Nữ phóng viên nhiếp ảnh tiên phong Mỹ – Eve Arnold, nổi tiếng với những bức ảnh chụp huyền thoại điện ảnh Marilyn Monroe, đã qua đời trong khi đang ngủ tại một nhà dưỡng lão ở London (Anh) sau 99 năm sống trên dương thế.
Arnold làm nên tên tuổi với những bức ảnh chụp nhiều hạng người, người giàu, người nổi tiếng và cả những người nghèo, không tên tuổi. Năm 1978, bà từng viết: “Những bức ảnh của tôi phản ánh nền tảng và giáo dục của mình. Tôi từng nghèo khổ nên tôi muốn ghi lại cảnh đói nghèo bằng hình ảnh. Tôi đã bị mất một đứa con và từng bị ám ảnh với chuyện sinh nở. Tôi quan tâm tới chính trị và muốn biết nó ảnh hưởng tới cuộc sống của chúng ta như thế nào. Tôi là một phụ nữ và tôi muốn biết về phụ nữ”.
Sự nghiệp phóng viên nhiếp ảnh của Arnold trải dài hơn 40 năm. Bà là một trong những nhân vật ngoan cường nhất của nền nhiếp ảnh hiện đại, là thành viên nữ người Mỹ đầu tiên của hãng ảnh Magnum, là một “người lữ hành” không biết mệt mỏi, có đôi mắt tinh tường.
33 tuổi mới tình cờ cầm máy
Giống như nhiều người trong thế hệ của bà, Arnorl trở thành một nhiếp ảnh gia hết sức ngẫu nhiên. Là con gái của một cặp vợ chồng người Nga gốc Do Thái di cư, bà sinh năm 1912 và trưởng thành ở Philadelphia. Bà định theo học ngành y và từng cân nhắc theo đuổi sự nghiệp của một vũ công, nhưng trong Thế chiến II, một người bạn đã tặng bà chiếc máy ảnh Rolleicord trị giá 40 USD làm quà.
Ở tuổi 38, Arnold bắt đầu tập chụp ảnh. Với chiếc máy ảnh trong tay, Arnold đi khắp các đường phố New York và bị nhịp sống của thành phố mê hoặc. “Chụp các bức ảnh về New York đã giúp tôi học hỏi được rất nhiều” – Arnold từng chia sẻ.
Năm 1947, Arnold theo học lớp nhiếp ảnh của Alexey Brodovitch tại trường Nghiên cứu Xã hội và bắt đầu làm những tiểu luận bằng ảnh, trong đó khảo sát cuộc sống hằng ngày của New York. Rất lâu trước đó, bà đã bán câu chuyện bằng ảnh đầu tiên – những hình ảnh ghi lại một màn trình diễn thời trang của người da màu ở Harlem – cho tạp chí Picture Post.
Năm 1951, Arnold trở thành cộng tác viên của hãng ảnh Magnum, do các huyền thoại nhiếp ảnh Henri Cartier-Bresson và Robert Capa sáng lập, và năm 1957 trở thành thành viên chính thức. Trong cuốn hồi ký Eve Arnold: In Retrospect xuất bản năm 1995, bà viết: “Tôi bị ám ảnh với những bức ảnh của hãng Magnum, đặc biệt là những bức ảnh của Cartier-Bresson, chúng dạy cho tôi cách kể cả một câu chuyện chỉ trong một bức ảnh”.
Hình ảnh huyền thoại điện ảnh Marilyn Monroe qua ống kính của nhiếp ảnh gia Eve Arnold
Ánh hào quang Hollywood
Giữa những năm 1950, Arnold bắt đầu tới Hollywood để tìm hiểu cuộc sống hậu trường của giới nghệ sĩ. Trong nhiều cuốn sách, trong đó có Eve Arnold: Film Journal (2001), bà viết về những trải nghiệm của mình ở Hollywood.
Trong số những bức ảnh nổi tiếng nhất của bà có những tấm hình chụp Marilyn Monroe rất chân phương. Tại trường quay bộ phim The Misfits (1960), Arnold còn ghi lại tình trạng căng thẳng giữa Monroe và nhà soạn kịch Arthur Miller, lúc đó là chồng Monroe và là tác giả kịch bản phim The Misfits. Một bức ảnh chụp họ đứng ở ngoài hiên, trông cứ như thể họ vừa có một cuộc cãi vã ngắn. Nhiều bức ảnh khác lại bộc lộ rõ khía cạnh dễ bị tổn thương của Monroe trong vẻ ngoài “hào nhoáng”.
“Monroe thích những bức ảnh của tôi vì nhận thấy chúng thật hơn những bức ảnh chân dung chụp trong các studio mà Hollywood vẫn sử dụng” – Arnold viết về Monroe trong cuốn Film Journal.
Năm 1987, bà còn xuất bản cuốn Marilyn Monroe: An Appreciation và Marilyn For Ever. Trong nhiều thập kỷ, bà liên tục tổ chức triển lãm và bán các hình ảnh chụp Monroe.
Nhưng trong sự nghiệp của bà, một trong những nhiệm vụ thách thức nhất là thực hiện một tiểu luận ảnh về nhà lãnh đạo Hồi giáo da màu Malcolm X, vào đầu những năm 1960. Bà là người da trắng duy nhất được phép tham dự các cuộc mít tinh của người da màu Hồi giáo. Trong bài tiểu luận được đăng tải trên tạp chí Life năm 1962, bà mô tả việc mình bị nhổ nước bọt vào người như thế nào hay lưng áo đầy những vết cháy xém do bị đầu mẩu thuốc lá vứt vào.
Đi khắp thế giới để chụp ảnh
Trong thập kỷ 60 của thế kỷ trước, Arnold cảm thấy cuộc sống ở Mỹ bị xáo trộn bởi những sự bất đồng về xã hội và nạn phân biệt chủng tộc. Năm 1961, sau khi ly hôn đã lâu, bà cùng con trai tới London và quyết định sống ở đây vì yêu thích không khí của thành phố này.
Trong năm đó, Arnold trở thành phóng viên ảnh hợp đồng của tạp chí London Sunday Times. Sau nhiều năm chụp ảnh đen trắng, bà phải học cách làm việc với màu sắc để thích ứng được với thời cuộc. Một trong những câu chuyện ảnh nổi tiếng nhất của bà dành cho tạp chí này là những bức ảnh chụp trong hậu cung ở Dubai và các Tiểu vương quốc A Rập hồi đầu những năm 1970. Phóng sự ảnh đó đã khiến bà trở thành nhân vật chính trong bộ phim tài liệu truyền hình Behind The Veil của BBC.
Tuy bị ám ảnh về chuyện sinh nở, nhưng Arnold lại luôn chớp những hình ảnh về phụ nữ và trẻ em bất cứ khi nào có thể. Năm 1973, ở Zululand, Nam Phi, bà chụp cảnh những người phụ nữ có thai ngồi xếp hàng dài chờ bác sĩ. Hay trong chuyến đi tới Trung Quốc năm 1979, bà đã chụp ảnh những đứa trẻ chập chững biết đi trong nhà trẻ của một nhà máy sợi. Những tấm hình đó được đưa vào cuốn In China mà Arnold xuất bản năm 1980. Cuốn sách này đã đoạt giải thưởng Sách Quốc gia.
Ở tuổi ngoại thất thập, bà vẫn mải miết làm việc. Trong những năm đầu 1980, Arnold đi khắp thế giới chụp ảnh cho một serie sách, trong đó phản ánh quan điểm cá nhân của bà về xã hội hiện đại. Năm 1980, Arnold tổ chức triển lãm ảnh solo lớn đầu tiên tại bảo tàng Brooklyn. Năm 1983, bà hoàn thành cuốn In America, gồm những bức ảnh chụp các tù nhân đang dọn rác gần đường tàu hỏa ở Texas hay những người đang ngồi chơi cờ tại một sảnh ngoài trời ở Chicago.
Đi vào huyền thoại
Mặc dù đã nổi tiếng ở Anh qua triển lãm ảnh tại Phòng trưng bày chân dung Quốc gia năm 1991, nhưng đến năm 1995 Arnold mới trở thành nhân vật được sùng bái của làng nhiếp ảnh khi bà tổ chức triển lãm lớn tại Phòng trưng bày Barbican ở London. Người hâm mộ đã xếp hạng nhiều giờ để vào xem triển lãm. Họ thích sự ấm áp và tính nhân văn trong những bức ảnh của bà. Thông qua ống kính của bà, họ được thấy một thế giới thật trong sáng và đầy sức mê hoặc. Cả giới phê bình và công chúng đều cảm kích khi xem những hình ảnh đầy lôi cuốn mà người phụ nữ nhỏ bé đã đi khắp thế giới này ghi lại.
Đối với Arnold, nhiếp ảnh là những cửa sổ đưa bà đến với thế giới, qua đó bà có thể nhìn ngắm mọi thứ với sự hiếu kỳ và đam mê. “Điều gì đã lôi kéo tôi trong nhiều thập kỷ? Đó chính là tính hiếu kỳ” – Arnold viết trong cuốn hồi ký.
Một số tác phẩm nổi tiếng của Eve Arnorld:
Bức chân dung nổi tiếng chụp Nữ hoàng Elizabeth II mỉm cười ngước nhìn bầu trời trong một ngày ảm đạm
Khoảnh khắc ngọt ngào cuối cùng trước khi Marilyn Monroe và Arthur Miller ly hôn
Marilyn Monroe là nhân vật xuất hiện nhiều nhất trong những bức ảnh chân dung của Eve Arnold
Đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy và con gái tại Nhà Trắng
Cuộc gặp gỡ lịch sử giữa “bà đầm thép” Margaret Thatcher và Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi tại Anh năm 1978
Nguồn: Telegraph
Theo Việt Lâm (thethao&vanhoa)