Đã lâu lắm rồi giới nhiếp ảnh chúng ta mới có cuộc hội thảo về tính dân tộc như hôm nay. Đây là sáng kiến của Hội Nhiếp ảnh Tp Hồ Chí Minh, một trong hai trung tâm nhiếp ảnh lớn nhất nước và đã đóng góp cho kho tàng nghệ thuật nhiếp ảnh nước nhà những bức ảnh nghệ thuật trứ danh đáng gọi là tác phẩm.
Hội Nhiếp ảnh Tp HCM xứng đáng cất tiếng nói đầu tiên về vấn đề tưởng như thuộc bản chất của nhiếp ảnh khỏi phải bàn đến. Những ý kiến sâu sắc của quí vị hôm nay tạo tiền đề tiến tới cuộc hội thảo toàn quốc do Hội NSNA VN tổ chức trong tương lai.
Tôi xin phép quí vị trình bày vắn tắt vài nghiên cứu cá nhân xung quanh tính dân tộc trong nghệ thuật nhiếp ảnh VN.
1. Hồn dân tộc luôn thổn thức trong tim nhà nhiếp ảnh
Quê hương thiêng liêng khắc sâu tronglòng ta từ cái ao nhà, góc phố, từ tiếng ru hời của mẹ, lời giảng của thầy. Trái tim nhà nhiếp ảnh rung lên hồi hộp mỗi lần hướng máy ảnh vào những gì da diết, nguồn cộci thiêng liêng. Con người, cảnh vật quê hương ghi lại trong ảnh chỉ một khoảnh khắc mà nhà nhiếp ảnh gửi vào đó cả cõi lòng. Đến lượt người xem xao xuyến, bâng khuâng. Mỗi bức ảnh quê hương – đất nước – con người là một câu chuyện kể, một thoáng tự hào, một nét ưu tư. Hình ảnh là hiện tại nhưng có quá khứ khói hương trong đó, có hình hài tương lai trong đó. Nó hóa thân thành người như con người ai cũng khắc khoải trong lòng hai tiếng “Quê hương”.
Tính dân tộc trong nghệ thuật nhiếp ảnh rất dễ nhận thấy có lẽ vì bản chất nhiếp ảnh là ghi thực trực tiếp. Những bức ảnh chụp quê hương, đất nước, con người Việt Nam vốn mang đặc điểm dân tộc độc đáo không lẫn với dân tộc nào khác trên thế giới.
Tính dân tộc hiển hiện trong ảnh là con người, cảnh sắc thiên nhiên, đời sống, lễ hội, trang phục, sinh hoạt, phong tục tập quán. Nhìn ảnh ta thấy ngay nét riêng độc đáo của mỗi dân tộc hoà vào cộng đồng các dân tộc chung sống trên lãnh thổ VN với bề dày lịch sử nghìn năm dựng nước và giữ nước.
Tôi có ấn tượng sâu sắc về bức ảnh Tát nước của nhà nhiếp ảnh Trương Trừng chụp cách đây 72 năm, năm 1939. Ảnh chụp ngược sáng cảnh tát nước đồng quê vào lúc mặt trời sắp lặn. Ba chiếc gàu sòng, sáu trai làng guồng nước đều nhịp nổi bật giữa khung cảnh thiên nhiên chỉ quê mẹ Việt Nam ta mới có. Ánh sáng và bố cục không chê vào đâu được. Cái bấm máy nắn nót, hoàn hảo làm cho bức ảnh trở thành tác phẩm nghệ thuật sống mãi với non sông đất nước Việt Nam. Cảnh tát nước đồng làng quyện với hồn dân tộc và cảm xúc thẩm mỹ của tác giả dường như bắt nguồn từ cái đẹp của câu ca dao truyền kiếp : Hỡi cô tát nước bên đàng / Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi !
Có lẽ quí vị đều biết bức ảnh của nghệ sĩ Lê Hồng Linh chụp phía sau các nữ sinh mặc đồng phục trắng đang đi trên cầu tre đến trường. Bức ảnh rất đỗi bình thường về kỹ thuật tạo hình nhưng gợi nhớ lời ru của Mẹ : Ví dầu cầu ván đóng đanh / Cầu tre lắt lẻo gập gềnh khó đi / Khó đi mẹ dắt con đi / Con thi trường học mẹ thi trường đời. Có lẽ tinh thần dân tộc VN, bản sắc dân tộc VN hiện lên bình dị trong bức ảnh làm xúc động ban chấm giải quốc tế.
2. Tính dân tộc gắn liền với tinh thần dân tộc
Ảnh phong cảnh từ thế hệ Võ An Ninh đến thế hệ Hoàng Thế Nhiệm ngày nay và các thế hệ tiếp nối không đơn thuần là cảnh sắc mang đặc điểm riêng về thiên nhiên và lãnh thổ Việt Nam mà lấp lánh trong đó nét dáng con người, tâm hồn và nghi lực của cộng động các dân tộc Việt Nam được thế giới kính nể qua lịch sử dựng nước và giữ nước lừng lẫy. Nhiếp ảnh và chỉ nghệ thuật nhiếp ảnh ghi lại đúng nguyên hình một cách đầy cảm xúc sắc thái độc đáo của sông nước Nam Bộ, bến đò ngày hội chùa Hương, con trâu gặm cỏ bên đồng lúa nước, em bé học bài bên đống rơm cạnh nồi khoai luộc khi hoàng hôn buông xuống, và vịnh Hạ Long hàng trăm hòn núi đá nhô lên giữa biển hướng tới trời cao cảnh cáo quân xâm lược chớ dụng vào “ Nam quốc sơn hà nam đế cư”.
Như vậy, nội dung căn bản của tính dân tộc trong sáng tác nhiếp ảnh là tinh thần dân tộc. Ảnh chụp phải thể hiện sâu sắc tinh thần dân tộc. Chủ thể mà máy ảnh nhắm vào để sáng tạo nghệ thuật là con người VN, dân tộc VN đang làm chủ lãnh thổ của mình, tiếp nối khí phách tổ tiên mình, bảo vệ nòi giống của mình, giữ gìn và phát triển đất nước mọi mặt. Tinh thần dân tộc còn thể hiện trong đạo đức, phẩm chất, lối sống, văn hoá của mỗi con người trong cộng đồng dân tộc Miêu tả được tinh thần dân tộc, đó chính là tính dân tộc của nghệ thuật nhiếp ảnh thông qua những gì chứa đựng trong bức ảnh.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Dực có tác phẩm Hồn Tây Nguyên được tặng huy chương vàng Liên hoan ảnh nghệ thuật miền Trung và Tây Nguyên do Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật tỉnh Gia Lai tổ chức.
Tác phẩm: Hồn Tây Nguyên – TG: Phạm Dực
Ngọn lửa cuồn cuộn trái lên trời, cây nêu mờ tỏ đàng xa, người đàn ông lực lưỡng say sưa nhịp trống cho người người bước vào đêm hội tưng bừng. Bức ảnh chỉ có vậy. Nhưng ngắm thật kỹ ta thấy hồn Tây Nguyên thấp thoáng không dứt trong ngọn lửa hồng, ẩn hiện trên cây nêu, hòa vào tiếng trống, tiếng cồng chiêng vang vang trời đất. Hồn Tây Nguyên từ các thể kỷ trước lặn vào sông suối núi rừng, vào lời ca điệu múa ngàn đời, vào sức trẻ hôm nay, rồi bay lên rực rỡ trongmùa lễ hội hàng năm kéo dài suốt ba tháng màu khô vui chơi thỏa thích. Hồn Tây Nguyên tạo nên sức mạnh Tây Nguyên, sức mạnh Việt Nam. Sức mạnh đó thể hiện nổi bật ở đường gân thớ thịt, ở nét mặt hả hê của người cầm nhịp trống, ở dòng người trong sắc phục dân tộc cuồn cuộn chảy vào đêm hội. Tác giả muốn ảnh của mình góp phần bồi đắp thêm tình yêu Tây Nguyên trong lòng đại gia đình các dân tộc Việt Nam, để con dân nước Việt tự hào hơn mà trân trọng giữ lấy cái hồn của nó, thổi bùng nó lên cho quê hương cất cánh
Yêu say đắm đất nước mình, dân tộc mình, các nhà nhiếp ảnh các chúng ta luôn đau đáu tronglòng ý nguyện miêu tả làm sao cho rực rỡ hơn lên cái hay, cái đẹp, cái tinh túy của vùng đất và con người huyền diệu nơi đây. Nhiều thế hệ nhiếp ảnh gắn bó với thôn xã bản làng, núi cao biển rộng ở các vùng khác nhau của đất mẹ Việt Nam với tấm lòng trân trọng. Đề tài dân tộc đã giúp họ thành danh trong nghệ thuật nhiếp ảnh.
Xem sách ảnh của Võ An Ninh, Lê Minh Trường, Lê Vượng, Phạm Tuệ, Đoàn Công Tính, Đồng Đức Thành, Đào Hoa Nữ, Hoàng Quốc Tuấn, Tam Thái, Hoàng Thế Nhiệm, Trần Thế Phong v.v.. ta thấy tinh thần dân tộc sáng bừng trong từng bức ảnh.
102 ảnh chọn lọc của nhà báo –nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Phong cùng lời giới thiệu của nhà văn Nguyên Ngọc và bài nghiên cứu của tiến sĩ Ngô Văn Doanh hợp thành sách ảnh Lễ hội Tây Nguyên đặc sắc.
Sức mạnh cảm xúc và trí tuệ ẩn chứa trong từng bức ảnh Trần Phong chụp trong suốt 25 năm lăn lội khắp vùng đất Tây Nguyên mênh mông huyền bí, từ Gia Lai đến KonTum, Daklak. Anh sống với đời sống thật của bà con Bana, Giarai, Xơđăng, Jẻ Triêng, Êđê. Ngồi trong nhà Rông uống rượu cần với già làng mà nhấp nhổm không yên bởi những đống lửa rực sáng trong đêm quyện với tiếng cồng chiêng giục dã, tiếng chân bước rộn ràng khắp các nèo đường đất đỏ vào mùa lễ hội suốt ba tháng mùa khô. Cầm máy chụp là tâm hồn bay bổng nhưng trong lòng trĩu nặng ưu tư trước một thực thể văn hóa dân gian vô cùng độc đáo đang bị biến dạng từng ngày,, biến mất từng ngày, mà nếu không nhanh tay ghi lại bằng máy ảnh để bảo tồn thì, như nhà văn Nguyên Ngọc nói “ngày nay dẫu bạn có đi lùng sục khắp Tây Nguyên, tốn bao nhiêu tiền và tốn bao nhiêu công cũng không còn chụp được nữa”.
Giá trị đặc biệt của cuốn sách trước hết là chỗ đó. Lo cho các thế hệ mai sau không hình dung được cái tinh khiết ban đầu, cái nguyên sơ thiêng liêng của truyền thống văn hóa rực rỡ từ ngàn đời có nguy cơ biến mất, mỗi lần bà con Tây Nguyên vào mùa lễ hội là anh đi, từ những năm tám mươi của thế kỷ trước, cặm cụi dấn thân vào buôn làng xa xôi hiểm trở, leo núi xuyên rừng để tìm ghi lại nguyên hình nét đẹp văn hóa tinh thần từ nguồn cội. Theo tôi biết, Trần Phong là nhà nhiếp ảnh có bộ ảnh lớn nhất, đầy đủ nhất về tất cả các lễ hội cũng như sinh hoạt, đời sống cùa các dân tộc thiểu số ở vùng đất Tây Nguyên. Lần này, anh chỉ đưa ra 100 ảnh để làm bức thông điệp kêu gọi chúng ta giữ gìn lấy những gì còn lại của một di sản văn hóa vô giá trong khi đất nước đang xăm xăm đi tới mà có lúc quên nhìn trước ngó sau.
Là nhà báo, Trần Phong chụp rất thật cái có thật. Mỗi bức ảnh đều ghi rõ sự việc, thời gian, địa điểm. Đó là những tư liệu dân tộc học quí giá. Là nghệ sĩ nhiếp ảnh, Trần Phong xúc động chân thành trước những giá trị văn hóa tinh thần diệu kỳ mà anh trân trọng, thả hồn vào ống kính đển nhìn ngắm say mê, đem hết tài năng lột tả cho hết cái đẹp huyền diệu trong sức sống mãnh liệt của một vùng đất nước Việt rất đáng tự hào. Đó là những bức ảnh nghệ thuật để đời.
Giá trị tài liệu và giá trị nghệ thuật quyện làm một trong cuốn sách ảnh đầy tâm huyết này. Tôi mường tượng ra chân dung nhà dân tộc học trong con người nhà báo – nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Phong.
TP: Lễ hội – TG: Trần Phong
3. Tính dân tộc và tính tư tưởng-thẩm mỹ trong nhiếp ảnh
Những bức ảnh đã phân tích ở trên cho thấy giá trị tư tưởng và thẩm mỹ không nằm ngoài tính dân tộc. Nói đến tính dân tộc trong nghệ thuật nhiếp ảnh là nói đến giá trị và bản sắc độc đáo của môn nghệ thuật này, là nói đến tầm tư tưởng và tài năng nghệ thuật của người nghệ sĩ. Tác phẩm nhiếp ảnh được hình thành từ lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, ý thức dân tộc, tinh thần dân tộc của người cầm máy. Từ cảm xúc đó, nhà nhiếp ảnh dùng tài năng nghệ thuật của mình xây dựng nên tác phẩm có giá trị tư tưởng và thẩm mỹ cao đẹp.
Điển hình hoá trong nghệ thuật nhiếp ảnh căn cứ vào đối tượng cụ thể trước ống kính và hoàn cảnh lịch sử – xã hội của nhân vật. Chính vì vậy hình tượng nhiếp ảnh vừa có tính dân tộc, vừa mang tính thời đại. Từ hình tượng Bác Hồ đến “O du kích nhỏ”, “Nước mắt ngày gặp lại”, “Vượt lên số phận”, “Họ đã sống như thế”, v.v… đều chứa đựng giá trị, phẩm chất, tinh hoa, bản sắc độc đáo của dân tộc có từ ngàn xưa đồng thời hoà quyện với đặc điểm xã hội của thời đại mà nhân vật và nhà nhiếp ảnh đang sống trong đó.
Tính dân tộc còn thể hiện rõ rệt ở những bức ảnh nói về nỗi đau dân tộc, số phận dân tộc trước hoạ xâm lăng từ bên ngoài, về khát vọng da diết thoát khỏi nghèo hèn trì trệ, nhanh chóng bắt kịp trình độ phát triển của thê giới ngày nay.
Bản chất của nhiếp ảnh, thế mạnh của nhiếp ảnh là phản ánh, miêu tả trực tiếp, kịp thời những gì đang diễn ra hàng ngày trong cuộc sống đang vận động, đang đổi thay, đang tiến tới. Tác phẩm nhiếp ảnh vừa có tính tài liệu xác thực vừa có tính hình tượng lay động lòng người. Tác phẩm nhiếp ảnh ra đời nhanh, đáp ứng kịp nhu cầu nhận thức thực tế và thưởng thức thẩm mỹ to lớn hàng ngày của công chúng thời nay. Hiểu rõ điều đó, nhà nhiếp ảnh và người sử dụng ảnh cầm tay nhau sánh bước trên con đường dùng nghệ thuật phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Nguyễn Huy Hoàng
Nhà nghiên cứu lý luận & phê bình nhiếp ảnh
Trưởng ban LLPB & BDNV Hội NSNA VN