Là chiến sĩ quân giải phóng miền Đông Nam Bộ, phóng viên chiến trường của Trung ương Cục miền Nam năm xưa; giải phóng miền Nam năm 1975, Trần Thăng về công tác tại báo Nhân dân với cương vị Phó phòng Ảnh báo, thường trú tại Tp.Hồ Chí Minh.
Vốn có năng khiếu nghệ thuật, anh đã ghi lại hàng nghìn bức ảnh quý của quân và dân ta trong lao động, trong kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, thường xuyên có ảnh đăng trên những ấn phẩm của báo Đảng, tạp chí, các báo trên cả nước. Các tác phẩm tiêu biểu: “Tình đồng đội” dưới trời mưa cõng thương binh vượt qua bom đạn địch; “Quân giải phóng đón phi công Nguyễn Thành Trung” ném bom Dinh Độc lập trở về vùng giải phóng tháng 4-1975… Một phóng viên báo Đảng với 40 năm tuổi nghề, tuổi Đảng; anh thường tâm sự: “Nhiếp ảnh phải luyện từ thực tế, có sống với thiên nhiên mới tạo được những tác phẩm có hương sắc”; Từng trèo đồi chè, cắt rừng lội suối tìm cái đẹp, cái thực của người lao động. Ảnh báo chí là vậy, phải “máu” như cách nói của anh, xuôi ngược mọi miền Tổ quốc, từ Tây Bắc, Việt Bắc, biên giới, Đồng bằng sông Hồng tới Tây Nguyên, miền Trung nắng gió đến sông nước miền Tây Nam Bộ, đặc biệt là trên các giàn khoan dầu khí ngoài biển khơi (tác phẩm “Bình minh trên giàn khoan mỏ Bạch Hổ” năm 1991).
Ảnh Trần Thăng vừa báo chí vừa nghệ thuật, đẹp về bố cục, nội dung, nhưng cũng rất thời sự. Anh tham gia hàng chục cuộc triển lãm ảnh cá nhân và tập thể tại Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh, đoạt nhiều giải cao trong nước và quốc tế: Liên Xô, Tiệp Khắc, Pháp, Lào, Mỹ… Vào năm 1994, anh là một trong 50 nghệ sĩ Việt Nam chụp ảnh, in sách triển lãm tại Mỹ với đề tài “Một thoáng Việt Nam”. Tác phẩm của anh là những khoảnh khắc lịch sử mà người nghệ sĩ lao động không mệt mỏi đóng góp quý báu vào bộ sưu tập của Nhiếp ảnh Việt Nam.
Một số tác phẩm tiêu biểu
Quân giải phóng đón phi công Nguyễn Thành Trung vừa ném bom Dinh Độc Lập trở về vùng giải phóng tháng 4-1975
Hòa bình
Mũi Né
Những tương lai đất nước
Người chủ tương lai
HOPA (theo Trọng Thanh – báo đất mũi)