172 năm trước, thuở ban đầu phát minh kỹ thuật nhiếp ảnh, máy móc, ống kính, nguyên vật liệu bắt sáng, thiết bị buồng tối và phụ tùng còn thô sơ, đơn giản, đến nay nhiếp ảnh đã tiến những bước thật dài!
Kỹ thuật được tự động hóa hoàn toàn, hàng loạt máy chụp ảnh, in phóng ảnh tự động ra đời ồ ạt. Kỹ thuật điện tử và kỹ thuật số đã giúp nhiếp ảnh có mặt trong mọi sinh hoạt của con nguồi. Thao tác chụp một bức ảnh thật dễ dàng, ai cũng có thể chụp được, kỹ thuật đã có máy móc làm thay.
Trong lĩnh vực nhiếp ảnh sáng tác: tỷ lệ máy móc, phương tiện kỹ thuật và con người có thể 50/50, nhưng chính xác phần 50 nhỉnh hơn vẫn là con người. thực vậy, cá nhân nghệ sĩ sáng tác trải qua các công đoạn hình thành một bức ảnh nhằm thực hiện một ý thức sáng tạo nghệ thuật của riêng mình, thông qua việc mô tả đối tượng, hình tượng nghệ thuật. từ chỗ trước tiên chủ động tự hỏi “chụp cái gì?”, tức là chủ quan hình thành ý tưởng nghệ thuật để lựa chọn, “mượn” đối tượng – chủ đề từ hiện thực cuộc sống, khả dĩ có thể thể hiện ý tưởng nghệ thuật đó. Kế tiếp đó là việc tự do lựa chọn góc độ ưng ý để bố cục, lựa chọn ánh sáng để diễn tả cái bình trong cuộc sống thành cái phi thường của chủ đề tư tưởng trong tác phẩm; là lựa chọn, đợi chờ khoảnh khắc đỉnh điểm mang tính quyết định để bấm máy, sao cho ảnh cuối cùng trên khung ngắm trùng với hình tượng đã thai nghén, tư duy trong đầu. Nói cách khác, hình thức thể hiện này mang 2 tính chất: kể một câu chuyện theo chủ quan của tác giả và cái khách quan của đối tượng. lựa chọn điển hình từ cái cụ thể, tác giả mong muốn đạt đến một ý tưởng và thẩm mỹ rộng hơn, lớn hơn nhiều. Như vậy, ngay từ bước đầu trong quá trình sáng tác cho thấy tính quyết định của một tác phẩm là con người chứ không phải máy móc! Tuy nhiên không thể phủ nhận sự hỗ trợ tích cực của khoa học kỹ thuật trong sáng tác, giúp các tác giả hoàn thành nhiệm vụ sáng tạo nghệ thuật của mình.
Tác phẩm nghệ thuật có được từ cảm xúc thẩm mỹ và tài năng. Còn một bức ảnh thì chỉ cần kỹ năng là chụp được!
TP: Tập phát âm TG: Vi Vân
Ngay khi một nghệ sĩ sáng tác quyết định bấm máy là lúc tự thân trả lời câu hỏi trong khoảnh khắc phản xạ có điều kiện” “chụp cho ai?”
Chúng ta đã và đang đón nhận nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật của nhân loại, thụ hưởng những tinh hoa thời đại của con người, đồng thờ với nhu cầu giãi bày tâm tư, trình bày cái “tôi” và bổn phận công hiến cái hay, cái đẹp trở lại phục vụ công chúng thưởng lãm. Thoạt nhiên công chúng xem ảnh do nhu cầu nhận thức và nhu cầu thưởng thức thẩm mỹ, hơn thế nữa người xem còn có thể đồng cảm, sẻ chia cái tình – nội hàm của ảnh với tác giả. Bức ảnh nào thỏa mãn được các yếu tố đó là một tác phẩm nghệ thuật đích thực!
Sự thống nhất có được giữa nội dung khách quan và nội dung chủ quan trong một tác phẩm nhiếp ảnh là tất yếu. ở đó, nội dung khách quan được nhấn mạnh lên gấp nhiều lần, tạo rung động, tạo liên tưởng, diễn đạt thấu cái tâm, cái tình, thể hiện tầm nhìn và tài năng của tác giả. Do đó tính nhân văn – phầnvăn hóa cốt lõi của nghệ thuật, phần “hồn” của cái đẹp, là yếu tố duy nhất tạo sức sống và tuổi thọ cho một tác phẩm nghệ thuật
. 
0;
TP: Niềm hạnh phúc TG: Kim Chi
Một thí dụ nhỏ: Chân dung một bà lão người dân tộc thiểu số chằng chịt vết chân chim – dấu thờigian đan kín trên gương mặt xế bóng như bừng lên. lóa sáng cái thần của ánh mắt mở to, cái ánh mắt huyền bí đậm chất sơn cước, cái ánh mắt nai rừng ngơ ngác trước ánh sáng chói chang của hiện đại, trước những xa lạ của chốn thị thành đang từng ngày dấn bước vào buôn làng xa xôi…! Trong cuộc thi, hội đồng tuyển chọn cảm nhận được cái khách quan, cái độc đáo của chủ đề trong tác phẩm chân dung này nổi trội hơn so với những ảnh dự thi có cùng chủ đề; hơn thế, các giám khảo đã cùng tần số rung động với quyết định thời khắc bấm máy trong tâm thức, lý trí chủ quan của tác giả. Bởi lẽ, người bấm máy đã triệt để khai thác hiệu quả sức mạnh khoảnh khắc của bộ môn nhiếp ảnh – khoảnh khắc vĩnh viễn không lặp lại y hệt bao giờ, khoảnh khắc đã bóc trần được tâm tư mà tác giả gửi gắm vào tác phẩm, khoảnh khắc thể hiện rõ nét tính nhân văn của chủ đề trong tác phẩm! Đó là động lực để các giám khảo quyết định bỏ phiếu điểm của mình.
Có thể kết luận: Trên cả cái chân thật trong cuộc sống – được coi là đặc thù, ưu thế trong sáng tác của bộ môn nhiếp ảnh là đạo đức, đạo làm người, thể hiện ở sự thương yêu, quý trọng, bảo vệ các tuyệt phẩm trong cuộc sống mà tạo hóa đã ban cho chúng ta, là lòng nhân đạo, là tính nhân văn vậy!
Theo Đồng Đức Thành – TC ASĐ