Khác với họa sĩ có thể tự do sáng tạo ra màu sắc của riêng mình, nhiếp ảnh gia chỉ có thể lựa chọn các màu sắc có sẵn để đưa vào trong bức ảnh.
Các sắc màu cơ bản
Khái niệm về các sắc màu cơ bản (các màu chính để tạo ra các màu khác) có từ rất lâu và thường bắt đầu từ các chất màu tinh khiết tìm thấy được trong thiên nhiên. Đến nay người ta thống nhất thành 2 hệ khác nhau, hệ ánh sáng trực tiếp có 3 màu cơ bản: đỏ – xanh dương – xanh lá cây và hệ ánh sáng phản chiếu có 3 màu cơ bản khác: đỏ – vàng – xanh dương.
3 màu cơ bản của ánh sáng trực tiếp (đỏ – xanh dương – xanh lá cây) được tạo ra bởi sự chiếu sáng trực tiếp (trên bộ cảm biến, màn hình), kết quả pha trộn lẫn nhau sẽ cho ra màu trắng.
3 màu cơ bản của áng sáng phản chiếu (đỏ – vàng – xanh dương) tạo ra bởi các chất màu in hoặc vẽ trên giấy, khi trộn lẫn với nhau sẽ ra màu đen, đây cũng là 3 màu cơ bản trong hội họa.
Trong hội họa, hầu như tất cả màu sắc được phát sinh ra bởi sự pha trộn từ 6 màu sau: 3 màu cơ bản (đỏ – vàng – xanh dương) và 3 màu thứ cấp bậc 2 (cam – xanh lá cây – tím) cộng với các màu trắng, đen hoặc xám. Vì nhiếp ảnh thừa hưởng các kiến thức từ hội họa nên ta sẽ lần lượt nghiên cứu các màu này. Trong thế giới xung quanh ta phần lớn các màu sắc là kết quả của ánh sáng phản chiếu, chỉ trừ các vật phát sáng trực tiếp như mặt trời, các loại đèn.
Độ bão hòa (saturation)
Các sắc màu “tinh khiết” hoàn toàn bão hòa, khi đó nó cho cường độ (màu) tối đa. Thực tế trong cuộc sống các màu ít khi nào hoàn toàn bão hòa, chúng “dơ” hơn, xỉn hơn, thậm chí độ bão hòa = 0 (màu trắng, xám hoặc đen), vì vậy các màu “tinh khiết” luôn được dùng làm trọng tâm của một bức hình nếu ta tìm được chúng trong thiên nhiên. Trong thực tế ta có thể làm giảm độ bão hòa của một màu bằng cách pha thêm màu trắng, đen, xám hoặc một màu bổ sung.
Thực tế, hiếm khi tìm được màu hoàn toàn bão hòa trong thiên nhiên, ngoài các loài hoa và một số sắc tố động vật, ngay cả bầu trời xanh không bão hòa như ta cảm nhận.
Độ sáng (luminate)
Cường độ sáng tối đa phụ thuộc vào sắc màu, màu vàng là màu sáng nhất, màu tím tối nhất. Độ sáng làm màu sắc sáng lên hay thẫm lại, màu trắng và đen là 2 thái cực. Nên nhớ là một cường độ sáng tương ứng với 1 sắc màu. Màu vàng chỉ tồn tại ở “tông” sáng. Màu đỏ trở thành màu hồng và mất đi các tính chất của nó nếu bị sáng quá. Màu xanh dương trái lại, phủ gần hết cường độ sáng (từ tối đến sáng ta vẫn cảm nhận được đó là màu xanh dương). Màu cam có đặc điểm gần giống màu vàng và màu xanh lá cây gần giống màu xanh dương. Còn màu tím là khó chịu nhất, nếu sáng lên một chút nó trở thành màu cây oải hương – xanh nhạt hơi pha đỏ, còn thẫm hơn nó tiến gần màu xanh dương đậm.
Cường độ sáng trong nhiếp ảnh phụ thuộc vào sự đo sáng (exposure), bằng cách thay đổi nó ta sẽ rút ra được các hiệu quả khác nhau về màu sắc. Cường độ sáng thay đổi tùy theo sắc màu, màu vàng luôn sáng, khi làm tối lại nó trờ thành màu vàng đất, trong khi màu tím luôn luôn tối, nếu sáng lên nó trở thành màu tái, ta cũng thấy rằng màu vàng bão hòa sáng hơn màu tím bão hòa nhiều
Giảm sáng một chút giúp tăng các sắc màu, nếu ta giảm sáng nhiều sẽ làm cho chúng tối lại và trở thành đen, ngược lại nếu tăng sáng quá đà sẽ làm mất đi các đặc điểm màu sắc, làm chúng trở thành “tái”
Màu sắc của vật
Bản thân các vật xung quanh ta không có màu sắc, khi các sóng ánh sáng chiếu vào một vật thì tùy vào tính chất của vật liệu mà nó có các tác động khác nhau. Các sóng ánh sáng có thể bị các vật (tùy cấu tạo) hấp thu hay phản chiếu lại. Nếu vật liệu hấp thu hết các sóng ánh sáng ta sẽ thấy màu đen, phản chiếu lại hết sẽ cho ra màu trắng, còn phản chiếu một đoạn thì ta sẽ thấy vật có màu của bước sóng đó. Ví dụ trong hình dưới đây, ta sẽ thấy vật màu đỏ cam vì nó phản xạ lại nhiều nhất các sóng màu đỏ và vàng.
Màu đỏ
Về thị giác, màu đỏ là một trong những màu được chuộng nhất, có khả năng lôi kéo người xem ngay lập tức. Nếu đặt cạnh các màu lạnh hơn (xanh lá, xanh dương), màu đỏ sẽ kéo người xem, tạo hiệu quả “không gian” tr
ong bức hình. Nó cũng là màu chứa năng lượng nhiều nhất và tạo nên một sự “rung động” rất mạnh khi đặt gần các màu khác. Trong khi màu vàng sáng “trong suốt”, màu đỏ lại tương đối “đậm đặc”.
Màu vàng tỏa ra ánh sáng còn màu đỏ toát ra năng lượng. Về cảm xúc, màu đỏ cho cảm giác sống, mạnh mẽ, nóng bỏng, đam mê. Nó cũng là tượng trưng cho quyền lực, sự hung tàn, nguy hiểm, cấm đoán. Màu đỏ được dùng nhiều trong nền văn hóa Á Đông, trong đó có cả Việt Nam.
Màu vàng
Màu vàng là màu sáng nhất trong các màu và đó cũng chính là tính chất đặc biệt nhất của màu này. Màu vàng tối không tồn tại, khi bị trộn với màu đen thì màu vàng không còn là màu vàng nữa. Màu vàng chỉ sáng thua màu trắng, vì thế ta thường nhìn thấy màu vàng trên nền màu sẫm hơn. Màu vàng thường rực lên trong các bức ảnh, đó là lý do khó phối sáng màu vàng với các màu khác.
Tất cả các màu đều thay đổi tính chất khi đặc cạnh nhau nhưng màu vàng đặc biệt “nhạy cảm”. Hình dưới đây cho thấy màu vàng rất “mãnh liệt” khi đặt kế màu đen song lại khá nhạt nhẽo khi đứng cùng màu trắng.
Màu vàng thể hiện sự chói lọi, mạnh mẽ, sự vui vẻ và ánh sáng. Màu vàng cũng đóng vai trò quan trọng khi nó tái hơn và ít bão hòa hơn, thường do ánh vàng của nắng buổi sáng và chiều, màu vàng rực hơn khi khí quyển có bụi mù.
Màu xanh dương
Đây là một màu tĩnh lặng, tối và rất lạnh. Nó rất phổ biến trong nhiếp ảnh và có nhiều biến tướng khác nhau. Về thị giác, màu xanh lùi ra xa và cho cảm giác thanh bình hơn màu đỏ rất nhiều, là màu tối nhất trong 3 màu cơ bản, khá mạnh mẽ khi thẫm lại. Ta có thể cảm nhận được màu xanh dương khi nó tươi và tinh khiết.
Màu xanh bão hòa là màu dễ tìm thấy nhất, như bầu trời khi không có mây. Nước có tính hấp thụ theo độ sâu, vì vậy mặt nước thường có màu xanh lá cây chuyển dần sang xanh dương.
Màu xanh lá cây
Bất kể liên kết với các biểu tượng tốt, một bức ảnh nếu có một “tông” toàn bộ xanh lá lại được coi là ít hấp dẫn lôi cuốn, đôi khi liên hệ vớ sự thối rữa, ẩm mốc.
Màu xanh là màu mắt người nhạy nhất và ta có thể phân biệt được rất nhiều màu xanh lá khác nhau, tùy theo ngả sang phía màu xanh dương hay màu vàng mà màu xanh lá mang những đặc tính rất khác nhau. Là màu của thiên nhiên nên màu xanh cho ra liên tưởng và biểu tượng tốt lành, tươi trẻ, tự nhiên.
Màu tím
Là sự phối hợp giữa màu xanh dương và màu đỏ, rất khó nắm bắt. Không nhiều người phân biệt được màu tím tinh khiết. Màu tím nguyên chất rất tốt, nếu sáng quá nó sẽ trở thành màu hoa oải hương, sẫm hơn lại nhầm thành màu xanh dương đen, hơi ngả sang màu đỏ thành màu đỏ tươi (magenta), bớt chút đỏ lại thành xanh dương. Vì thế màu tím gây cản trở trong nhiếp ảnh và in ấn.
Màu tím là biểu tượng của sự xa hoa, bí ẩn, bao la, gợi nên “linh tính” và một thế giới xa lạ. Vì thế màu tím được dùng nhiều trong tôn giáo. Màu tím khó tìm thấy trong tự nhiên. Tùy theo ánh sáng mà một bông hoa tím có lúc nhạt lúc đậm do sự trộn lẫn màu của ánh sáng và bầu trời.
Màu cam
Màu cam là một màu rực rỡ, nó được liên hệ chặt chẽ với ánh sáng do sự đốt nóng. Được pha trộn từ màu đỏ và vàng nên nó cũng mang một số tính chất của 2 màu đó. Màu cam rất sáng mà mạnh khi nguyên chất, khi sáng lên nó trở thành màu be, sẫm xuống trở thành màu “maron”. Màu cam là màu của sức nóng và khô cằn.
Màu đen
Màu đen không có ánh sáng và tông màu, trong nhiếp ảnh màu đen được tạo ra bằng cách giảm sáng. Màu đen tinh khiết không chứa một chi tiết nào song nó rất quan trọng cho mật độ và sự phong phú của bức ảnh. Màu đen rất cần thiết để tạo sự tương phản với các màu khác. Màu đen thường được dùng làm nền, tả hình thể đường nét (ngược sáng) hoặc để chấm phá.
Màu đen thường phải có trong ảnh để làm chỗ dựa cho các tông màu khác. Một số bức ảnh không cần màu đen khi muốn thể hiện sự tinh tế nhẹ nhàng cho các tông màu (như cảnh sương mù). Thừa sáng, độ tương phản yếu hay sai lầm trong xử lý ảnh kỹ thuật số là “kẻ thù” của màu đen. Màu đen cho liên hệ với tính trung dung. Nó cũng gắn liền với sự giàu có và thanh lịch.
Màu trắng
Về lý thuyết, màu trắng không màu và không có tông, thế nhưng thực tế màu trắng lại là màu tinh tế nhất, nó đóng vai trò quan trọng trong hầu hết tất cả các ảnh. Ngay cả trong một vật hoàn toàn đen cũng cần các sắc sáng và sự lồi lõm để có thể định dạng được.
Một bức ảnh trắng cũng cần có sự biến chuyển của sắc xám nhẹ để tạo hình. Rất ít khi màu trắng hoàn toàn trung tính. Khi chụp màu trắng cần đo sáng cẩn thận, nhất là khi chụp bằng máy kỹ thuật số. Màu trắng trung tính và thường làm biểu tượng cho sự tinh khiết, liên tưởng tới sự xa vời hay thậm chí là vô cực.
Màu xám
Màu xám tinh khiết là bản chất của sự trung tính, nó chiếm hết cảm giác của người xem về các màu sắc tùy theo tỉ lệ không gian mà nó chiếm, nó cũng làm nền để hiện các màu sắc tinh tế.
Màu xám đóng vai trò quan trọng trong sự đo sáng. Sự tăng sáng của màu đen và giảm sáng của màu trắng cho ra các sắc thái xám khác nhau nên số lượng màu xám là vô tận. Màu xám làm liên tưởng đến sự nặng nề, cơ học máy móc, màu xám – xanh dương diễn tả sự lạnh lẽo, màu xám – đỏ lại cho cảm giác nóng. Là màu của đá nên màu xám gắn bó với sự vững chắc và trọng lượng.
HOPA (theo Hồng Nhung tổng hợp – ictnews)