Một số báo chí gần đây có đăng ý kiến tranh cãi về bản quyền của những bức ảnh trong poster và ảnh hiện trường của bộ phim Cánh đồng bất tận. Theo quy định pháp luật hiện hành, ai là người được hưởng quyền tác giả đối với những hình ảnh này?
Theo Thông cáo báo chí của Hãng phim Việt, ông Đặng Minh Tùng đã ký hợp đồng lao động thời vụ ngày 23.11.2009 với hãng để thực hiện chụp hình hiện trường cho đoàn phim Sông nước (Cánh đồng bất tận) và đã nhận được đầy đủ tiền thù lao theo đúng hợp đồng. Cũng theo hợp đồng này, Hãng phim Việt là chủ sở hữu và đăng ký bản quyền toàn bộ các bức ảnh và Đặng Minh Tùng không được phép lưu giữ các hình ảnh chụp ở hiện trường, phải đảm bảo bàn giao toàn bộ hình ảnh trong thẻ nhớ, ổ cứng cho hãng phim cũng như không được phát tán và lưu hành ra công chúng. Hãng phim Việt được toàn quyền sử dụng toàn bộ hình ảnh mà Đặng Minh Tùng thực hiện tại hiện trường phim cho bất kỳ một mục đích nào của mình (trừ mục đích vi phạm pháp luật).
Theo một cán bộ chuyên trách về sở hữu trí tuệ (SHTT) xin được phép không nêu tên, việc xác định quyền tài sản, nếu đúng như Hãng phim Việt trình bày, thì đã quá rõ. Quyền tài sản đối với những bức ảnh mà ông Đặng Minh Tùng chụp đã thuộc về Hãng phim Việt, vì ông Tùng đã được trả thù lao rồi.
Thông lệ và quy định của pháp luật
Việc ghi nhận tên của Đặng Minh Tùng, theo Hãng phim Việt, tên của Đặng Minh Tùng được ghi rõ ràng trong phần credit cuối phim với chức danh Nhiếp ảnh. Có thể xem phần này tại rạp chiếu. Theo nhận định của cán bộ chuyên trách SHTT, Hãng phim Việt xử lý như vậy là đúng. Vị cán bộ này cũng đồng quan điểm với Hãng phim Việt rằng, “theo nghĩa thông thường nhất, poster phim được hiểu như là những tờ giấy lớn có hình ảnh và/hoặc phần chữ được treo hay dán ở nơi công cộng hoặc rạp chiếu phim để quảng cáo cho một bộ phim sắp được trình chiếu. Poster phim chỉ có ghi tên một số những thành phần chính tham gia đoàn phim với mục đích quảng cáo và theo thông lệ về poster phim trên thế giới cũng như tại VN, không có đưa thông tin về người chụp ảnh, người thiết kế, cũng như không đưa hết tên tuổi của những người tham gia đóng góp xây dựng bộ phim”.
Theo Thông cáo báo chí của Hãng phim Việt gửi đến các báo, hãng phim này là đơn vị sản xuất bộ phim Sông nước (sau đó khi phát hành đổi tên thành Cánh đồng bất tận). Công ty phát hành phim là Công ty BHD. Poster cho việc phát hành phim tại VN đợt này là do Hãng phim Việt thiết kế và sử dụng các bức ảnh hiện trường của phim do ông Đặng Minh Tùng chụp tại hiện trường đoàn phim. Toàn bộ poster này do Hãng phim Việt thiết kế và cung cấp, không liên quan đến Công ty BHD và khác hoàn toàn với những poster do nhà nhiếp ảnh Trần Huy Hoan chụp và thiết kế.
Cán bộ chuyên trách SHTT này nói: Về thông lệ nếu là như thế, thì không nhất thiết phải đưa tên tác giả trên poster, nhưng về quy định của pháp luật, thì tác giả của những bức ảnh trên poster có quyền được đứng tên trên đó. Ở đây, nếu trên poster đã có đưa tên ông Trần Huy Hoan, thì phải xem xét ở 2 khía cạnh: một là, tên ông Trần Huy Hoan được đưa lên làm cho người xem poster cảm nhận đây là một tên tuổi lớn có uy tín, tham gia trong bộ phim nhằm làm tăng thêm giá trị của bộ phim lên; thứ hai là, người xem sẽ cảm nhận rằng ông Trần Huy Hoan chính là tác giả của những bức ảnh rất đẹp được in trên những poster đó. Nếu như đưa tên ông Trần Huy Hoan trên poster làm cho người xem cảm nhận theo khía cạnh thứ hai, thì rõ ràng là đã xâm phạm quyền nhân thân của ông Đặng Minh Tùng – tác giả của những bức ảnh đó.
Ảnh hiện trường có được coi là tác phẩm nhiếp ảnh?
Để làm rõ ảnh chụp tại phim trường có phải là tác phẩm nhiếp ảnh hay không, vị cán bộ chuyên về SHTT cho biết: Trong Nghị định 100 của Chính phủ – Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự, Luật SHTT về quyền tác giả và quyền liên quan – tại điều 16 về tác phẩm nhiếp ảnh có nêu rõ: “Tác phẩm nhiếp ảnh quy định tại điểm h khoản 1 điều 14 của Luật SHTT là tác phẩm thể hiện hình ảnh của thế giới khách quan trên vật liệu bắt sáng hoặc trên phương tiện mà hình ảnh được tạo ra hay có thể được tạo ra bằng bất cứ phương pháp kỹ thuật nào (hóa học, điện tử hoặc phương pháp khác); Hình ảnh tĩnh được lấy ra từ một tác phẩm điện ảnh hay tương tự như điện ảnh không được coi là tác phẩm nhiếp ảnh mà là một phần của tác phẩm điện ảnh đó”.
Như vậy, hình chụp tại hiện trường không thể được xem là hình ảnh tĩnh được lấy ra từ tác phẩm điện ảnh. Bởi vì theo vị cán b
ộ chuyên trách SHTT này, nguồn tạo ra tác phẩm điện ảnh là chiếc máy quay và người quay phim, còn tác phẩm nhiếp ảnh được tạo ra từ chiếc máy chụp ảnh và người chụp ảnh. Hai tác phẩm này hoàn toàn khác nhau, không thể xem các bức ảnh chụp tại hiện trường là hình ảnh tĩnh lấy từ tác phẩm điện ảnh.
Thẩm phán Nguyễn Hoàng Đạt (Phó chánh tòa dân sự TAND TP.HCM) cho biết đối với tác phẩm hình ảnh chụp hiện trường, người chụp ảnh, theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành có hai quyền: quyền nhân thân và quyền tài sản (quyền sở hữu) đối với tác phẩm mà họ sáng tạo ra. Quyền tài sản có thể được chuyển giao, nhưng quyền về nhân thân thì không được chuyển giao vì pháp luật không cho phép. Ông cho rằng trong trường hợp phim Cánh đồng bất tận, Hãng phim Việt thuê nhà nhiếp ảnh chụp ảnh hiện trường và trong hợp đồng có thỏa thuận toàn bộ bản quyền hình ảnh do hãng nắm giữ, hãng có quyền sử dụng mà không cần hỏi ý kiến. Điều này đồng nghĩa với việc nhà nhiếp ảnh đã chuyển giao quyền sở hữu, hãng chỉ có quyền công bố phổ biến tác phẩm, cho hoặc không cho người khác sử dụng tác phẩm, được hưởng lợi ích vật chất từ việc sử dụng tác phẩm… Còn nhà nhiếp ảnh vẫn còn quyền nhân thân. Cụ thể, khi hãng sử dụng tác phẩm này phải để tên tác giả (theo điều 756 và 752 Bộ luật Dân sự).
Một ảnh sáng tác của Đặng Minh Tùng trong thời gian đi làm phim Cánh đồng bất tận.