Chúng tôi đến thăm chị vào những ngày đầu tháng 4 nắng đẹp. Ngôi nhà nằm trên đường Nguyễn Trãi êm đềm với hàng cây xanh rợp bóng mát và những mái nhà cổ xưa của thị xã Bà Rịa. Căn nhà của nhiếp ảnh gia Phạm Thị Ái Nghĩa khiến cho người khách lần đầu tiên bước chân đến có cảm giác gần gũi, nhẹ nhàng đến lạ. Hàng chục bức ảnh gắn liền với tên tuổi của chị từ ngày chị mới chập chững vào nghề cho đến hôm nay đều được trưng bày ở những vị trí trang trọng. Những bức ảnh của chị đưa người xem đi trải dài theo đất nước, từ địa đầu tỉnh Hà Giang với những dãy ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ, là thị trấn vùng cao Sapa đẹp lãng mạn trong mây mù. Gần gũi, thân quen hơn là hình ảnh của người dân xã đảo Long Sơn hiền lành, mến khách với tập tục viết liễn ngày xuân… Và vươn xa hơn đến miền Tây nam bộ với những phiên chợ nổi trên sông, những vườn trái cây trĩu quả và người dân Nam bộ hiền lành, mến khách…
Trong cuộc trò chuyện, điều chúng tôi dễ dàng nhận thấy là tình yêu mãnh liệt chị dành cho nhiếp ảnh dù với chị, mối nhân duyên ấy đến khá muộn màng. Bốn mươi tuổi, chị mới bắt đầu cầm máy ảnh nhưng không phải vì niềm đam mê với nhiếp ảnh mà là để thỏa mãn cho thú chơi ghép ảnh của mình. Chị đã lặn lội khắp nơi chụp lại những khung cảnh đẹp, sau đó về cắt ghép ảnh bạn bè lồng vào trong khung cảnh ấy. Thời ấy chưa có máy kỹ thuật số, kỹ thuật photoshop càng không nên việc xử lý ảnh chị phải làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Khi tác phẩm hoàn thiện, chị mang đến tặng bạn bè. Khi chiêm nguỡng những bức ảnh mà nhân vật ghép vào như hoà vào khung cảnh thiên nhiên, không có dấu vết của bàn tay xử lý của con người, nhiều người đã khuyên chị nên đến với ảnh nghệ thuật. Thế nhưng phải đến năm 1999, khi CLB nhiếp ảnh Sông Dinh, TX. Bà Rịa ra đời, chị mới chính thức bước vào con đường nghệ thuật nhiếp ảnh chuyên nghiệp.
Bồi hồi nhớ lại những ngày đầu vào nghề, giọng của chị hứng khởi hơn khi tình yêu nghệ thuật được khơi nguồn. Chị kể, ngày ấy, dù ở cái tuổi gần năm mươi nhưng chị vẫn băng băng mọi ngả đường, mọi địa bàn từ thành thị đến nông thôn chỉ để tìm những bức ảnh đẹp. Và chính từ những chuyến đi về các vùng Hòa Long, Long Phước, Bình Giã, Bà Tô, Xuyên Mộc, chị phát hiện ra rằng, nông thôn với những người dân quê thật thà, bình dị luôn có sức hút mãnh liệt với chị. “Cái đẹp bắt nguồn từ cuộc sống. Đó là nét đẹp ở tâm hồn mỗi con người. Ở các làng quê, không chỉ có phong cảnh hữu tình mà người dân nơi ấy cũng sống chân thành, mộc mạc. Đến với họ, mình như được gặp lại hình ảnh của ông bà, cha mẹ mình ngày xưa vậy. Vì vậy mỗi chuyến đi đều mang cho mình những cảm xúc khác nhau, không lần nào giống lần nào cả”, nhiếp ảnh gia Ái Nghĩa chia sẻ.
Cũng từ suy nghĩ ấy, ống kính của chị đã đi vào những nét đẹp của cuộc sống đời thường, đó là những đứa trẻ hồn nhiên nô đùa, là nụ cười mùa gặt của những chàng trai, cô gái tuổi mười chín, đôi mươi, là những mái nhà tranh, là làng nghề truyền thống, là ruộng lúa nhộn nhịp mùa thu hoạch, đó còn là nét hồn hậu của cụ ông, cụ bà râu tóc bạc phơ ngồi đọc truyện cổ tích cho con cháu… Và những hình ảnh đời thường ấy đã giúp chị ghi tên tại nhiều cuộc thi ảnh trong và ngoài nước. Từ giải thưởng đầu tiên vào năm 2000 tại cuộc thi ảnh dành riêng cho các tay máy nữ do Hội liên hiệp phụ nữ quốc tế phối hợp với Hội nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, tác phẩm “Cung đàn xưa” (giải nhất), “Tình thương” (giải nhì). Đến nay, chị đã mang về cho mình rất nhiều giải thưởng khác, trong đó có những giải thưởng lớn như giải ba cuộc thi ảnh “Ấn tượng ngày cưới” do Công ty TNHH Quốc tế Minh Việt Fujifilm tổ chức năm 2001 với tác phẩm “60 năm cuộc đời”. Năm 2005, chị có tới 8 ảnh được dự treo triển lãm Hasselblad diễn ra ở nước Áo, trong đó “Đừng quên nhà nông” là tác phẩm giành Huy chương vàng tại cuộc thi. Năm 2010, tác phẩm “Đãi khách” giành giải nhì cuộc thi ảnh không biên giới (ISF) do Pháp tổ chức. Gần đây nhất, đầu năm năm 2011, tác phẩm “Kể chuyện cổ tích” của chị cùng với 119 tác phẩm của các nhiếp ảnh gia cả nước (trong 4.000 tác phẩm tham gia) được chọn đăng trong cuốn Chân dung con người Việt Nam do Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam phát hành.
|
Theo Thanh Nga – hophamtphcm