Tuyết Mai – Thanh âm này vang lên gợi nhớ một câu kiều “Mai cốt cách. Tuyết tinh thần”.
Quả thật, nữ nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thị Tuyết Mai từ vóc dáng đến tinh thần đúng như tên gọi. Khi tiếp xúc trò chuyện với Tuyết Mai nhiều người có cảm nhận một cái gì đó mềm mại, uyển chuyển và rất trong ngần.
Tôi quen biết Tuyết Mai từ những năm 90. Lúc đó Tuyết Mai là nhân viên Hội Nhiếp ảnh Tp.Hồ Chí Minh, làm công việc kế toán và chụp ảnh dịch vụ. Và khi Câu lạc bộ nhiếp ảnh Sài Gòn ra đời (1992) tôi và Mai là những thành viên đầu tiên. Niềm đam mê nhiếp ảnh cũng từ đây bùng lên trong Mai. Sau đó, Tuyết Mai gia nhập Câu lạc bộ nữ Hải Âu – Nơi đây quả là một bệ phóng tuyệt vời chắp cánh cho Tuyết Mai bay xa. Liên tiếp từ năm 96 đến nay Tuyết Mai đã có nhiều giải thưởng trong và quốc tế. “Long lanh nước biếc”, “Đường về”, “Duyên thầm”, “Hạnh phúc tuổi già, “Nhịp sống miền biển”, “Nghề truyền thống”, “Mưa ngâu” và rất nhiều bức ảnh khác nữa đã tạo nên một Tuyết Mai nghệ sĩ. Nếu ảnh chị Đào Hoa Nữ phóng khoáng mênh mang, ảnh chị Thi Thơ nội tâm, triết lý, ảnh Đỗ Ngọc mạnh mẽ, dữ dội, thì ảnh của Tuyết Mai nhẹ nhàng, khe khẽ, nó như một cơn gió thoảng len lén, lẻn vào tâm hồn người xem một cách tự nhiên và sâu lắng. “Long lanh nước biếc” đẹp làm sao và duyên làm sao dáng cô Thái và chiếc bè tre trên hồ Ba Bể. Bức “Mưa ngâu” càng xem càng thấm. Chàng trai và cô gái dìu nhau trong mưa sánh bước qua cầu, không thể nào không nhớ điển tích chàng Ngưu và Chức Nữ:
“…Tháng bảy mưa ngâu
Ô thước bắc cầu…”
Ảnh bộ “Vô thường” Mai chụp về “đời sen” rất tinh tế, ý nhị. Tác phẩm “Sức sống” đặc tả chiếc lá sen bên ngoài vàng úa nhưng bên trong vẫn còn xanh ngắt giống như đời người tóc tuy bạc nhưng tâm hồn, tình yêu vẫn xanh mãi…
Nghệ sĩ Tuyết Mai đã vạch một con đường đi riêng cho mình, và cho người xem một xúc cảm nhẹ nhàng và cũng rất trong ngần.
Tác phẩm: Chiều Chủ Nhật
Tác phẩm: Đồng hành
Tác phẩm: Hoài vọng
 
; Theo Nam Thanh – TC nhiếp ảnh