Cuộc thi nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 6 tại Việt Nam (trao giải 26-11) vừa qua cho thấy sự dịch chuyển trọng tâm của nhiếp ảnh truyền thống. Những bức ảnh được trao giải cao nhất trong cuộc thi này cho thấy sự lên ngôi của kỹ thuật chỉnh sửa ảnh số và các phương pháp xử lý hậu kỳ. Những yếu tố căn bản của nhiếp ảnh truyền thống như bố cục, ánh sáng, đường nét; các yếu tố hỗ trợ như tính thời điểm, tính thời sự… có vẻ không được đánh giá cao như trước nữa.
“Siêu thực hóa” ảnh nghệ thuật?
Điểm khác biệt giữa một bức ảnh và một bức tranh đó là tính trung thực của hình ảnh. Anh có thể bóp méo hình bằng ống kính mắt cá, có thể thay đổi màu bằng kính lọc, hoặc chụp rất to một vật thể rất nhỏ bằng ống kính mắc-crô. Nhưng nhiếp ảnh gia truyền thống không có quyền cắt gọt tự nhiên, không có quyền sáng tạo bằng cách thêm bớt chi tiết. Điều đó hiển nhiên như cây phải mọc từ đất vậy. Nếu có một cái cây nào lơ lửng giữa trời cao, thì đó không phải là sự thực. Đó là siêu thực.
Ngày nay, ảnh được chụp hầu hết là ảnh kỹ thuật số. Có hàng ngàn cách để anh chế tạo một bức ảnh bằng các phần mềm máy tính. Vấn đề là bức ảnh đó có đáng xem không, truyền tải điều gì, đẹp gì?
Xu hướng mới “siêu thực hóa” nhiếp ảnh gây không ít trở ngại cho Ban tổ chức, lần này được tổ chức ở Việt Nam. Ban tổ chức đã mạnh dạn áp dụng phần mềm chuyên dụng để chấm giải. Nhưng theo như ông Vũ Quốc Khánh – Chủ tịch Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam khẳng định: “Mặc dù chấm bằng máy nhưng kết quả các giải cũng được sự thống nhất giữa các thành viên hội đồng giám khảo”. Điều này có thể hiểu, mặc dù chấm bằng máy đấy, nhưng ban giám khảo cũng đồng tình kết quả đó bằng nhận xét cảm quan của mình.
Vậy là hai giải vàng ở nội dung ảnh màu, là sự lựa chọn xác đáng từ 5.336 tác phẩm dự giải. Bức Tam tấu (tác giả Hà Văn Đông, Việt Nam) khá lạ mắt, có thể gọi là ảnh trong ảnh. Tác giả cố tình tạo ra một khoảng trống trong không gian giữa ảnh một và ảnh hai. Bố cục lệch, dị dạng (nếu đối chiếu bằng kiến thức đồ họa trong mỹ thuật). Bức thứ hai Hành tinh đang lên (Mi-khai-in Bôn-đa, U-crai-na) như được cắt ra từ một bộ phim khoa học viễn tưởng. Hai bức ảnh này, thông điệp truyền tải có thể lý giải theo nhiều cách tùy từng đối tượng thẩm mỹ. Song đứng ở góc độ đồ họa có thể tạm cho rằng ấn tượng, lạ mắt đối với người xem.
Tác phẩm “Ngày gặp mặt” (tác giả Phạm Vũ Dũng) đoạt huy chương đồng FIAP. |
Kỹ thuật nhiếp ảnh truyền thống đã đến giới hạn?
Vâng, điều đó đúng ít ra là trong khuôn khổ cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 6 này. Bởi những bức ảnh có phong cách của “máy ảnh cơ” và phim nhựa truyền thống đã được đánh giá thấp hơn hai bức ảnh “siêu thực”. Có thể thấy, ba bức ảnh giải bạc là Những cua-rơ (Le-ven-tem-rê, Hung-ga-ri), Yelena (I.Kê-rê-kê, Hung-ga-ri) và Sa Pa huyền ảo (Nguyễn Minh Được, Việt Nam) là những bức ảnh theo sát kỹ thuật của nghệ thuật nhiếp ảnh truyền thống. Có góc chụp đẹp, đường nét ánh sáng tốt, khoảnh khắc tốt. Các bức ảnh đoạt giải đồng, giải khuyến khích và các giải danh dự của khối ảnh đơn sắc đều theo phong cách này.
Chơi ảnh nghệ thuật là một thú vui tốn kém. Nếu ngày xưa, để có được những loại phim có độ nhạy sáng cao, người chụp phải đầu tư cực kỳ tốn kém. Và thực tế họ chỉ dám bấm máy trong những điều kiện ánh sáng mà thu được ảnh trung thực rõ nét nhất. Máy ảnh kỹ thuật số đã giải quyết được điều này. Người chụp có thể bấm máy thỏa thích mà không bị “cháy túi” vì mua phim. Nhưng dù máy ảnh kỹ thuật số có thể giải quyết được độ nhạy sáng của phim thì vẫn còn đó những khó khăn của độ mở chế quang, chất lượng thấu kính. Và cuộc đua ống kính đã được khởi động. Người ta đầu tư quá nhiều tiền cho những ống kính có độ mở lớn, hoặc đầu tư những máy ảnh có tốc độ chụp cao, bắt màu trung thực. Nhưng rốt cuộc, máy ảnh tốt không làm nên một nghệ sĩ nhiếp ảnh. Vấn đề còn lại phải là ý tưởng.
Khi nói đến hai từ “sáng tác” trong nhiếp ảnh, có rất nhiều người dị ứng. Sẽ có câu hỏi: Sáng tác gì? Chẳng qua là chộp lại, ghi lại những khoảnh khắc, đâu cần nhiều đến sự sáng tạo. Nói vậy thì thật thiệt thòi cho nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh đích thực. Họ cũng phải đi, phải quan sát, tìm những khuôn hình đẹp từ chất li
ệu là “dòng chảy cuộc sống”.
Sẽ như thế nào nếu hơi thở cuộc sống trong ảnh không còn được đánh giá cao nữa? Những thuộc tính cổ điển của nhiếp ảnh như: Hình ảnh trung thực, nắm bắt khoảnh khắc đắt giá, nắm bắt hình ảnh mới lạ, xúc động, ấn tượng, những cảnh đẹp của thiên nhiên, con người… tất cả sẽ không còn nữa?
Nếu thi thố để lấy giải, người ta sẽ chọn phương án ngồi bên máy tính, cắt ghép, nhào nặn những hình ảnh để cho ra những bức ảnh ấn tượng, siêu thực, kỳ dị. Nếu chỉ có vậy, xin thưa rằng nghệ thuật nhiếp ảnh sẽ mãi mãi tụt hậu, mãi mãi là cái đuôi của mỹ thuật tạo hình, và không bao giờ làm giỏi hơn công việc của nghệ thuật tạo hình. Và chúng ta sẽ chẳng còn thấy những tay săn ảnh, ngày ngày ngẩn ngơ xuất thần đi tìm cho mình góc hình đẹp, khoảnh khắc đẹp. Chúng ta chỉ còn có những kỹ sư công nghệ thông tin giỏi nghề cắt ghép, thao tác với các phần mềm đồ họa.
Xu hướng thẩm mỹ là do con người tạo ra. Mà trên hết, việc hướng công chúng tới những giá trị đích thực là công việc hết sức thiêng liêng của người nghệ sĩ.
Bài và ảnh: Đông Hà