Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị Ảnh: N.P |
Khi thế giới ngày càng phẳng, giao lưu văn hoá và hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng. Trong nghệ thuật, bên cạnh những thành trì về chủ nghĩa cổ điển, phục hưng, hiện đại, hậu hiện đại hay các trường phái, phong cách, hình thức biểu hiện của mỹ thuật, nhiếp ảnh được đúc rút từ xa xưa mang ý nghĩa kinh điển đã xuất hiện và khẳng định chỗ đứng với những xu hướng mới được xã hội từ dè dặt đến thận trọng đón nhận và tiếp nhận để làm khác, làm mới, làm thay đổi suy nghĩ, nhận thức, hành xử của xã hội với các loại hình nghệ thuật này, đặc biệt là của giới trẻ.
Vấn đề được đặt ra là xã hội Việt Nam nhìn nhận, quan niệm và ứng xử như thế nào với mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm của thế kỷ XXI, cái gì, sợi dây nào liên hệ giữa hiện tại và truyền thống? Quản lý các loại hình nghệ thuật mỹ thuật, nhiếp ảnh đã bắt kịp thực tế đã có sự thay đổi, thích ứng chưa? (Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn) |
Đó là xu hướng nghệ thuật không gian, bao gồm sắp đặt, biến đổi, trình diễn, sáng tạo không gian bằng mọi phương tiện chất liệu, và xu hướng high- tech, áp dụng kỹ thuật số, màn hình, đèn chiếu… vào các trò chơi nghệ thuật thị giác mới lạ, đặc trưng của xã hội trí tuệ và khoa học công nghệ trình độ cao.
Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm của thế kỷ XXI đã thay đổi về cả người sáng tác, thể hiện và công chúng. Tính chuyên nghiệp dường như được “xã hội hoá” và một số nhóm trong xã hội đã hình thành tính chuyên nghiệp trong sáng tác mà không phải là nghệ sĩ theo các nghĩ, cách hiểu trước kia. Công chúng cũng không chỉ là người xem mà giờ đây chính họ góp phần sáng tạo ra tác phẩm. Tác phẩm ngày nay đã xoá bỏ các bức tường bao quanh để đến với xã hội, với không gian, đóng góp vào diện mạo đô thị với công nghệ, quãng đời và sự thay đổi, thích ứng nhanh chóng. Tất cả đã biến đổi nhanh chóng, vận động theo quy luật của cuộc sống, thậm chí còn mang tới ánh sáng từ tương lai.
Đó là câu chuyện của thế giới, tuy nhiên trong thời buổi toàn cầu hoá, với nghệ thuật câu chuyện của thế giới chính là câu chuyện của Việt Nam. Vấn đề được đặt ra là xã hội Việt Nam nhìn nhận, quan niệm và ứng xử như thế nào với mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm của thế kỷ XXI, cái gì, sợi dây nào liên hệ giữa hiện tại và truyền thống? Quản lý các loại hình nghệ thuật mỹ thuật, nhiếp ảnh đã bắt kịp thực tế đã có sự thay đổi, thích ứng chưa?
Trước những biến đổi nhanh chóng của mỹ thuật, nhiếp ảnh trên thế giới, ở Việt Nam từ câu chuyện của thực tế thì lý luận chưa kịp để đúc rút, phê bình còn đang ngỡ ngàng tìm kiếm, trong khi nghệ thuật đến, đi không chờ ai, xã hội thì biết tiếp nhận, thậm chí ngờ vực, giới trẻ có phần mất phương hướng, còn quản lý chưa thực sự đổi mới.
Đổi mới đầu tiên phải bắt đầu từ tư duy, nhận thức của các nhà quản lý mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, khung pháp lý cho các lĩnh vực này phải được thiết kế phù hợp và cũng phải theo xu hướng mở để bắt kịp với thời cuộc.
Điều này đòi hỏi lý luận, phê bình phải đồng hành và tương hỗ với quản lý, đòi hỏi sự thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách nhìn về mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm theo xu hướng và tính tự thân của loại hình.
Đồng thời với dẫn hướng, quản lý cái mới trong mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm để góp phần tích cực vào đời sống văn học, nghệ thuật của nước nhà, tạo điều kiện để hình thành các tác phẩm lớn, đồng thời làm phong phú hơn tính thẩm mỹ của cá nhân và xã hội thích ứng với thời cuộc mà không kìm hãm sức sáng tạo, mà không làm mất đi nghệ thuật truyền thống… đòi hỏi khung pháp lý phù hợp và đặc biệt là thực tế quản lý thích ứng của mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm từ trung ương đến cơ sở.
Ba năm vừa qua là quãng thời gian chưa đủ để nhận diện một cách chân xác, đầy đủ sự đánh dấu mỹ thuật, nhiếp ảnh trong bức tranh chung của văn học, nghệ thuật nước nhà, lại càng khó có thể định vị mỹ thuật, nhiếp ảnh Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Với đời nghệ sĩ, khoảng thời gian đó cũng chưa đủ để định hình một phương pháp sáng tác. Với nền mỹ thuật, nhiếp ảnh nước nhà thì 3 năm cũng quá nhỏ nhoi về thước đo của sự đóng góp. 3 năm qua, cũng là khoảng thời gian mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm vận hành theo Chiến lược phát triển văn hoá Việt Nam đến năm 2020, tuy nhiên chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận, trong văn học, nghệ thuật nói chung và mỹ thuật, nhiếp ảnh nói riêng chưa có tác phẩm đỉnh cao.
Mặc dù, sự kiện Hà Nội 1000 năm tuổi là chủ đề lớn, là thời cơ hiếm có, là điều kiện thuận lợi đểchúng ta có thể hình thành những tác phẩm lớn, nhưng sự mong đợi vẫn còn là sự mong đợi. Ba năm qua lực lượng sáng tác mỹ thuật, nhiếp ảnh hiểu theo nghĩa rộng đã phát triển không ngừng, dường như ít dần sự phụ thuộc vào trình độ, nghề nghiệp đào tạo, giới tính, độ tuổi và đang phát triển những nhóm, câu lạc bộ luôn tìm mỹ thuật, nhiếp ảnh từ các góc độ đời thường của cuộc sống, trong đó giới trẻ đang thể hiện sự tiên phong.
Giờ đây và càng ngày mỹ thuật, nhiếp ảnh đã gõ cửa từng ngôi nhà, đến với từng cá nhân và biên giới đã dần bị xóa m
ờ, sự kỳ diệu đã được chắp cánh bởi công nghệ kỹ thuật số. Trong khi đó, ba năm qua công tác quản lý mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm của chúng ta vẫn đang xây dựng khung pháp lý và một số hoạt động sự kiện. Điều đó làm cho chúng ta – những người làm công tác quản lý mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm phải suy nghĩ.
Đã đến lúc chúng ta phải định vị công tác quản lý trong đời sống của mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm từ địa phương đến trung ương để chuẩn bị cho chặng đường sắp tới.
Nhiều tham luận gửi tới Hội nghị tổng kết công tác quản lý ngành Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm trong 3 năm (2008- 2011) đã thể hiện tâm tư của địa phương, của nhà sáng tác, người quản lý về lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm.
Đó là sự thiếu thốn không gian triển lãm phù hợp tại một số tỉnh: Khánh Hoà, Phú Thọ, Quảng Bình…; tình trạng sao chép tranh, phức tạp trong cấp phép, quản lý triển lãm và những diễn biến mới đòi hỏi sự điều chỉnh phù hợp tại các thành phố lớn; hay tình trạng xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng thiếu quy hoạch, vấn đề nổi lên của thể loại tượng tôn giáo…; đó cũng là những kinh nghiệm rất cụ thể của nhiều địa phương, như câu chuyện về cấp phép cho loại hình Graffiti đã phục hồi thể loại tranh vẽ trên đường phố dưới hình thức tự phát, có tính ngẫu hứng, ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh; có những trăn trở về sự xót xa cho thời gian và nội dung của truyền hình, quảng bá với các chương trình thuộc về nghệ thuật, triển lãm so với các loại thông tin khác, ta triển lãm cho ta xem; và không ít những đề xuất kiến nghị với các giải pháp cụ thể được nêu ra. Tựu trung, tất cả vì sự phát triển của mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm.
Trước thực trạng đó, chúng ta phải tự đặt ra và cùng đi tìm lời giải đáp cho những câu hỏi rất đáng suy nghĩ: Nếu các công trình tượng đài, tranh hoành tráng được thực hiện nhưng không có quy hoạch, hệ thống, các tượng đài tôn giáo xây dựng tự phát chưa có công cụ quản lý thì các thế hệ mai sau sẽ suy nghĩ gì về những dấu ấn do các bậc tiền nhân để lại. Nếu tình trạng vi phạm bản quyền, sao chép tranh tràn lan như hiện nay không có giải pháp hữu hiệu để hạn chế, liệu có được môi trường bình đẳng, kích thích sự sáng tạo, tìm tòi của các nghệ sĩ? Giới trẻ đang quan niệm và ứng xử như thế nào với mỹ thuật, nhiếp ảnh? Bắt đầu từ đâu, làm gì, làm như thế nào, quản lý ra sao để tập trung theo các định hướng đã được xác định trong Chiến lược phát triển văn hoá Việt Nam đến năm 2020?
Đồng thời với việc tập trung xác định nguyên nhân của những bất cập trong quản lý và định hướng sáng tạo mỹ thuật, nhiếp ảnh, chúng ta cần định vị được mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm Việt Nam, xác định hướng đi, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sắp tới của mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, đầu tư, hỗ trợ như thế nào để có những tác phẩm lớn phù hợp với thời cuộc, với các ưu tiên trọng tâm về mỹ thuật, nhiếp ảnh cho giới trẻ.
Với vai trò quan trọng của Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, cần sớm ban hành quy hoạch hệ thống tượng đài, hệ thống các thiết chế văn hoá phù hợp của mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm để làm tốt trọng trách là điểm hội tụ, lan toả, là cánh cửa của mỹ thuật, nhiếp ảnh Việt Nam đến với thế giới và từ thế giới vào Việt Nam.
Đổi mới tư duy quản lý mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, khẩn trương nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách mang tính đặc thù phù hợp để phát huy sức sáng tạo của mỹ thuật, nhiếp ảnh Việt Nam, với cách quản lý thích ứng trong thời kỳ đổi mới, hội nhập, công nghệ số để mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm tiếp tục là thành viên có trách nhiệm của đại gia đình văn học, nghệ thuật Việt Nam giàu truyền thống, góp phần đưa mỹ thuật và nhiếp ảnh Việt Nam phát triển ngang tầm khu vực và từng bước theo kịp các nước phát triển.
Bài viết của Ông Hồ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ VHTTDL