
Sự khác biệt giữa mắt người và ống kính
Trước cảnh vật, mắt người cùng lúc không thể nhìn chi tiết toàn cảnh. Ta chăm chú trong khoảnh khắc vào từng phần, từng chi tiết. Ta thấy cây gần trước hết mắt ta theo dòng sông uốn khúc và thích thú ngắm dãy núi xanh xa. Cánh hoa tím bên đường kéo nhỡn tuyến ta lại. Rồi ta say mê với đàn bướm chập chờn trên thảm cỏ mịn. Tầm mắt của ta luôn luôn đổi chỗ và khi dừng lại ở một điểm nào thì cảnh vật bao quanh như mờ nhòa hẳn đi.
Chiếc ống kính máy ảnh không nhìn giống mắt người. Nó khách quan ghi đầy đủ và rõ nét tất cả những cái gì trên cùng một mặt phẳng. Nó máy móc bắt tất cả những gì ta không ưa. Ngoài ra, ống kính chỉ nhìn hai chiều trong lúc con mắt thấy cả ba chiều, vì thế cảnh vật nổi lên có cả bề sâu mà trong ảnh không có.
- Mắt thấy đủ màu sắc. Ống kính ghi ra đen trắng đậm lợt (đối với người chụp đen trắng)
- Luật viễn cận (gần lớn, xa nhỏ) đối với con mắt không mạnh, không rõ rệt bằng đối với ống kính, nhất là loại ống kính máy nhỏ, tiêu cự ngắn.
- Mắt theo dõi cảnh vật di động, ống kính bắt đứng từng hình ảnh một và tĩnh lặng trên mặt giấy.
Tại chúng ta nhầm tưởng con mắt và ống kính nhìn giống nhau. Muốn không bị phản bội khi thu hình, chúng ta ấn định trường hợp nào con mắt phải nhìn theo ống kính và trường hợp nào phải gò ống kính theo mắt người.
Định luật đơn vị (ống kính theo con mắt)
Như trên đã nói, con mắt nhìn chổ nào, chỉ có chỗ ấy rõ nét, cảnh vật bao quanh đều mở nhòe, dù cùng trên một mặt phẳng. Nói một cách khác, đối tượng của nhỡn tuyến lúc nào cũng có và chỉ có một mà thôi.
Trên cánh đồng bao la hoặc ta nhìn con trâu gặm cỏ hoặc ta nhìn nhánh lá dừa phất phơ trước gió, hoặc ta nhìn mây trôi. Một lúc ta không thấy, cũng như ta không thể thấy ba thứ đó cùng rõ nét.
Thể hiện một tấm ảnh, ta phải đặt câu hỏi: chụp cái gì? “Cái gì” ấy là đối tượng, là chủ đề. Tác phẩm phải có chủ đề và chỉ một chủ đề mà thôi. Ở 100 tấm ảnh lúc khởi đầu bấm máy, có đến 99 tấm không đẹp, bởi vì tác giả khi thể hiện nó, đã để ý tưởng phiêu du, không xoáy vào chủ đề.
a. Lại gần chủ đề
Chúng ta đã có chủ đề: đàn trâu mải mê gặm cỏ. Ngoại cảnh là tàu lá dừa, làng xa chìm trong sương chiều, ta đã liệt xuống thứ yếu.
Chúng ta hãy lại gần đàn trâu. Với mỗi bước đi của ta, những rườm thừa dần dần bị loại bỏ khỏi tầm nhìn
b. Giản dị tột độ
Một trong những đức tính cầnthiết của người chụp ảnh là giản dị. Giản dị để sửa chữa sự tham lam ôm đồm của ống kính, giản dị để chỉ còn có một chủ đề chính như con mắt lúc nhìn cái gì chỉ thấy cái đó.
Ta đã lại gần đàn trâu. Hãy khoan bấm máy vội! Hồi nãy ta đã lại gần để gạt bỏ nhiều chi tiết chỉ còn có đàn trâu thôi, ta còn phải gạt bỏ nữa. Ta không thể trình bày cả đàn trâu, con quay đi, con quay lại lộn xộn. ta nhắm con có đôi sừng vênh, mỡ mình, đuôi dài. Chủ đề chính của ta đó, sự giản dị đến cùng độ này giúp tác phẩm của ta sáng sủa lại rõ rệt.
Trọng điểm, đường mạnh (con mắt theo ống kính)
Đặt chủ đề vào đâu? Theo thói thường ta đặt giữa. Những tấm hình đầu tay của người mới chụp ảnh chứng nhận điều đó, em bé cười giữa ảnh, thân cây mọc giữa ảnh. Con trâu vênh sừng giữa ảnh..v…v..Nhìn, thấy cân nhưng là một thứ cân quá dễ dãi và lỗi thời.
Đặt chủ đề vào giữa, chỉ trừ phi ta định diễn tả sự oai nghiêm, còn thông thường đường nét chia ảnh ra làm 2 phần, 4 phần đều nhau mà cái gì đều nhau đều đi liền nhàm chán.
Không đặt giữa, dĩ nhiên ta đặt vào cạnh. Những nhà làm mỹ thuật từ xưa đã định rõ những khu vực để đặt chủ đề. Đó là những giao điểm của những con đường chia ba mỗi chiều của mặt hình, mang tên điểm mạnh, hoặc trọng điểm. Những con đường tưởng tượng đó gọi là đường mạnh cũng là những nơi có thể đặt chủ đề vào.
ABCD: Khuôn khổ tấm ảnh
O Điểm mạnh, trọng điểm
VV’, XX’, YY’, ZZ’: Đường mạnh
HOPA (theo người hướng dẫn – TC Ánh Sáng Đẹp)