, ý tưởng của những người nghệ sĩ lại rất giống nhau.
Trước một sự vật hiện tượng, họ đều có quyền rung động và bấm máy. Chính vì vậy, khác với chép tranh, đạo tranh, trong nhiếp ảnh, những tác phẩm ra đời đều không giống nhau 100%. Còn nếu gọi là đạo ý tưởng thì cũng thật khó phân định bởi đó là cảm xúc riêng của từng người nghệ sĩ, nhưng rất có thể cảm xúc đó lại trùng với những người khác, nên việc xác định bản quyền đối với ý tưởng là hết sức khó khăn.
Theo ông Chu Chí Thành – Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, vi phạm bản quyền ảnh thường diễn ra theo 3 dạng: Một là sao chép nguyên xi ảnh của người khác, hai là dùng một phần ảnh của người khác để tôn lên tác phẩm của mình bằng kỹ thuật photoshop mà không được sự đồng ý của tác giả. Và dạng thứ ba đang được nhiều nghệ sĩ đặt ra và gây khó khăn trong công tác thẩm định và quản lý. Đó là việc sao chép ý tưởng của người khác vẫn được gọi một cách thông thường là ‘đạo ý tưởng’.
Thực tế cho thấy đối với việc chụp các công trình kiến trúc tĩnh tại thì điều này còn dễ phát hiện. Còn với các thể loại sinh hoạt hay có liên quan tới các hoạt động náo nhiệt thì việc đạo ý tưởng quả là có quá nhiều vấn đề để bàn. Chẳng thế, mà có tác giả gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan báo chí cho rằng tác giả bức ảnh có trị giá lớn nhất từ trước đến nay đã đạo ý tưởng của mình vì bức ảnh đó giống đến 98% bức ảnh đã chụp.
Người đi kiện đã dùng những lời lẽ để chứng minh rằng tác giả bị kiện đã nhìn thấy góc độ đẹp nhất khi chụp về cảnh vật đó, nên khi đến hiện trường, thay vì phải loay hoay mới tìm ra góc độ ưng ý thì tác giả này chỉ việc đứng ở đúng góc độ đó và bấm máy, tuy về khuôn hình có thể khác nhưng chắc chắn là đã đạo ý tưởng. Tuy vậy, thực tế khó mà chứng minh là người bị kiện đã đạo ý tưởng như thế nào.
‘Đạo ý tưởng’ không được bảo hộ…
Cũng theo ông Chu Chí Thành – Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam: ‘Khi có đơn kiện giữa các tác giả là hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam về bản quyền ảnh, Hội sẽ thành lập một Hội đồng Nghệ thuật gồm nhiều nhà phê bình cũng như các nghệ sĩ có tên tuổi thẩm định và đưa ra kết luận. Nhưng Hội không có quyền đưa ra các hình thức xử lý mà chỉ lên tiếng bảo vệ quyền lợi của anh em’.
Trong khi đó, theo một lãnh đạo của Cục Bản quyền tác giả văn học nghệ thuật, thì hiện nay pháp luật Việt Nam chưa bảo hộ bản quyền về mặt ý tưởng mà chỉ đứng ra bảo vệ quyền tác giả khi ý tưởng đó đã được người nghệ sĩ cụ thể hóa thành một tác phẩm cụ thể, rõ ràng. Vì thế, việc đạo ý tưởng sẽ không thể đưa ra xử lý trước pháp luật được mà chỉ có thể kiện về vấn đề sao chép tác phẩm mà thôi.
Hay nói đúng hơn là việc ‘đạo ý tưởng’ chỉ được mọi người bàn luận dựa trên quan điểm về đạo đức nghề nghiệp nhiều hơn là căn cứ vào các văn bản có tính pháp lý để đem ra kiện tụng.
Mặc dù pháp luật chưa quy định, song xét dưới góc độ nghệ thuật nếu lặp lại, hoặc sao chép một cách máy móc khiến cho có quá nhiều bức ảnh có nội dung na ná nhau thì đó chính là sự tụt hậu trong nghệ thuật. Các nghệ sĩ cần có những sáng tạo mới cho nghệ thuật, khi đó họ mới có tác phẩm để đời, mang dấu ấn, ‘thương hiệu’ của chính mình.