Tuy đã đến tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng nội lực và dòng sáng tác trong Nghệ sĩ nhiếp ảnh, Nhà lý luận phê bình nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường vẫn luôn cháy dữ dội. Và mặc dù không còn cầm máy chạy theo cuộc sống nhưng ngòi bút của ông luôn sắc bén, phản ánh cái chân thực cần có trong các tác phẩm nhiếp ảnh hiện đại.
Người ta nói làm nghề gì cũng cần có duyên và có tâm với nghề, điều này có vẻ đúng với NSNA Trần Mạnh Thường. Từ một cán bộ Ngân hàng Nhà nước, duyên nghiệp đã đưa Trần Mạnh Thường đến với nhiếp ảnh sau khi quyết tâm sang học ĐH nghệ thuật CHDC Đức.
Trần Mạnh Thường có quan điểm rất khắt khe về ảnh, nhất là ảnh báo chí. Theo ông, “một bức ảnh tốt cần phải trung thực và phản ánh cái nhìn khách quan của người người chụp về số phận con người trong xã hội”. Phải chăng chính sự cầu toàn cho “đứa con tinh thần” của mình mà ông đã quyết định tham gia cách mạng. Tự mình đi, trải nghiệm và chứng kiến cuộc sống khó khăn của người dân trong chiến tranh, chứng kiến những hành động man rợ của kẻ thù để ghi lại qua ống kính nhỏ bé của mình.
NSNA – Nhà lý luận phê bình nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường sinh năm 1938, tại Quảng Bình, nguyên là Phó ban biên tập ảnh – NXB Văn Hóa, Phó ban kiểm tra Hội NSNA Việt Nam nhiệm kỳ IV, Ủy viên Ban lý luận Hội NSNA Việt Nam nhiệm kỳ IV, V. Phó trưởng ban Lý luận phê bình Hội NSNA Việt Nam. |
Với Trần Mạnh Thường, quãng thời gian để lại nhiều ấn tượng nhất trong cuộc đời cầm máy của ông là khi tham gia hoạt động cách mạng trong Chiến tranh Biên giới phía Bắc năm 1979. “Khi đó tôi được tăng cường cho biên giới Cao Bằng và bị bao vây trước xe tăng địch. Mặc dù trong hoàn cảnh chiến đấu cam go nhưng với tư duy của một phóng viên ảnh tôi vẫn không quên cầm máy và ghi lại hình ảnh các đồng chí của tôi bắt sống chiếc xe tăng địch” – NSNA Trần Mạnh Thường tâm sự. Sau này, chính tác phẩm “Bắt sống xe tăng địch” đã giúp ông giành giải nhất trong cuộc thi ảnh “Toàn dân bảo vệ Tổ quốc” do Bộ Văn hóa, TTXVN và Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức năm 1979 và giải Nhất nhiếp ảnh do báo Nhân Dân tổ chức năm 1979.
Khi đất nước giải phóng, Trần Mạnh Thường sang làm chuyên gia nhiếp ảnh cho “láng giềng” Campuchia vào các năm 1980, 1984, 1989 để chứng kiến và ghi lại những hành động tàn ác của bọn Pôn-Pốt (Khơ me Đỏ). Tại đây, ông đã 3 lần chết hụt dưới tay bọn Pôn-Pốt và may mắn ghi lại được những bức ảnh giá trị. Bức ảnh “Cửa ngõ Phnom penh” chụp thời kỳ này (giúp NSNA Trần Mạnh Thường giành giải khuyến khích trong Triển lãm ảnh Người chiến sỹ năm 1985). Ngoài những tác phẩm ảnh, thời gian sống và làm việc tại Campuchia Trần Mạnh Thường còn xuất bản 2 cuốn sách ảnh: Campuchia ngày mới và Campuchia hôm nay. Những tác phẩm lấy “chất liệu” từ chiến tranh như con người trong chiến đấu, sản xuất, thảm họa từ chiến tranh… đã len lỏi vào trái tim công chúng.
Chính những giây phút gần như “chết đi sống lại” để ghi những hình ảnh tư liệu quý giá đã giúp NSNA Trần Mạnh Thường có thêm nội lực sáng tác không ngừng nghỉ. Ông không những thể hiện cuộc sống qua ống kính mà còn sử dụng ngòi bút của mình thúc đẩy lĩnh vực nhiếp ảnh và văn học nghệ thuật trong nước qua các cuốn sách ảnh, sách văn học – nghệ thuật, lý luận phê bình được đánh giá cao như: sách về nhiếp ảnh “Nghệ thuật nhiếp ảnh màu” (giải xuất sắc loại C năm 2000 của Hội NSNA Việt Nam), sách ảnh “Việt Nam: Di tích và thắng cảnh” (giải thưởng xuất sắc năm 2002 loại A cho công trình sách ảnh), sách ảnh “Nét đẹp Đông Dương” (giải B của Hội NSNA Việt Nam), sách “Những nhà nhiếp ảnh nổi tiếng thế giới và Việt Nam” (cúp bạc Hội NSNA Việt Nam 2008)…
“Nếu còn có thể vẫn tiếp tục viết”
Múa dân tộc – Campuchia
Quá trình học tập tại Đức từ 1960-1964, NSNA Trần Mạnh Thường có cơ hội tiếp xúc với những công nghệ nhiếp ảnh tối tân nhất thời bấy giờ. Ông chia sẻ, “Thời đó, cầm trong tay chiếc rangerfinder Leica M3 hay Nikon S3M và Topcon RII là cả một niềm vui sướng và khát khao cho những ai mê chụp ảnh”. Thế nhưng quay về Việt Nam, việc tìm và đầu tư các thiết bị nhiếp ảnh khó khăn hơn, bằng số tiền tích cóp, ông đã mua được một chiếc máy ảnh 2 ống kính Seagull, của Trung Quốc. Việc chụp hình qua chiếc máy ảnh này vô cùng khó vì nó “chậm”, đặc biệt là với một phóng viên ảnh, cần sự nhanh chóng và nhạy bén, nhưng “cái khó ló cái khôn”, sử dụng thiết bị này khiến ông phải tư duy và phán đoán tình huống trước khi sự kiện diễn ra, đây cũng là “tố chất” cần có c
ủa một phóng viên ảnh thực thụ.
Ngay việc phóng ảnh trong thời kỳ này cũng không hề đơn giản, khi đi học, ông được sử dụng máy phòng, có buồng tối và đèn chiếu sáng đầy đủ nhưng trên mặt trận chiến trường, để có một bức ảnh tư liệu, ông phải tự “chế” ra mọi thứ. Khi đó, buồn tối tráng phim chính là rừng cây, che chắn bởi những chiếc chăn, võng của đồng đội, nguồn sáng để lộ ảnh trên giấy là ánh sáng mặt trời, được thu vào qua những ống nứa và thấu kính… “Ấy thế mà ảnh vẫn đủ sáng, lên đều chi tiết” – NSNA Trần Mạnh Thường chia sẻ.
Người nghệ sĩ đa tài này không chỉ thể hiện cá tính trong lĩnh vực nhiếp ảnh. Hơn 50 cuốn sách do ống viết và biên soạn từ năm 1986 đến nay đã được xuất bản, tái bản nhiều lần và được công chúng đón nhận nồng nhiệt, với các đề tài phong phú. Sách về nhiếp ảnh, lý luận nhiếp ảnh gồm: “Kiến thức cơ bản về nhiếp ảnh, Lịch sử Nhiếp ảnh thế giới, Nhiếp ảnh và cuộc sống, Những nhà nhiếp ảnh nổi tiếng của thế giới và Việt Nam, Nhiếp ảnh – lý luận và phê bình…”. Sách văn hóa – nghệ thuật như, “Những di sản nổi tiếng thế giới, Những danh nhân thế giới về khoa học kỹ thuật – văn học nghệ thuật, Những đình chùa lăng tẩm Việt Nam, Những kiệt tác văn chương thế giới (lược thuật), Những kỳ quan cổ đại của nhân loại, Những nền văn hóa lớn của nhân loại, Almanach Giáo dục – Văn hóa….”. Ngoài ra còn những cuốn sách ảnh do ông sáng tác và biên soạn như: Nét đẹp Đông Dương, Nét xưa Hà Nội, Hà Nội xưa và nay, Huế – di sản văn hóa thế giới, Hà Nội cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX…”.
Đặc biệt, hai tập “Tác giả văn chương Việt Nam” (từ Đinh – Lê – Lý – Trần – Lê đến nay) cùng 5 cuốn sách khác của ông được Thư viện Quốc gia của Mỹ đón nhận lưu trữ và đặt trịnh trọng tại đây.
Không dừng lại ở đó, NSNA Trần Mạnh Thường cùng với GS Nguyễn Mạnh Lân, NSUT – Nhà quay phim Trần Trung Nhàn và NSNA Chu Trí Thành… là những người đặt nền móng cho sự nghiệp đào tạo nhiếp ảnh tại trường ĐH Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội nói riêng và tại Việt Nam nói chung. NSNA Trần Mạnh Thường nguyên là ủy viên Hội đồng tư vấn xây dựng chương trình khung giáo dục Đại học ngành nhiếp ảnh trình độ đại học, khối VH-NT-TT Điện ảnh. Ông giảng dạy ở các bộ môn: Lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam, Lịch sử nhiếp ảnh thế giới, Lý luận phê bình nhiếp ảnh, Biên tập ảnh, Kỹ xảo ảnh…
Ngoài những kiến thức sách vở ông còn giúp các thế hệ sinh viên của mình học hỏi được những kinh nghiệm thực tế về nghề nghiệp. Qua đó, rất nhiều các lớp sinh viên của ông đã thành danh trong lĩnh vực nhiếp ảnh và ảnh báo chí như, anh An Thành Đạt (báo Nhân Dân), chị Phương Hoa (TTXVN), anh Huấn Cao (báo Ảnh TTXVN)…
Ngoài công việc giảng dạy và viết sách, Trần Mạnh Thường còn tham gia cộng tác viết bài cho nhiều tờ báo: Nhân dân, Văn nghệ, Tiền phong, Đại đoàn kết, Người Hà Nội, Hà Nội mới…. Hiện tại, nghệ sỹ đang cộng tác với tạp chí Điện tử tiêu dùng mở riêng một chuyên mục Kiến thứ nhiếp ảnh. Chuyên mục này cung cấp cho độc giả những kiến thức cơ bản về nhiếp ảnh và “bí quyết” để có được những bức ảnh đẹp qua những bài viết giàu cảm xúc và tính chân thực.
Nghĩ rằng “đã đến tuổi nghỉ ngơi” – NSNA Trần Mạnh Thường đang hoàn thành cuốn sách “Chủ Tịch Hồ Chí Minh – Nhà ngoại giao, danh nhân kiệt suất” và cuốn sách ảnh “Những nơi tôi đã đến” (ảnh về các quốc gia ông đặt chân tới). Đây sẽ là cuốn sách cuối cùng trong cuộc đời ông, nhưng ông vẫn nói vui “nếu còn có thể vẫn tiếp tục viết”.
Một số tác phẩm nhiếp ảnh của NSNA Trần Mạnh Thường:
Cánh đồng Chum – Lào
Hoàng hôn đỏ
Chiều Hồ tây
Đồng lúa Ninh bình
Hoàng cung – Campuchia
Viên Chăn – Lào