Tác giả bài viết này là ông Michael Reichmann – nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp hơn 40 năm tuổi nghề. Hình ảnh ông xuất hiện trên nhiều tạp chí danh tiếng và là người viết nhiều bài về nhiếp ảnh rất có giá trị. Ông cũng là người thực hiện bộ đĩa DVD nổi tiếng về hành trình bằng phim “Video Journal” ghi lại nhật ký các địa danh. Đây là một trong những bài viết rất hay của tác giả.
Tác phẩm Xe tăng và Doanh trại. Nam Cực – Tháng Hai, 2007
Tôi được xem một phim tư liệu trên truyền hình trước đây, nói về một bộ lạc nằm ở thượng nguồn con sông Amazon vào những năm 1960. Họ gần như hoàn toàn không tiếp xúc với thế giới văn minh bên ngoài. Khi đoàn làm phim tư liệu quay lại ngôi làng lần thứ hai trong năm, họ chiếu cho người dân ở đây xem những cảnh quay đã thực hiện trong chuyến viếng thăm lần trước, bằng cách dùng máy chiếu và nguồn điện máy phát.
Ban đầu, không ai trong bộ lạc có thể hiểu họ đang xem những gì. Vì họ chưa bao giờ thấy các cảnh quang trên một mặt phẳng hai chiều. Ngay cả trong sinh hoạt văn hóa hằng ngày của họ, cũng không tồn tại khái niệm hội họa hay vẽ, thậm chí chưa hề hiện diện trong xã hội của họ. Vì vậy, khi xem trên màn ảnh, họ không thể nhận biết điều gì đang xảy ra. Cái họ thấy đơn giản chỉ là ánh sáng và màu sắc cũng như các hình dạng hay mô hình, chỉ có vậy.
Đó là lời giải thích của họ, lúc đầu khi xem phim. Sau 5-10 phút, họ bắt đầu nhận ra các hình ảnh, rồi thấy những sinh hoạt của con người bên trong và cuối cùng họ nhận ra họ và những người trong bộ lạc, và thốt lên “anh kìa, tôi nè”.
Điều này được gọi là “nhận thức hình ảnh ảo”, nó là một dạng ngôn ngữ. Giống như tất cả các ngôn ngữ của con người, chúng ta cần phải học mới hiểu. Hầu hết mọi người phải học điều này khi còn nhỏ, và bắt chước lại người khác một cách vô thức. Đó cũng là cách trẻ con, học cách nói chuyện từ chính cha mẹ của chúng một cách vô thức. Vì thế cùng là những trẻ em sinh ra, nhưng chúng nói những thứ tiếng khác nhau như: tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp hoặc bất kỳ ngôn ngữ nào mà cha mẹ chúng nói ở nhà.
Ngôn ngữ của nghệ thuật
Mỗi hình thức nghệ thuật đều có ngôn ngữ riêng của nó. Một số ít trong chúng ta có thể hiểu được nó khi tiếp xúc, một số khác thì am hiểu hơn, và những người còn lại thì không hiểu tí gì về nó, ngay cả khi nó hiện diện xung quanh chúng ta mỗi ngày trong cuộc sống.
Hãy lấy âm nhạc làm ví dụ. Tôi là một người rất yêu âm nhạc, đặc biệt các thể loại như nhạc blues, jazz, cổ điển và nhạc rock. Âm nhạc tràn ngập cuộc sống của tôi. Tôi nghe nó trên radio, trên CD, và cả máy nghe nhạc iPod, đôi khi đi xem các buổi hòa nhạc ở ngoài. Đó là cuộc sống âm nhac của tôi. Nhưng tôi chưa hề được đào tạo về âm nhạc. Thực sự là không có gì. Vì thế, tôi không thể đọc nốt nhạc in trên bìa đĩa CD, cũng như hiểu các thuật ngữ âm nhạc khi nghe giới thiệu trong các chương trình hòa nhạc, tôi không thực sự “nói ” bằng ngôn ngữ âm nhạc.
Khác với người được học cách chơi nhạc hay thậm chí với những người được đào tạo chuyên nghiệp trong nhạc viện, họ có thể xướng âm tốt một bản nhạc. Và khi nghe cùng một bản nhạc, tôi chỉ có thể nghe bằng kinh nghiệm, trong khi họ có thể hiểu và thưởng thức nó một cách sâu sắc.
Điều này không làm giảm đi tình yêu âm nhạc của tôi. Nó không có nghĩa là tôi đang thừa nhận một nhạc sĩ được đào tạo hoặc một ai đó có một nền tảng âm nhạc, sẽ có kinh nghiệm về âm nhạc (dĩ nhiên có thể hoặc không). Điều này minh chứng rằng nghệ thuật của âm nhạc có thể được tiếp cận và trải nghiệm theo nhiều các cấp độ khác nhau, tùy thuộc vào mức độ hiểu biết ngôn ngữ âm nhạc của từng người.
Một ví dụ khác là vở nhạc kịch opera. Tôi là một fan hâm mộ của các vở nhạc kịch opera, và thường xuyên đi nghe, đặc biệt khi đi du lịch. Mặc dù tôi hiểu một chút tiếng Đức, tiếng Pháp và một chút tiếng Ý, nhưng tôi chỉ có thể hiểu nhiều nhất vài ba từ trong bài hát được trình diễn trên sân khấu mà thôi, nhưng điều đó không làm mất đi sự thưởng thức của tôi. Đó là vì tôi đã biết được diễn biến của câu chuyện, nhưng với một vở kịch mới, tôi phải đọc trước khi buổi biểu diễn bắt đầu. Điều này có nghĩa rằng chúng ta cần có vài hiểu biết tối thiểu về “ngôn ngữ” opera.
Bởi vì thực tế có những điều tương tự như nhau, với khả năng nói chuyện vừa phải bằng tiếng Đức hoặc tiếng Pháp của mình, tôi có thể đi du lịch, liên hệ với tài xế taxi, tự gọi món trong nhà hàng và hỏi đường … Nhưng, tôi không thể nói những vấn đề phức tạp hơn bằng một trong hai thứ tiếng đó
Hội họa cũng có ngôn ngữ riêng của nó. Nếu một người không biết gì về bức tranh, sẽ rất khó để có thể nói “Đó là bức tranh đẹp” hay “Tôi thích nó”, hay “Tôi không muốn mua nó”. Các sáng tác trong các thời kỳ Phục hưng cũng như trong trào lưu nghệ thuật hiện đại – đã thay đổi ngôn ngữ hội họa, cũng giống như tiếng Anh đã thay đổi nhiều kể từ thời Shakespeare so với Hemingway hay Roth.
Vậy với nhiếp ảnh thì sao?
Tác phẩm “Maisel Windows”. Manaus, Brazil – April 2007
Ngôn ngữ Nhiếp ảnh
Nhiếp ảnh không khác với bất kỳ hình thức nghệ thuật nào, ở chỗ nó cũng có ngôn ngữ riêng biệt. Đó là ngôn ngữ được phát triển rất sớm từ thời có nghệ thuật tạo hình, sau đó tách ra thành ngôn ngữ riêng của nó. Điển hình như các tác phẩm ở cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ cuối 20, nhóm f/64, và sau đó là rất nhiều phong trào lớn nhỏ đã phát triển và chia thành nhiều nhánh
Nhìn vào một bức ảnh ngày nay ai cũng thấy có những ảnh hưởng nhất định, có thể do các nhiếp ảnh gia chủ tâm hoặc vô tình. Dù thế nào sự thật là tất cả các nhiếp ảnh gia và cả chúng ta đều vẫn đứng trong các bóng của mình, chứ không phải trên vai người khổng lồ.
Luận điểm của tôi là để trở thành một nhiếp ảnh gia, hoặc ít nhất không thuộc hàng ngũ những người chụp ảnh mèo khi thử lấy nét ở vô cực, chúng ta phải tập xem hình và xem thật nhiều hình, không ngăm và cũng không gặm lại. Học cách nhìn – nghiên cứu – suy ngẫm – xem xét – phân tích và đặt câu hỏi. Tại sao như vậy, và tại sao không. Tại sao tôi thích hình này, mà không phải hình kia. Tôi có thể nói lên những suy nghĩ và cảm xúc của tôi về những gì tôi đang xem?
Đến và xem các triển lãm tại các phòng trưng bày và bảo tàng là cách tốt nhất để làm điều này. kế đến là đọc sách, cách này thậm chí có thể tốt hơn cả trường hợp đầu tiên. Hình trên web chẳng giúp gì nhiều, thậm chí là tồi tệ nhất. Hình ảnh bị thu nhỏ, chất lượng kém, mờ và hiếm khi trình bày một cách mạch lạc. Thực tế, tôi muốn nói rằng hãy đọc nhiều sách nhiếp ảnh, những sách nói về công việc của những nhiếp ảnh gia hoặc tuyển tập theo từng chủ đề, đó là cách tốt nhất để trở thành một nhiếp ảnh gia.
Trong các buổi nói chuyện của tôi, một trong những câu hỏi tôi thường hỏi mọi người là có bao nhiêu cuốn sách nhiếp ảnh mà họ đang sở hữu. Đừng đọc các cuốn sách về Photoshop đại khái ”họ làm điều đó như thế nào” mà hãy đọc những cuốn sách thực sự nói về nhiếp ảnh. Tôi thường tìm thấy một sự tương quan trực tiếp giữa số người tham dự và chất lượng hình ảnh của họ. Không phải luôn luôn đúng, nhưng đủ để củng cố nhận định của tôi rằng: chú tâm xem những hình ảnh một cách có chủ đích để hiểu những gì họ diễn đạt là một cách để trở thành một nhiếp ảnh giỏi.
Cũng như một người, không thể học một ngôn ngữ mới, nếu như họ không thực hành nghe và nói thường xuyên, nhiếp ảnh cũng vậy. Bạn có muốn là một người luôn nhìn mọi thứ qua ống kính, thưởng thức những gì bạn thấy, nhưng lại không hiểu gì về nó, giống như cách tôi thưởng thức âm nhạc? Hoặc bạn có muốn trở thành một người có thể hiểu được ngôn ngữ nhiếp ảnh, để có thể lĩnh hội những điều mới.
HOPA (nguồn www.luminous-landscape.com dịch bởi vnolas)