Trong giới nhiếp ảnh, cái tên Long Thành không xa lạ, tên ông gắn với nhiều bức ảnh đen trắng đã đoạt giải cao trong nước và thế giới.
Tước hiệu EVAPA (nghệ sĩ xuất sắc của VAPA – Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam) và EFIAP (nghệ sĩ xuất sắc của FIAP – Liên đoàn nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế) là những dấu ấn ghi nhận thành quả lao động nghệ thuật của ông.
Những bức ảnh quý hơn… ngoại tệ
Quần cụt, đầu trọc, trên cổ toòng teng hai chiếc Leica hoặc Rolleiflex, cưỡi chiếc Vespa đời cổ. Long Thành được đón tiếp một cách hồ hởi bởi những vị khách ngoại quốc trong những quán bar sang trọng. Đến những nhà hàng lớn, những khách sạn sang trọng như Vinpearl hay Ana Mandara ở Nha Trang, có thể thấy các tác phẩm ảnh nghệ thuật của Long Thành.
Long Thành là nhà nhiếp ảnh đã đưa được hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài một cách chuyên nghiệp: Theo nhà nhiếp ảnh Đỗ Diên Khánh, Long Thành có lẽ là đại gia lớn nhất trong số những nhà nhiếp ảnh Việt Nam bán được ảnh ra nước ngoài.
Gần 40 năm làm nghề đã giúp cho Long Thành có một tay nghề vững vàng, cho dù chính ông vẫn nói rằng mình chỉ là hậu sinh so với các bậc tiền bối về ảnh đen trắng như Phạm Văn Mùi, Nguyễn Bá Mậu, Võ An Ninh hay Nguyễn Mạnh Đan. Điểm khác biệt là Long Thành đã khai thông được một con đường cho ảnh đen trắng, từ chụp, làm ảnh trong buồng tối, bày biện trong “buồng sáng” để bán được cho công chúng. Tiếng Anh khá lưu loát có lẽ là một lợi thế để ông đưa được tác phẩm của mình ra thế giới.
Bây giờ Long Thành bán ảnh bằng ngoại tệ, tòa nhà rộng rãi của ông có cả một gian trưng bày đến gần trăm tấm ảnh nghệ thuật, và trong ngăn tủ, có những chiếc máy ảnh giá đến vài ngàn đô la. Nhưng ít ai biết rằng ông đã có những năm tháng vất vả. Địa chỉ 126 Hoàng Văn Thụ, TP Nha Trang xưa chỉ là một gian xép 18 mét vuông, đó là nơi cả gia đình cùng sinh sống, là chỗ Long Thành tắt đèn, che rèm để làm ảnh khi đêm về, và cũng là nơi trưng bày ảnh nghệ thuật.
Bên bờ biển Nha Trang mùa này gió lộng, Long Thành kể về đời chụp ảnh… Bảy năm trước, tình cờ gặp một cô gái ngoại quốc mặc chiếc quần jeans thủng… mông trong một quán bar, ông buột miệng khen đẹp, cô gái ngạc nhiên, hỏi lại… Câu chuyện đưa đẩy khiến cô gái người New Zealand chịu đến nhà để Long Thành chụp ảnh, thậm chí còn sẵn lòng cho nhà nhiếp ảnh Việt Nam chụp khỏa thân! Căn nhà 18 mét vuông khi ấy không có phòng chụp, hai bố con ông người căng phông, kẻ bấm máy, đạo cụ duy nhất chỉ là… một cái nồi đất. Chụp 2 cuốn phim lớn, cuối cùng được hai kiểu! “Họ tự nhiên thật, nghe mình đề nghị, cô ta nói luôn “OK, for art” (cho nghệ thuật) rồi tự động xả đồ, cho mình thoải mái chọn góc độ”, Long Thành kể. Còn đây là những sự cố đáng yêu của nghề nghiệp: có 3 lần giấy ảnh từ nước ngoài gửi về, ngoài bì đã ghi rõ: giấy ảnh – không được lộ sáng. Nhưng các chú hải quan đã khui ra để “mở kiểm”, kiểm xong, họ bút phê: “20 tờ giấy photocopy màu trắng, không đánh thuế”. Lần khác là một chiếc máy Leica cả ngàn đô la, hải quan lại ghi: “Một máy ảnh Liên Xô, trị giá 150.000 đồng(!)”, Huy chương FIAP thì được ghi là… “đồ chơi trẻ con, không đánh thuế”!
Ảnh: Long Thành |
Trong buồng tối của ông, có lưu bút của nhiều người nước ngoài. Một phóng viên Canada, khi đến xem phòng ảnh của Long Thành, thấy chân dung khắc khổ của bà cụ già đã 96 tuổi thì khóc như con trẻ. Anh ta nói rằng đó là bức ảnh gây sốc và muốn mua, Long Thành không bán, mà tặng! Một người Anh tên Tim, đến Nha Trang được Long Thành cho mượn một chiếc máy ảnh dùng phim và đưa đi chụp ảnh, vào buồng tối tráng phim, làm ảnh xong, thích quá, đòi mua luôn chiếc máy ấy để về nước chụp ảnh đen trắng. “Tiền quý thật, nhưng vinh dự hơn là được những nơi như Lãnh sự quán Anh, hoặc như ông Đại sứ Mỹ lấy vợ Việt Nam đến mua ảnh, họ còn để lại name card đây này!”.
Và những “cơ duyên”
Hình như thành công đến với Long Thành như một cơ duyên, một sự tưởng thưởng cho những nỗ lực không mệt mỏi của ông. Trong những tấm ảnh bán được nhất, có tác phẩm Dưới cơn mưa với hai bé gái che dù đi dưới một cơn mưa rào Nha Trang. Đó là một bức ảnh chụp tình cờ và không hề dàn dựng: Năm 1987, đến dự đám tang mẹ của nhà nhiếp ảnh Thu An trên đường Độc Lập, Long Thành mang theo chiếc máy Canon lắp phim ORWO của CHDC Đức. Một cơn mưa bất thần giữa trời nắng to và
Nhà nhiếp ảnh Long Thành nói rằng, những bức ảnh mà ông bán được nhất đều là những bức ảnh chụp theo một cách rất Việt Nam, rất dung dị với nón lá, áo cánh, răng đen… Điều đó càng đặc biệt, nếu chúng ta biết Long Thành là một người Hoa chính gốc: ông quê ở đảo Hải Nam, Trung Quốc. Ông tâm sự: “Tôi lấy làm tiếc là bây giờ ở Việt Nam không còn nhiều người chụp và làm ảnh đen trắng nghệ thuật, nếu tôi không nhầm thì Hà Nội còn Đỗ Anh Tuấn, Nha Trang còn tôi với Đỗ Diên Khánh, TP Hồ Chí Minh thì có Văn Lan với Tạ Chưởng Lễ, mà hình như Tạ Chưởng Lễ giờ cũng nghỉ rồi… Nhiếp ảnh đen trắng là tình yêu của tôi, là cuộc sống cả tinh thần lẫn vật chất của tôi”. |
hai bé gái xuất hiện, chụp được 2 kiểu, về tráng thử, nhưng thuốc hãm thời ấy không tốt, hình lên mù mờ, phải bỏ. Nào ngờ, ngày hôm sau, xem lại thì tấm phim đã ngấm đủ thuốc và trong trẻo, dùng được…
Cách đây vài năm, Long Thành mừng thọ nhà nhiếp ảnh N. cũng ở Khánh Hòa bằng tấm ảnh chụp một đứa bé đang òa khóc, bên cạnh những đứa bé khác đang… ở truồng. Tấm ảnh không được nhiều người hưởng ứng và không được treo lên tường, không ai ngờ sau đó lại lọt vào triển lãm ảnh toàn quốc và được đến 6 giải thưởng quốc tế, trong đó có 2 huy chương vàng FIAP…
Gần 80.000 tấm phim đen trắng đủ các cỡ đã được ông chụp và lưu giữ. Cùng với những máy ảnh Leica thượng hạng, Long Thành còn dùng chiếc máy Rolleiflex cổ lỗ, đó chính là chiếc máy mà nhà nhiếp ảnh Lâm Hồng Long đã chụp bức ảnh Bác Hồ bắt nhịp bài ca kết đoàn nổi tiếng. Chiếc máy ảnh này được ông Lâm Hồng Long tặng cho Long Thành khi nghỉ hưu.
Khi chúng tôi đến Nha Trang, một công ty ở TP Hồ Chí Minh vừa đặt mua 300 bức Dưới cơn mưa làm quà tặng cho khách hàng. Hiệp hội đua thuyền buồm Australia cũng đã đặt mua tám bức ảnh để làm giải thưởng trong cuộc đua từ Hồng Kông đến Nha Trang vào ngày 29.10 tới. Long Thành “bật mí”: “Dù chưa in sách nhưng đã có ít nhất 500 người ngoại quốc đang chờ mua sách ảnh của tôi khi nó ra đời”.
(Theo www.thanhnien.com.vn)