Vấn đề bản quyền tác giả nói chung và bản quyền tác giả trong lĩnh vực nhiếp ảnh nói riêng ngày càng được xã hội quan tâm. Bảo vệ bản quyền tác giả được chú ý hơn khi nước ta bước vào thời kỳ đổi mới. Trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế nước ta chuyển đổi từ cơ chế quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường (theo định hướng xã hội chủ nghĩa). Việt Nam trong bối cảnh giao lưu hội nhập với khu vực và thế giới, việc bảo vệ quyền tác giả được đặt ra là vô cùng cần thiết.
Lịch sử nhiếp ảnh thế giới từ khi có bức ảnh đầu tiên đã được 170 năm. Lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam từ ngày 14-3-1869, Nhiếp ảnh gia Đặng Huy Trứ-người Việt Nam đầu tiên mở hiệu ảnh đầu tiên ở phố Thanh Hà (Hà Nội), đánh dấu sự ra đời của nhiếp ảnh Việt Nam tròn 140 năm. Kể từ đó đến nay nhiếp ảnh Việt Nam đã phát triển trưởng thành, ngày càng phục vụ đắc lực cuộc sống. Nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam đã trở thành một ngành nghệ thuật có vị trí xứng đáng trong văn hóa Việt Nam. Hoạt động nhiếp ảnh diễn ra thật mạnh mẽ, các triển lãm, liên hoan ảnh, triển lãm ảnh cá nhân, nhóm khu vực, toàn quốc; các cuộc triển lãm quốc tế đã góp phần tôn vinh những tác giả, tác phẩm nhiếp ảnh sáng giá. Hàng trăm huy chương, giải thưởng có thứ hạng cao đã được trao cho các bức ảnh xuất sắc. Nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh được Nhà nước trao tặng: Giải thưởng Nhà nước; Giải thưởng Hồ Chí Minh, đã mang vinh quang cho nhiếp ảnh Việt Nam; xâu chuỗi sự kiện, nhân vật trong tác phẩm và xâu chuỗi các tác phẩm, tác giả đã tạo lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam, đã tạo nên những dấu mốc trong lịch sử đất nước bằng những bức ảnh đẹp, chân thật cho nên bản quyền tác giả trở nên một giá trị.
Trong thời kỳ bao cấp, những người sáng tác chủ yếu công tác tại các cơ quan Nhà nước, làm công tác nhiếp ảnh của cơ quan. Những người ngoài biên chế mua được phim giấy ảnh khó khăn, chủ yếu làm nghề ảnh để mưu sinh, sáng tác ảnh nghệ thuật đối với họ cũng là một vấn đề. Thời đó những người trong biên chế được cơ quan giao cho công vụ, giao máy ảnh, phim giấy để hoàn thành nhiệm vụ (nhiều bức ảnh về sau trở thành tác phẩm bất hủ), yếu tố cá nhân, quyền tác giả hồi đó thường rất mờ nhạt.
Trong cơ chế thị trường đã hình thành nên thị trường của các loại hàng hóa, trong đó tác phẩm nghệ thuật nói chung và tác phẩm nhiếp ảnh nói riêng, cũng là một loại hàng hóa nhưng là hàng hóa đặc biệt. Trước thời kỳ đổi mới ta thấy trên báo, tạp chí việc lấy tác phẩm ảnh thay vào những chỗ trống để trang trí tờ báo rồi không ghi tên tác giả, lấy ảnh để trang trí bìa sách, làm tranh cổ động không cần có sự đồng ý của tác giả bứa ảnh là chuyện bình thường! Bài viết kèm ảnh chụp bức tranh thì người nhận nhuận bút (tuy chẳng đáng là bao) và tên ghi dưới bức ản h tranh dó là họa sĩ chứ không phải là nhà nhiếp ảnh. Việc tự tiện đăng ảnh tác phẩm nếu có ghi tên tác giả đã là may nhưng nhiều khi khong biết tác giả ảnh là ai nên không biết làm thế nào đành để trống, còn nhuận bút cho bức ảnh cũng là vấn đề khá tế nhị. Trước đây, việc cho nhau ả nh là bình thường, rồi người được cho mang ảnh đi triển lãm rồi bức ản h đó được giải, nhìn “đứa con tinh thần” của mình trên bực vinh quang, tác giả của nó chỉ còn ấm ức nuối tiếc nhưng vì đã trot cho đi rồi. Thời trước rất hiếm chuyện có người bỏ tiền đi mua tác phẩm ảnh về treo, giờ đây nhiều bức ảnh rất có giá trị, đã có nhiều Gallery ảnh nghệ thuật được mở ra và chủ Gallery và nghệ sĩ sống được bằng nghề. Có tác phẩm ảnh bán được giá cao hang triệu đô “… Lúc này vấn đề bản quyền tác giả là vấn đề lớn, việc bảo hộ tác giả là vô cùng cần thiết.
Hẳn chúng ta có nhớ, sự kiện vi phạm bản quyền của bức tranh cổ động được giải Nhất “Đảng là cuộc sống của tôi”, sao nguyên bức ảnh “Nụ hôn của gió”, tác giả Trần Thế Long. Nhìn thấy bức áp phích (lúc đó mới chấm xong chưa nhân bản) tôi đã nói rằng: “Đây là chép bức ảnh đoạt Huy chương Vàng tại Mỹ, nếu không xin phép tác giả ảnh là vi phạm bản quyền”. Giá mà lúc đó Ban tổ chứuc chú ý tới lời của tôi! Giữ tác giả bức vẽ và nhà nhiếp ảnh có sự đồng thuận là giải thưởng đồng tác giả thì tránh được một vụ tranh cãi ầm ĩ, bên nguyên bên bị, giữ được mối giao hòa tốt đẹp. Tiếp đến bức ảnh của NSNA Lê Hồng Linh “Trẻ em vùng cao”, “Em xin có ý kiến” của NSNA Xuân Liễu lại được xử lý kỹ thuật số để biến thành tranh. Quả là các tác phẩm nhiếp ảnh rất có duyên với hội họa… Đến đây chúng tôi xin nhấn mạnh là không phải các họa sĩ có ý vi phạm bản quyền đâu – có lẽ là do chưa hiểu rõ luật nên mới vi phạm một cách vô tư như thế.
Việc đăng ảnh có ghi tên tác giả trên các báo, tạp chí cũng tiến bộ rất nhiều, tên tác giả được ghi trân trọng, nhuận bút bài, nhuận bút ảnh riêng… Thỉnh thoảng có lỗi là do máy scan, vì máy chỉ quét phần tác phẩm, còn tên tác giả ở mặt sau lại bỏ quên, nên kết quả trên mặt báo chỉ có tác phẩm, còn tên tác giả để trống…
Và khi bức ảnh “Mặt trời trong lăng sáng tỏa” của NSNA Trần Lam bán được 1 triệu USD bị cho là “đạo” ý tưởng của bức “Đêm trăng Lăng Bác” (ý kiến
của NSNA Minh Lộc), thì vấn đề bản quyền không còn là nhỏ nữa. Hội NSNA Việt Nam và Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TT-DL) đã làm sáng tỏ vấn đề để bảo vệ quyền tác giả cho nhà nhiếp ảnh Trần Lam với tác phẩm “Mặt trời trong lăng sáng tỏa”, tác giả đã làm một nghĩa cử cao đẹp là làm từ thiện tiền bán tác phẩm.
Khác với các ngành nghệ thuật, nhiếp ảnh phản ánh hiện thực thông qua vật thể khách quan là chiếc máy ảnh cho nên dấu ấn tác giả ghi lại trên tác phẩm nhiếp ảnh thật khó nhận thấy. Cùng một cảnh vật, cùng một thời điểm biết bao nhà nhiếp ảnh cùng bấm máy, cùng một góc độ nhưng ai chụp trước ai chụp sau? Ai “đạo” ảnh của ai?
Ngày nay cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, nhiếp ảnh cũng phát triển đa dạng phong phú về công cụ, kỹ thuật; công nghệ thông tin làm cho người chụp thỏa sức thể hiện mình, mặt khác cũng giúp việc vi phạm bản quyền tinh vi hơn.
Cơ chế thị trường và hội nhập đã đặt ra cho nhiếp ảnh Việt Nam vận hội và thách thức mới, trong xu thế toàn cầu hóa thì Việt Nam không thể đứng ngoài. Bảo vệ quyền tác giả trong nhiếp ảnh được Nhà nước ta quy định tại các điều luật của Bộ luật dân sự. Nhà nước Việt Nam đã ký hiệp định về bảo hộ quyền tác giả đối với Hoa Kỳ (1997), Hiệp định về sở hữu trí tuệ đối với Thụy Sĩ (1999). Tháng 10-2004, Việt Nam gia nhập công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm nghệ thuật đã góp phần tạo hành lang pháp lý cho việc bảo vệ quyền tác giả trong lĩnh vực nhiếp ảnh.
Bản quyền tác giả trong lĩnh vực nhiếp ảnh nói riêng, trong văn học nghệ thuật nói chung được tăng cường, nghĩa là khẳng định giá trị của sức lao động sáng tạo của văn-nghệ sĩ, vậy xin đề xuất một số giải pháp: Luật quyền tác giả, Quy chế về bảo vệ quyền tác giả trong lĩnh vực nhiếp ảnh cần được phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng để giáo dục ý thức pháp luật cho mọi người, kể cả tác giả; cơ quan bảo vệ Quyền tác giả trong đó có lĩnh vực nhiếp ảnh cần được biết đến để tác giả đăng ký bản quyền; cần có quy chế sử dụng ảnh trên báo chí; mỗi tác giả cần có ý thức bảo vệ đứa con tinh thần của mình. Thực hiện tốt các giải pháp trên thì việc bảo vệ quyền lợi của chủ thể sáng tạo mới được tôn trọng.
QUỲNH NHƯ