Trong số 10 phóng viên ảnh nổi tiếng nhất có những tay máy lừng danh từng lăn lộn tại chiến trường Việt Nam để ghi lại những hình ảnh hết sức có giá trị.
1. Philip Jones Griffiths
Phóng viên ảnh lừng danh Griffiths trong bức ảnh chụp chung với con gái. |
Philip Jones Griffiths (1936 – 2008) là một trong những phóng viên ảnh chiến tranh nổi tiếng. Ông là phóng viên có mặt trong những năm kháng chiến ác liệt của Việt Nam cũng như những năm tháng hòa bình chiến đấu mang lại công lý cho những nạn nhân chất độc màu da cam ở nước ta.
Một bức hình của Griffiths về Việt Nam. |
Những bức ảnh của ông Griffiths giúp thế giới hiểu được về cuộc chiến tranh Việt Nam mà người Mỹ cố gắng quên đi và những nỗi thống khổ mà nhân dân ta đã trải qua. Qua những bức hình của ông, thế giới cũng biết được tác động khủng khiếp của chất độc màu da cam mà quân đội Mỹ đã sử dụng.
2. Henri Cartier-Bresson
Chân dung phóng viên ảnh Henri Cartier-Bresson. |
Henri Cartier-Bresson (1908 – 2004) là nhiếp ảnh gia người Pháp vĩ đại, ông được coi là cha đẻ của ngành nhiếp ảnh hiện đại. Ông bắt đầu chu du thế giới từ năm 22 tuổi và không mệt mỏi đồng hành cùng với chiếc máy ảnh.
Mặc dù sinh ra trong một gia đình giàu có và tiếp cận với nhiều nhân vật quyền lực nhưng những bức ảnh có sức nặng nhất của ông lại là những hình ảnh về cuộc sống trên đường phố. Ông từng lang thang trên đường phố và ghi lại những hình ảnh thường nhật nhất trong cuộc sống. Một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất của ông là bức ảnh Hyeres về một người đàn ông phóng xe đạp thật nhanh chạy ra phố khi ông Bresson đang đứng trên cầu thang.
Ông cũng từng vác máy rong ruổi khắp châu Âu từ Madrid (Tây Ban Nha) đến Prague (Séc), từ Budapest (Hungary) tới Brussels (Bỉ). Năm 1948, ông nổi tiếng khi chụp ảnh đám ma Mahatma Gandhi, nhà lãnh đạo nổi tiếng của Ấn Độ, và chiến tranh ở Trung Quốc năm 1949.
3. Robert Doisneau
Robert Doisneau |
Robert Doisneau (14/4/1912 – 1/4/1994) là nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Pháp. Cùng với Henri Cartier-Bresson, ông được coi là người tiên phong trong lĩnh vực nhiếp ảnh báo chí. Ông lừng danh với những bức ảnh về đời sống thường nhật ở Paris những năm 1930. Một trong những tác phẩm ấn tượng nhất của ông là Nụ hôn bên tòa thị chính, chụp cảnh một cặp đôi hôn nhau bên cạnh Tòa thị chính Paris
Bức ảnh nổi tiếng Nụ hôn bên tòa thị chính. |
4. David Burnett
David Burnett |
Phóng viên ảnh Burnett tốt nghiệp Đại học Colorado và sau đó dấn thân vào nghiệp ảnh báo chí. Ông có thời là phóng viên cho tạp chí Life và Time phản ánh về chiến tranh Việt Nam. Trong thời gian đó, ông đã ghi lại được rất nhiều hình ảnh có giá trị về cuộc chiến ở nước ta. Sau đó, mặc dù thành lập hãng thông tấn ảnh riêng ở New York nhưng ông vẫn rất yêu nghề. Ông đã rong ruổi ở nhiều nơi trên thế giới để ghi hình những sự kiện nổi tiếng như Olympics, những chiến dịch tranh cử. Những tác phẩm của ông giành được rất nhiều giải thưởng trong đó có World Press Photo.
5. Robert Capa
Robert Capa |
Robert Capa (1923 – 1954) là phóng viên ảnh chiến trường nổi tiếng khắp thế giới. Ông đã lăn lộn để ghi lại những thời khắc ác liệt nhất của cuộc nội chiến Tây Ban Nha, Thế chiến II rồi hi sinh tại Thái Bình, Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Ông xứng đáng là một trong những phóng viên ảnh vĩ đại nhất thế kỷ 20.
Một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất của ông đó là tấm hình ghi lại khoảnh khắc người lính bị bắn và chuẩn bị ngã xuống trong cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha. Đây là bức ảnh ghi lại hoàn hảo tư thế người lính ngã xuống khi bị một viên đạn bắn trúng bụng trên ngọn đồi Iberi cằn cỗi.
Nhiếp ảnh gia dũng cảm, gan dạ và tài năng đó đã ngã xuống ở Thái Bình, Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Nam năm 1954.
6. David Seymour
David Seymour |
Phóng viên ảnh David Seymour, còn được gọi với cái tên Chim, sinh ra ở Warsaw, Ba Lan. Sau đó, ông chuyển đến Paris và bắt đầu đam mê với việc chụp ảnh. Năm 1933, David bắt đầu cầm máy trong vai trò là phóng viên ảnh. Ông đã chụp rất nhiều bức ảnh có giá trị trong cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha và nhiều cuộc chiến khác. Những tác phẩm ấn tượng nhất của ông là các bức hình về trẻ em mồ côi trong chiến tranh.
7. Dorothea Lange
Dorothea Lange hồi còn trẻ. |
Dorothea Lange (1895 – 1965) là một nữ nhiếp ảnh gia nổi tiếng thế giới. Bà sinh ra ở New Jersey (Mỹ) và là con của một cặp vợ chồng di dân người Đức. Bệnh bại liệt từ nhỏ khiến bà phải đi tập tễnh. Có lẽ chính vì những bất hạnh của bản thân nên bà Lange có niềm thương cảm với những người khốn cùng và hướng ống kính về phía họ.
Bà Lange đã chụp rất nhiều bức ảnh về thời kỳ Đại khủng hoảng nhưng bức ảnh nổi tiếng nhất của bà là Người mẹ di cư, khắc họa chân dung một bà mẹ khắc khổ với 2 con dựa 2 vai, đứa nhỏ nằm ngủ ngon trong lòng mẹ.
Bức ảnh về sau đã mang đến sự nổi tiếng cho cả tác giả và nhân vật.
Tác phẩm Người mẹ di cư |
8. Margaret Bourke-White
Margaret Bourke-White trong một lần tác nghiệp. |
Margaret Bourke-White (1904 – 1971) là phóng viên ảnh người Mỹ. Bà giành được rất nhiều danh hiệu như phóng viên chiến tranh nữ đầu tiên, phụ nữ đầu tiên tác nghiệp tại chiến trường, nhiếp ảnh gia nước ngoài đầu tiên được phép chụp ảnh nền công nghiệp Xô Viết và nhiếp ảnh gia nữ đầu tiên có ảnh được đăng lên trang bìa của tạp chí Life. Bà chính là tác giả của bức ảnh Joseph Stalin được đăng trên trang bìa tạp chí Life.
Chân dung của Stalin do bà Margaret Bourke-White trên trang bìa của tạp chí Life. |
9. Eddie Adams
Eddie Adams |
Eddie Adams (1933 – 2004) là nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Mỹ được biết đến qua các nhân vật nổi tiếng, các chính trị gia hàng đầu thế giới và là phóng viên chiến trường trong 13 cuộc chiến tranh.
Bức ảnh đã làm nên tên tuổi và mang lại cho Adams giải Pulitzer là bức ảnh Cảnh sát trưởng Việt Nam cộng hòa Nguyễn Ngọc Loan bắn thẳng vào đầu lính Việt Cộng bị trói tay trên đường phố Sài Gòn vào đầu tháng 2/1968.
Bức ảnh mang lại cho Adams giải Pulitzer. |
Ông đã lăn lộn ở 13 chiến trường trong đó có chiến tranh Việt Nam, Hàn Quốc, vùng Vịnh…. Ông cũng là người thành công trong các bức hình chân dung các nhà lãnh đạo thế giới như Ronald Reagan, Fidel Castro, Giáo hoàng John Paul II, Jerry Lewis…. Ảnh của ông hiện diện trên các tạp chí nổi tiếng như Time, Vogue…
10. Robert Frank
Chân dung Frank cùng với chiếc máy ảnh. |
Robert Frank sinh ngày 9/11/1924, là một nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Thụy Sĩ. Ông Frank sinh ra trong một gia đình Do thái giàu có. Tuy nhiên, khi Hitler lên nắm quyền, ông nhận thấy những điều bất ổn có thể xảy ra mặc dù gia đình ông vẫn an toàn khi ở Thụy Sĩ.
Một bức ảnh đường phố của Frank. |
Năm 1946, Frank bắt đầu công việc của một nhiếp ảnh gia. Một năm sau đó, ông chuyển sang Mỹ và làm nhiếp ảnh thời trang cho tạp chí Harper’s Bazaar. Ông không thích lối sống ở Mỹ vì nó quá nhanh và quá phụ thuộc vào đồng tiền, điều mà ông đã cố gắng trốn chạy khi còn ở quê hương. Sau này ông trở thành phóng viên ảnh cho các tạp chí như Fortune, Vogue và McCall’s.
Theo Đỗ Quyên – Infonet.vn