Đề tài chính trong hàng trăm bức ảnh chị chụp suốt gần 30 năm qua là các chiến sĩ biên phòng. Điều gì ở họ đã cuốn hút một người làm báo như chị?
NB, NSNA Đỗ Thùy Mai: Tôi đến và chụp ảnh về người lính biên phòng với những lý do cũng rất đơn giản. Tôi là người thích đi công tác tới những vùng biển, và trong quá trình đó đã được gặp gỡ, tiếp xúc với những người lính giữ biển- thấy họ rất gần gũi, bình dị. Họ là những người gần dân nhất, sống hết mình với dân. Đặc biệt, đối với người lính biên phòng đóng quân trên những vùng biển, đảo như Cà Mau thì rất cực, thiếu thốn khó khăn, họ phải đi tuần tra trong nước ngập. Quân số ít nhưng phải đảm nhận nhiệm vụ quản lý bảo vệ trên một phạm vi biên giới, bờ biển dài khoảng 240 km, cơ sở vật chất, phương tiện thiếu và yếu kém, kẻ thù và bọn phản động hoạt động chống phá ta trên mọi lĩnh vực… tôi rất cảm phục họ và đã tìm thấy ở những người lính này các nét đẹp ấy. Mỗi lần đến với những đồn biên phòng tôi lại được đón nhận như là về nhà mình vậy.
Nhiều người đã nói đây là hữu duyên của tôi với người lính, nhưng tôi cảm thấy yêu mến người lính biên phòng thực sự và cũng được đón nhận tình cảm từ phía họ. Không phải tự nhiên mà mình chụp được những bức ảnh đó, cũng phải chà xát sống gần gũi với người lính một thời gian rất dài, được tích luỹ tất cả các hoạt động công tác của các anh, hiểu được tâm tư tình cảm của họ, có thể phán đoán ra sự việc nó sẽ diễn biến như thế nào để đón đầu chụp được bức ảnh đạt yêu cầu. Tôi đam mê đề tài này vì trước hết thấy được trách nhiệm của mình đối với những người lính đó, nếu không có họ thì mình đâu có làm nên được tác phẩm, xem như là một phần mình đền đáp lại tình cảm của họ. Đó như là một cơ duyên, một sự may mắn đối với tôi.
Nhà báo- NSNA Thùy Mai (thứ 2 từ trái qua) tác nghiệp tại đảo Thổ Chu- tỉnh Kiên Giang.
+ Hơn hai thập kỷ liên tục có những chuyến đi tác nghiệp đến với lính biên phòng, chuyến đi nào đã để lại ấn tượng khó quên đối với chị?
+ Giải nhất toàn quốc cuộc thi “Vì biên cương giàu mạnh – 1998”
+ Giải đặc biệt về sáng tạo và Giải nhất theo chủ đề cuộc thi “Phụ nữ Việt Nam – 2000”
+ Huy chương đồng, Giải Ribbon, Giải xuất sắc bộ ảnh đen trắng cuộc thi quốc tế năm 2000 tại Hồng Kông
+ Bằng danh dự Hội Nhiếp ảnh PSA (Mỹ) cuộc thi quốc tế năm 1999 tại Mỹ
NB, NSNA Đỗ Thùy Mai: Tôi cũng không nhớ hết được suốt từ năm 1981 cho đến nay đã bao nhiêu lần mình đặt chân đến các đồn biên phòng để chụp ảnh và viết bài về họ. Nhưng có điều mỗi lần đi về tôi cảm thấy chưa thoả mãn, cảm giác thực hiện chưa tới nơi, tới chốn, cứ đau đáu rằng mình phải có trách nhiệm quay trở lại để làm sâu hơn, kỹ hơn. Thực tế, có nhiều phóng viên rất ngại đi vào khai thác ở lĩnh vực này vì cho rằng đời sống người lính rất khô khan và khó khăn ở khâu thủ tục giấy tờ… Nhưng thực tế người lính chính là những người sống giàu cảm xúc mà mình có tiếp cận thì mới phát hiện được những cái hay, thú vị ở họ. Từ đời sống riêng tư, gia đình, vợ con, người yêu, bạn bè, công việc họ đã phải hy sinh rất nhiều. Và ngày nay hình ảnh người lính biên phòng hiện lên rất đẹp với vai trò là người bày cách cho dân làm ăn kinh tế, tạo mọi điều kiện hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, động viên người dân…
Chuyến đi nhớ đời và đến bây giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy run, đó là hồi năm 1991 tôi phải đi công tác ở đồn biên phòng Đất Mũi (đồn biên phòng 680) cách nhà 117 km, phải ẵm cả con nhỏ đi theo (vì cháu mới 2 tuổi nhưng không có ai để gửi trông). Đi tàu phải mất một ngày một đêm, ăn uống trên tàu, đến nơi thấy cảnh mẹ con ôm nhau ai cũng thấy ái ngại. Khi chụp ảnh xong xuôi đến nhà dân ngồi chơi, ẵm bé ra ngoài đi qua một cái cống bên dưới nuôi tôm rất sâu và ngập nước, tôi đã bị thụt chân xuống nhưng cũng may nhờ có mấy anh bộ đội biên phòng kịp đến cứu nên 2 mẹ con đã thoát chết…
+ Nếu bây giờ để nói về cái được và mất của nghiệp phụ nữ cầm máy, chị sẽ nói điều gì?
NB, NSNA Đỗ Thùy Mai: Được rất nhiều. Trước hết là được tình yêu thương, tin tưởng của mọi người, của công chúng, đặc biệt là tình cảm của những người lính biên phòng. Còn mất thì dĩ nhiên là sắc đẹp và sức khoẻ đã giảm đi rất nhiều… Mà đối với phụ nữ, sắc đẹp là điều vô cùng quan trọng. Nhưng để đi được đến cùng mục đích thì trước nhất mình phải yêu và đam mê công việc đó; mình phải chịu khổ, chịu vất vả, vì nếu ngại khó, ngại khổ thì không nên chọn nghề này
Tôi tự nhận thấy mình chưa có thành công, chỉ có điều là mình đã lựa chọn được đề tài riêng và có lẽ, cái riêng này nó đã trở thành một cái lợi thế…
+ Xin cảm ơn chị!
HOPA (Theo Ngọc Lành – hodovietnam)