Đối với nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Nẫm, những thành công nổi trội và cũng là những kỷ niệm ấn tượng nhất thuộc về những năm kháng chiến chống Mỹ, khi anh làm phóng viên ảnh của Phòng Cổ động – Triển lãm thuộc Ty Thông tin Hải Hưng…
Buổi tối hôm ấy, anh mở sẵn ống kính “phục” ở trận địa pháo cao xạ bến đò Triều Dương, đơn vị đón lõng máy bay Mỹ thường từ biển luồn theo triền sông Luộc, sông Hồng vào đánh phá khu vực Hà Nội để chụp bằng được máy bay Mỹ trúng đạn bốc cháy ban đêm. Vừa nghe kẻng báo động, anh đã bất ngờ ngã lăn xuống bờ công sự. Ục…òa! tiếng bom nổ gần. Bom Mỹ đánh trúng trận địa. May mắn anh ở đúng vị trí giữa miệng hố bom và khoảng loe của đất đá mà nó tung lên. Chỉ thiếu chút nữa thì cả người anh cũng sẽ bị hất tung lên hoặc bị những quầng đất vùi lấp.
Dẫu không chụp được ảnh máy bay bị bắn cháy, nhưng bức ảnh trận địa pháo phòng không anh hùng Triều Dương với những khuôn mặt kiên nghị của pháo thủ trẻ bên nòng pháo ngụy trang bây giờ còn lưu giữ ở bảo tàng và in trên nhiều sách, báo. Ảnh Hoàng Nẫm công bố trên báo chí và bày triển lãm đa phần không ghi tên tác giả.
Anh bảo, gia tài của hơn bốn mươi năm cầm máy ảnh của anh hiện nay phần lớn nằm ở Bảo tàng tỉnh Hưng Yên và Bảo tàng tỉnh Hải Dương, cả phim và ảnh. Tôi chợt phát hoảng khi nghĩ đến nguồn tư liệu vô cùng quý giá về giai đoạn lịch sử vẻ vang nhất ấy liệu vẫn còn, hay đã bị hư hại trước thử thách của thời gian? Anh chỉ tình cờ giữ riêng cho mình khoảng một trăm cuộn phim được bảo quản trong một cái hòm bằng tôn, vốn là cái hòm dùng đựng quần áo từ hồi ở Hải Dương. Mỗi cuộn phim được ghi chép đánh dấu một mảnh giấy, bỏ vào trong mấy cái hộp sắt nhỏ đặt trên những cục vôi để chống ẩm. Thỉnh thoảng có vịêc dùng đến mở ra in tráng, mấy chục năm rồi mà ảnh vẫn đẹp như mới. Nhưng tuổi đã thất thập rồi, không thể bảo quản kiểu thủ công lâu nữa. Anh đang lên danh mục để nhập tất cả vào CD, lưu giữ lâu bền.
Ảnh Hoàng Nẫm chủ yếu là ảnh thời sự – nghệ thuật. Sự kiện chính trị thời sự qua nhanh, chỉ trừ khi có ý nghĩa đặc biệt thì mới có giá trị lịch sử. Nhưng dấu ấn của khoảnh khắc thời sự mà được lưu lại bằng kỹ thuật ánh sáng một cách có nghệ thuật thì nó sẽ “đóng đinh” vào thời gian. ảnh của Hoàng Nẫm chứa đựng cả hai yếu tố: Thời sự và nghệ thuật. Người ta dễ nhận ra dấu ấn riêng của Hoàng Nẫm ở góc chụp với bố cục chuẩn xác, nước ảnh sáng sủa, trong trẻo, dẫu chỉ đóng khung một cảnh sắc nhưng sinh động có hồn.
Bức ảnh “Trên sân kho Gia Tân” của Hoàng Nẫm – Giải nhất cuộc thi ảnh thời sự Hội nhà báo Việt Nam 1971 – 1972
Có thể khẳng định rằng kho tư liệu ảnh của Hoàng Nẫm là những hình ảnh biết nói mang dấu ấn đậm nét có một không hai của thời kỳ lịch sử dồn dập những sự kiện và biến đổi từ giữa thế kỷ trước đến những năm đầu thế kỷ XXI này, trên địa bàn tỉnh Hải Dương trước đây và tỉnh Hưng Yên bây giờ. Ở địa phương anh đã được ghi nhận bằng giải Nhất giải Văn học – Nghệ thuật Côn Sơn (thời kỳ tỉnh Hải Hưng), giải Nhất giải thưởng Văn học – Nghệ thuật Phố Hiến (tỉnh Hưng Yên). Ở Trung ương, bạn bè giới nhiếp ảnh vẫn nhắc nhớ đến hai tác phẩm khẳng định vị trí của Hoàng Nẫm trong loại hình ảnh thời sự – nghệ thuật. Tác phẩm: “Trên sân kho Gia Tân” – giải Nhất cuộc thi ảnh thời sự của Hội Nhà báo Việt Nam hai năm 1971 – 1972.
Bức ảnh đánh dấu sự kiện năm đầu tiên tỉnh lúa Hải Hưng đạt năng suất trên 5 tấn một hécta. ảnh chụp cảnh xã viên đang d
ùng bàn trang tãi thóc ra phơi trên một sân kho khá rộng, mấp mô những đống thóc có ngọn. Buổi sáng nắng hè, bóng người cào thóc, bóng những đống thóc từ cận cảnh đến phía cuối sân hiện ra sáng nét, như có nhịp điệu – nhịp điệu phấn khởi của ngày mùa. Tác phẩm “Trên cánh đồng khoai tây” đoạt giải A cuộc thi ảnh thời sự báo Nhân Dân năm 1977. Bức ảnh cũng chỉ đơn giản ghi phong cảnh cánh đồng khoai tây vụ đông vào buổi sáng sớm với mấy người nông dân đang dùng gầu “mõm bò” múc nước tưới chống mốc sương cho khoai. Chỉ là cảnh làm ăn mà truyền cảm hứng phấn chấn về sự no đủ, thành công…
Tôi còn nhớ hồi đất nước mới thống nhất, chúng tôi cùng đi vào khu kinh tế mới của tỉnh ở vùng Tây Nguyên và Đồng Tháp Mười, vừa trở về thì anh Hoàng Nẫm lại được đích danh Bí thư Tỉnh ủy Ngô Duy Đông gọi đi tháp tùng chuyến công cán các tỉnh phía Nam. Không chỉ bạn bè đồng nghiệp quý mến, anh còn được các nhà lãnh đạo tỉnh rất tín nhiệm. Thời buổi kinh tế bao cấp với cơ chế xin – cho, có anh bạn họa sĩ chỉ vẽ bức chân dung cho một “sếp” đầu tỉnh mà “tranh thủ” luôn được phân phối một căn hộ chung cư hạng nhất hồi ấy, tiêu chuẩn của cán bộ trưởng, phó ngành. Anh Hoàng Nẫm không bao giờ lợi dụng quan hệ thân quen với ông này bà nọ để nhờ vả, mặc dù thường xuyên được các vị kén chọn chụp ảnh chân dung hay ảnh hoạt động để đăng báo, tuyên truyền. Mọi người nhờ vả cũng thế, anh chụp ảnh rồi tự tay in tráng tử tế, nhưng phần nhiều chỉ là làm kỷ niệm, không thì cũng chỉ lấy “đúng giá” tiền phim giấy đã mua. Vậy mà nhà anh đông người ở quê, đời sống bố mẹ, vợ con chỉ trông vào hai vụ gặt.
Giải nhất cuộc thi ảnh của Hội Nhà báo Việt Nam năm ấy là một cái đài Nhật Sony loại nhỏ bỏ túi. Mang phần thưởng về khoe với vợ con bạn bè rồi anh phải bí mật nhờ người bán cho một ông chăn vịt thả đồng ở huyện Nam Sách. Vì lương anh 50 đồng một tháng, mà cái đài bán được 250 đồng!
Thành công nhất của Hoàng Nẫm là ảnh thời sự – nghệ thuật, đặc biệt hơn, chủ yếu là ảnh đen trắng. Với người làm nghệ thuật, sự kiên trì một sở thích, “bảo thủ” một khuynh hướng nhiều khi lại tạo nên một giá trị khác biệt. Anh Hoàng Nẫm tự nhận mình thuộc phái nhiếp ảnh truyền thống, giữ gìn nguyên tắc sống còn của nhiếp ảnh là cái thật. Tất nhiên đã là nghệ thuật thì cái thật phải là thẩm mỹ, là cái đẹp. Anh không chạy theo tìm kiếm cái đẹp khác lạ của kỹ thuật, của màu mè mà vẫn cần mẫn, công phu tìm kiếm cái đẹp trong đời sống, trong tự nhiên, vẻ đẹp không “phù phép” trên máy tính mà là vẻ đẹp hiển hiện dưới ánh sáng mặt trời. Tìm thì có khi rất lâu, rất công phu, nhưng thấy chỉ trong giây lát. ấy là cái lúc tài năng và trực cảm bén nhạy của người nghệ sĩ bất ngờ thăng hoa với một chớp nháy lóe sáng của một lần bấm máy!
Mấy năm trước, Hoàng Nẫm xuất bản tập sách ảnh mang tên “ống kính và thời gian” tập hợp chọn lọc toàn là ảnh đen trắng mà anh tâm đắc. Có lẽ cũng hiếm có những ấn phẩm độc đáo như vậy. Những bức chân dung, những hình ảnh cuộc sống sinh hoạt, làm ăn đời thường nhưng mang đậm dấu ấn thời cuộc. Những bức ảnh như thế có thể khiêm nhường nằm im trong kho lưu trữ hay trên trang giấy, nhưng mỗi khi bất chợt gặp lại thì nó khiến ta bồi hồi, rung động bởi nó chứa đựng cả không gian và nhịp đập của đời sống một thời. Chỉ với hai sắc độ đen và trắng mà tạo được hiệu quả thông tin và thẩm mỹ, ảnh đen trắng quả là một thách thức của tài nghệ!
Quê gốc anh Hoàng Nẫm ở một làng ven sông Luộc, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ông cụ thân sinh có nghề vẽ ảnh truyền thần, một người tài hoa và phóng khoáng, đã xê dịch làm nghề rồi yêu người, yêu cảnh mà lập nghiệp ở làng Đồng Lý bên sông Cửu An la đà bóng nhãn thuộc huyện Kim Động, Hưng Yên. Từ một đơn vị thanh niên xung phong mở đường lên Tây Bắc trở về, anh Hoàng Nẫm theo nghiệp cha mở hiệu ảnh ở phố huyện Ân Thi. Năng khiếu phát lộ, anh được đặc cách tuyển vào biên chế cán bộ nhiếp ảnh của Sở Văn hóa. Anh làm quen với những nghệ sĩ tên tuổi của giới nhiếp ảnh từ một trại sáng tác, đi thực tế ở huyện Đan Phượng (Hà Tây cũ).
Những bức ảnh nghệ thuật đầu tay của Hoàng Nẫm được Tổng Thư ký Hội Đinh Đăng Định biểu dương và chọn để triển lãm. Anh tự tin, tự học trong thực tiễn, cần mẫn tạo dựng sự nghiệp. Anh không chỉ chăm lo cho mình mà còn nhiều năm chủ trì tổ chức xây dựng đội ngũ hội viên nhiếp ảnh của tỉnh với nhiều thành tựu được ghi nhận qua các cuộc liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực sông Hồng. Con trai anh hiện cũng là nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhưng khác với ông bố, anh có nhiều thành công và thiên hướng “sáng tác” ảnh màu nghệ thuật, một xu thế thời thượng
Carefully massage therapy a slim layer of the lotion onto the impacted skin and also surrounding areas, money amulet aktiválása making sure total protection.