Sự mộc mạc đã làm nên những bức ảnh giá trị, đạt nhiều giải thưởng quốc tế của người nghệ sĩ chỉ mới học hết lớp 5 – Lê Châu Đạo.
Những ngày cuối năm 2011, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Châu Đạo lại nhận thêm thông báo đạt huy chương vàng với bức ảnh Đường về nhà – 12 tại cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 72 của Nhật Bản. Giải thưởng này đã làm dày thêm bộ sưu tập 107 giải thưởng trong nước và quốc tế của “phó nháy” 54 tuổi này.
“Ăn nằm” hết rồi!
Hiếm có nhiếp ảnh gia nào ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên đạt nhiều giải thưởng và có nhiều ảnh triển lãm như Lê Châu Đạo. Trong số 107 giải thưởng của 16 năm cầm máy của ông, có đến 72 giải quốc tế và hơn 600 lượt ảnh triển lãm ở 40 nước và vùng lãnh thổ. Trong đó, có nhiều giải thưởng danh giá như huy chương vàng FIAP của Liên đoàn Nhiếp ảnh Thế giới năm 2006 với bức ảnh Buổi sáng trên sông – 6, huy chương vàng PSA của Liên đoàn Nhiếp ảnh Mỹ vào tháng 10-2011 với bức Cái nhìn – 2. Riêng trong năm 2011, Lê Châu Đạo đạt cả thảy 37 giải thưởng, trong đó có 6 huy chương vàng.
“Đánh giá của ban tổ chức các cuộc thi lớn về những bức ảnh đạt giải của tôi chính là thể hiện một cách chân thực đời sống lao động”- nghệ sĩ Lê Châu Đạo cho biết. Phần lớn các bức ảnh của ông đều thể hiện một cách mộc mạc đời sống lao động của người dân. Theo Lê Châu Đạo, để thực hiện được những bức ảnh ưng ý, đôi khi ông phải thuê người mẫu nhưng là người mẫu… nông dân thực thụ, nhờ đó đã thể hiện được cái chân chất cần thiết, không bị giả tạo trong hành động của nhân vật.
Tác phẩm “Nhịp điệu trên đồng Cói” đạt huy chương vàng HOPA (2011)
Gần như toàn bộ những bức ảnh nghệ thuật của Lê Châu Đạo chỉ sử dụng ánh sáng tự nhiên, không nhờ đến các nguồn sáng phụ trợ. Nghệ sĩ Lê Châu Đạo kể có những bức ảnh ông phải tốn hàng tháng trời, cơm đùm, cơm nắm mang theo để tác nghiệp.
Nhiếp ảnh gia Lê Châu Đạo đang tác nghiệp
Gần đây, nghệ sĩ Lê Châu Đạo thử mình với chủ đề thân phận con người nhưng chưa thành công. “Đời sống lao động vẫn là chủ đề thành công nhất đối với tôi. Cũng đúng thôi, tôi từ ruộng mà lên, trước khi cầm máy, tôi đã quen với cầm cày nên mới hiểu và lột tả đến tận cùng nó được”- ông bộc bạch.
Chuyện tình cờ
Lê Châu Đạo sinh năm 1957 ở An Lĩnh, một xã miền núi khó khăn của huyện Tuy An – Phú Yên. Chỉ được học hết lớp 5, ông nghỉ ở nhà đi rẫy. Sau năm 1975, ông chuyển về sống ở xã An Cư, huyện Tuy An với nghề cày ruộng và làm thợ mộc.
Năm 1995, một người bà con Việt kiều từ Mỹ về chơi đã gạ bán cho ông chiếc máy Canon cơ cũ kỹ với giá 1 triệu đồng. Lần đầu tiên thấy cái máy ảnh, ông mê tít, góp tiền dành dụm, lén vợ mang 2 chỉ vàng đi bán để “tậu” cho bằng được cái máy ảnh. Được người thầy chụp hình dạo Võ Trung Thu ở cùng huyện bày vẽ mấy bài vỡ lòng về nhiếp ảnh, thế là Lê Châu Đạo có đi cày cũng “quẩy” theo cái máy ảnh để “tác nghiệp”. “Ngày đó, ổng quý cái máy ảnh còn hơn cả tui. Buổi tối, trước khi đi ngủ phải lau nó cẩn thận rồi cất trên đầu giường vì sợ trộm”- bà Phạm Thị Đó, vợ ông, nhớ lại.
Chơi ảnh nghệ thuật với Lê Châu Đạo là chuyện tình cờ. Võ vẽ học được mấy bài chụp hình trước đây, cũng biết cách canh thời khắc, chọn góc ảnh để chụp, biết chỉnh sáng, lấy tiêu cự nên ông mê mẩn khi nghe những ng
ười bạn ở cùng huyện như Dương Thanh Xuân, Kim Tuấn… nói chuyện ảnh nghệ thuật. Rồi ông tham gia, tự xác định là “để cho vui”.
Có được bức ảnh đẹp, ông phóng lớn chỉ dám treo ở phòng bếp để vợ chồng ngắm. Một vài người bạn phát hiện, “xúi” ông dự thi cho vui nhưng không ngờ đạt giải. Máu nghệ sĩ sôi lên trong ông từ đó. Đến ngủ, ông vẫn nằm mơ thấy đám mây bỗng nhiên vạch ra, để lộ ánh sáng buổi sớm chiếu nghiêng qua vai người thiếu nữ đang gánh cói trở về trong bức ảnh ông dự định thực hiện.