Cảng Sài Gòn xưa (năm 1890) |
(TT&VH Cuối tuần) – Lần đầu tiên, những bức ảnh tư liệu quý về một Sài Gòn hơn 100 năm trước (từ 1860-1909) nằm trong một sưu tập tư nhân được ra mắt công chúng trong dịp 30 tháng Tư này.
Từ một duyên may…
“Tôi ngồi hàng đêm ngắm những bức ảnh Sài Gòn cổ – nơi mình đã háo hức tới lập nghiệp ngày mới ra trường”, kiến trúc sư Đoàn Bắc nói về việc sưu tập ảnh Hòn ngọc Viễn Đông thuở nào. “Tôi đi tàu hỏa vào làm việc ở TP.HCM ngay sau khi bảo vệ xong đồ án tốt nghiệp đại học (cũng là phương án thiết kế một khu chung cư ở thành phố này) theo lời mời của một người bạn sống ở trong đó”, kiến trúc sư Đoàn Bắc nhớ lại. “Những năm đó, TP.HCM thiếu kỹ sư xây dựng lắm nên mặc dù là kiến trúc sư nhưng tôi lại đi ra quản lý thi công ở công trường xây dựng. Công việc ấy giúp bổ sung thêm kinh nghiệm thực tế cho việc thiết kế sau này”.Cũng có duyên may sống ở nhà bà con trong một ngôi biệt thự cũ trên đường Tú Xương tại khu trung tâm quận 3, hết giờ làm Đoàn Bắc lại có dịp “loanh quanh” với những khu nhà cổ – những di sản kiến trúc của Sài Gòn.“Hồi ở Sài Gòn sau giờ làm thỉnh thoảng tôi hay đàm đạo với người ông họ của tôi, là người Hà Nội gốc, đang sống ở trong đó. Cụ là người luôn luôn nhớ Hà Nội, nhưng lúc nào cũng thèm Sài Gòn. Những cuộc đi về giữa hai thành phố của ông do đó cứ liên miên. Có điều, năng động là thế, ông vẫn giữ giọng Bắc – coi đó như bản sắc cần giữ giữa lòng một thành phố năng động hơn người. Ba năm sau, tôi rời TP.HCM, mang trong mình lòng yêu mến thành phố đầy nhiệt huyết ấy. Lòng yêu còn đến tận bây giờ”, Đoàn Bắc kể lại. Từ ký ức Hà Nội đến thuở ban đầu Sài GònLòng yêu ấy đã khiến anh không bỏ qua cơ hội sưu tập ảnh Sài Gòn trên mạng. Nó cũng còn được nuôi dưỡng bằng sự ủng hộ của những người từng xem Đoàn Bắc thực hiện bộ ảnh Ký ức Hà Nội. “Sau triển lãm ảnh cổ Hà Nội tôi đã nhận được thêm nhiều nguồn tư liệu và sự động viên của công chúng trong và ngoài nước. Nhiều cụ già đã nói với tôi “cháu đã có định mệnh giao phó để làm việc này đấy”, Bắc chia sẻ.Trong số nhiều người “bỏ vốn” cho Bắc làm bộ sưu tập ảnh Hà Nội có Nhà giáo Ưu tú Vũ Thế Khôi (con trai cụ Vũ Đình Hòe), cũng là thầy giáo cũ của anh. Vợ chồng ông bà Pierre và Claude Sadoul (Pháp) – người đã góp tặng rất nhiều ảnh chụp Hà Nội của ông nội mình – giờ cũng gửi ảnh Sài Gòn cho anh.“Tôi đã phục chế và sẽ công bố một số bức ảnh về Sài Gòn từ 1860 – 1909 để cho công chúng được chiêm ngưỡng trong dịp 30/4 này, trên trang web http://kyuc.vn”, Đoàn Bắc thông báo. “Đây cũng là một cách để tôi tri ân với người dân và các bạn bè ở TP.HCM, nơi tôi từng sống những ngày nhiệt huyết của sinh viên mới tốt nghiệp. Cũng là tri ân những người đã hết lòng giúp đỡ tôi khi đang phục chế ảnh về Hà Nội”.Bộ ảnh về Sài Gòn của Đoàn Bắc hiện khoảng 500 ảnh (từ 1945 trở về trước). Theo anh, nhiều ảnh trong số đó chưa từng được công bố rộng rãi ở Việt Nam. Tuy nhiên, số lượng ảnh này cũng hoàn toàn có thể tăng lên và mở rộng về cung thời gian (tới năm 1954) như Bắc đã làm với Hà Nội.“Điều thích thú nhất khi tôi sưu tầm để công bố các bức ảnh cổ về Hà Nội, Sài Gòn là được xem các bức ảnh cổ với chất lượng cao nhất có thể trên màn hình tivi LCD độ nét cao”, Bắc nói về cảm giác ấn tượng khi phục chế bộ ảnh. “Khi tôi phục chế xong ảnh trên laptop rồi đưa ra màn hình thì thấy nó thật sống động và tuyệt vời làm sao. Cả không gian và thời gian của quá khứ như ùa về trong tâm trí người xem”.Cũng chính vì thế, Bắc phân biệt được rất rõ “tinh thần” không gian của Hà Nội và Sài Gòn. Anh nói: “Những bức ảnh cổ của Sài Gòn hơi khác Hà Nội. Mục đích khi công bố chúng không phải để níu kéo cái cũ mà để thấy ngày xưa đã như thế nào thì ngày nay phải ra sao. Vì thế tôi định công bố tên của bộ ảnh cổ này nếu thực hiện được là Thuở ban đầu của Hòn ngọc Viễn Đông chứ không phải là Ký ức Sài Gòn xưa như đã làm với Hà Nội.Mặc dù vậy, cho đến nay, Đoàn Bắc chưa có ý định công bố bộ ảnh Thuở ban đầu của Hòn ngọc Viễn Đông này dưới dạng in trên pano như đã làm với bộ Ký ức Hà Nội.
Lý do, như anh nói là: “Rất tiếc gần 6 tháng sau khi công bố phần đầu của bộ sưu tập ảnh Hà Nội (sau 1831-1954) kho tư liệu này chưa được sự quan tâm thích đáng của các cơ quan và chính quyền; cho dù từ sau triển lãm ảnh hoành tráng (với 1.820 bức ảnh) trong dịp đại lễ đến nay bộ ảnh này vẫn liên tục đến được với người dân qua truyền thông, trưng bày tại trường học, đình làng ở Hà Nội. Do thiếu kinh phí, tôi khó có thể công bố bộ ảnh Sài Gòn này và cũng như các bộ ảnh khác nữa…”
Một số bức ảnh trong bộ sưu tập:
Giao thông trên đường Catinat (ảnh chụp năm 1890).
Một khu phố của người bản xứ (năm 1860).
Người bán trái cây và rau trên phố (năm 1890).
Một ngôi chùa Việt cổ (năm 1900).
Quán rong trên đường phố (năm 1890).
Lăng mộ Đức giám mục Adran Lang Cha ca (năm 1866).
Công trường xây dựng phố Charner trên kênh trung tâm (năm 1866).
Phủ Thống sứ Nam Kỳ dưới ánh điện (năm 1890).
Cảng Sài Gòn và khu phố kiểu kiến trúc thuộc địa (năm 1866).
Cảng dành cho các tàu buôn (năm 1866).
Các hạm tàu trên cảng Sài Gòn (năm 1890).
Tàu thuyền làm thủ tục nhập cảng (năm 1890).
Nhà ở và cửa hàng gần bến cảng (năm 1866).
Bản đồ quy hoạch Sài Gòn (năm 1866).
VAPA (Theo Hồng Minh, Nhandan.vn)