Bối cảnh là cảnh phụ, phục vụ trực tiếp hoặc gián tiếp cho chủ đề chính. Như đã biết, bố cục là công việc đóng khung một khoảng không gian nào đó trước ống kính, từ đó sắp xếp chủ đề và bối cảnh. Một sự tương quan khắng khít giữa đề mục và đề mục phụ. Như vậy đối với chủ đề, vị trí của bối cảnh có thể ở phía trước (tiền cảnh), phía sau (hậu cảnh) hoặc ở hai bên. Bối cảnh bổ sung, tôn vinh và làm rõ nghĩa, làm nổi bật chủ đề. Bối cảnh tuy là phụ nhưng không thể thiếu được trong bố cục.
“Bố cục là kết hợp các thành phần và yếu tố để tạo nên một tổng thể. Đó chính là sắp xếp tương quan liên hệ giữa chủ đề và bối cảnh”. Nhiếp ảnh là loại hình nghệ thuật thị giác, nên bố cục là điểm nổi bật kết tụ hoàn chỉnh cho tác phẩm, ở đó bối cảnh là chất keo, chất xúc tác thể hiện giá trị tổng quan nghệ thuật trong ảnh. Nhìn một bức ảnh, người xem sẽ thích hay không thích, được chú tâm hay lãnh cảm là do sự kết hợp ra sao đó giữa chủ đề và bối cảnh. Có bức ảnh gây sự chú ý, ấn tượng mạnh, nhưng cũng có bức ảnh chỉ được nhìn thoáng qua.
Ảnh chân dung sẽ không đẹp nếu bị hậu cảnh như: tường rõ nét, cây mọc trên đầu, dây phơi cắt ngang cổ…Ảnh phong cảnh, kiến trúc nếu có một mảnh đen tiền cảnh lấn át chủ đề ở trung cảnh có thể sẽ làm mất đi giá trị nghệ thậut; nhưng cũng ảnh đó, nếu lộ ra bầu trời với nền mây trắng, có khi sẽ tôn vinh thêm nét đẹp cho ảnh.
Thầm lặng – Ảnh: Diệp Đức Minh
Bối cảnh thường được thể hiện qua 3 loại: bố cục hình học – bố cục rèm – bố cục chữ cái.
Bố cục hình học: có nghĩa là qua khóe nhìn chọn lựa góc độ đóng khung hoặc chờ chủ đề xoay chuyển tạo thành hình học (vòng cung, bầu dục, chữ nhật, tam giác…) như: diễu hành, múa, biểu diễn hình thể, thể dục thẩm mỹ, thể thao quốc phòng…hoặc do người chụp dàn dựng sắp xếp tạo hình khối như: hái chè, cấy lúa, tuổi thơ ca hát, trò chơi tập thể….
Lớp học Chăm – Ảnh: Trần Tấn Đạt
Bố cục rèm là chọn lựa hoặc tạo nên tiền cảnh trước chủ đề như than cây, chồi non, chùm hoa, cành cây rủ xuống, mùng trắng mỏng trước bé thơ nằm ngủ, kính mờ che thiếu nữ khỏa thân hay tắm…
Bố cục chữ cái tạo ấn tượng, lạ mắt và diễn tả được ý đồ của nội dung được thể hiện ý nghĩa nào đó như chữ C diễn tả sự uyển chuyển, cùng nghĩa với đường cong. Chữ I biểu hiện sự nghiêm nghị, thẳng thắn, chân thực như thể áp dụng đường thẳng đứng. Chữ S miêu tả sự sinh động, hút mắt, mê hoặc tầm nhìn, khác gì khi sử dụng đường uốn khúc, lượn vòng quanh quanh…Muốn thể hiện khó khăn gian khó vất vả, cần tạo đường nét gẫy khúc như hình chữ Z.
Trong bối cảnh, có 2 điểm cần chú ý: tiền cảnh và hậu cảnh. Tiền cảnh là điểm nhấn tăng sự hấp dẫn, kéo hướng mắt nhìn rõ chiều sâu ảnh trường tạo không gian 3 chiều cho ảnh phong cảnh hoàn chỉnh hơn. hậu cảnh là phần bối cảnh nằm phía sau chủ đề, có tác dụng chặn đứng lại tầm nhìn trong bức ảnh. hậu cảnh cần phải mờ, nhòe đối với chủ đề chân dung; cần nét sâu đối với phong cảnh.
Kết luận, ghi ảnh xưa và nay, cổ điển hay hiện đại, bối cảnh luôn nắm phần quan trọng trong bố cục, định hình cho bức ảnh.
HOPA (theo người hướng dẫn – TC ASĐ)