Đó là lý do khiến nhiều bạn trẻ năng động đang tự tìm cho mình một hướng đi mới trên bước đường lập nghiệp và khẳng định bản thân.
Có vẻ như trở thành một ‘paparazi’ của ảnh viện áo cưới thời trang đang là một lựa chọn đúng đắn.
Đức Hollywood không phải là cái tên quá xa lạ trong làng chụp ảnh áo cưới thời trang. Lập nghiệp từ khi còn khá trẻ và đến nay, ‘thương hiệu’ này vẫn luôn là đề tài ‘hot’ trên các blog của các cặp tình nhân khi ‘mùa chim làm tổ’ đang ở giai đoạn cao trào.
Đức không quá trẻ, cũng chẳng phải là quá già, nhưng anh là đại diện cho một thế hệ đã tự tìm cho mình một hướng đi riêng bằng con đường đến với nghệ thuật khi mà điều kiện học hành chỉ cho anh đỗ đại học Bách khoa. Từ khi Phú Thành mang cơn lốc văn minh ảnh kỹ thuật số ào ạt tràn ra Hà Nội vào quãng cuối những năm 90, Đức – khi đó chỉ là một câu sinh viên mới tốt nghiệp khoa Hệ thống điện ĐH Bách khoa – đã nhanh chóng nghĩ đến việc cần phải thâm nhập vào ‘mảnh đất’ mới mẻ nhưng hứa hẹn khá nhiều tương lai kinh doanh này. Đức nhớ lại giai đoạn mình mới vào nghề: ‘Vốn có chút năng khiếu về mỹ thuật, hội họa tôi xin vào làm việc cho một hiệu ảnh với công việc của một anh thợ chuyên design ảnh cưới. Nhờ chút vốn liếng về Photoshop, cộng với một chút sáng tạo, tôi nhanh chóng kiếm được một khoản lương nhỏ đủ để trang trải cho cuộc sống của một cử nhân mới ra trường. Thế nhưng công việc này sau đó nhanh chóng trở nên bất đồng bởi những bức ảnh mà tôi có nhiệm vụ chỉnh sửa lại mắc quá nhiều lỗi do thợ chụp không có kinh nghiệm’. Vốn ưa sự cầu toàn nên nhìn những bức ảnh mắc lỗi không đáng có, Đức quyết định sắm máy để tự chụp theo ý riêng của mình.
Thay vì yêu cầu mua cho một chiếc xe máy làm phương tiện đi làm, Đức chỉ xin gia đình chu cấp cho một chiếc mấy ảnh KTS hiệu Olympus. Thế rồi tự mở hiệu ảnh riêng bằng cách kêu gọi anh em bạn bè góp vốn, góp máy móc, phương tiện rồi cùng nhau mày mò tự làm cho đến nay Đức đã trở thành một tay máy khá cứng. Bây giờ khi mốt chụp anh cưới đang trở nên thịnh hành thì những phó nháy tay ngang như Đức làm không hết việc. Một thợ ảnh chuyên chụp ảnh cưới nghệ thuật nếu có tay nghề khá có thể dễ dàng bỏ túi mỗi tháng khoản tiền tương đương 1.000 USD – Đức cho biết. Tuy nhiên, để có thể làm thợ chụp ảnh viện đòi hỏi phải có khá nhiều kỹ năng, đó là xử lý thuần thục kỹ thuật Photoshop, hiểu biết về tạo dáng, kỹ thuật nhiếp ảnh, xử lý ánh sáng, bố cục sao cho bức ảnh không có nhiều sự giả tạo.
Tương tự như Đức, Nguyễn Đại Hải – hiện làm cán bộ IT của Công ty lắp máy Lilama cũng chọn cho mình nghề tay trái bằng việc trở thành một thợ chụp ảnh viện. Quê ở thành ph
ố Bắc Ninh, nhưng khi nghe cậu em trai bàn đến việc mở cửa hàng áo cưới là ngay lập tức chàng trai này đã ủng hộ nhiệt tình bằng cách đi học thêm một khóa đào tạo nhiếp ảnh ngắn hạn tại ĐH Sân khấu Điện ảnh. Hải cho biết, hàng tuần cứ thứ 7 – Chủ nhật là anh lại nhảy xe buýt về quê để phụ giúp cậu em chụp ảnh cưới Studio cho các đôi tình nhân sắp nên vợ, nên chồng. Công việc không quá phức tạp, trong khi khoản thù lao cho một bộ album cưới lại khá hậu hĩnh, từ 4-7 triệu đồng. Nếu vào mùa, thậm chí không có sức mà chụp. Với một công chức Nhà nước thì khoản thu nhập trong chỉ trong vài ngày nghỉ cuối tuần này quả thật còn cao hơn cả lương tháng, vậy tại sao lại không tranh thủ khi mình có khả năng? – Hải nói. Tất nhiên, không phải bất cứ ai nâng máy ảnh lên là cũng có thể trở thành thợ chụp ảnh Studio chuyên nghiệp.
Để không phải nghe những lời phàn nàn của khách hàng khi làm hỏng bộ ảnh trọng đại nhất cuộc đời họ, những tay máy như Đức và Hải phải cập nhật thường xuyên trên Internet về xu hướng chụp ảnh nghệ thuật của nước ngoài. Cũng phải tốn kha khá kinh phí để mua những tạp chí chuyên về thời trang hay bỏ ra hàng giờ mỗi ngày tham gia những diễn đàn nhiếp ảnh. Hải tâm sự: Đó chính là những nơi các bạn trẻ muốn học nghề có thể tự tìm hiểu nếu yêu thích công việc này. Để có thể theo nghề, trước tiên bạn phải thực sự có tâm huyết với nhiếp ảnh, ngoài ra cần biết thêm những kỹ thuật máy tính, có sự cảm nhận đặc biệt với tạo hình và biết cảm nhận cái đẹp, vậy là bạn có thể thành công. Mỗi người có một sự lựa chọn để đến với sự nghiệp của mình không cứ bắt buộc phải theo học đại học. Tại sao không chọn cho mình công việc trở thành một ‘phó nháy’ của tình yêu?