Nhưng như một lẽ tự nhiên và là điều kiện thiết yếu, mỗi dân tộc chỉ có thể quảng bá hình ảnh của mình, từ đó góp phần làm phong phú văn hóa nhân loại, khi dân tộc đó là chủ nhân của các giá trị văn hóa mang ý nghĩa riêng để có thể giới thiệu và truyền bá. Vấn đề này cần được chú ý khi các quan hệ nhân loại đã trở nên phong phú, điều kiện vật chất – tinh thần phát triển vượt bậc so với trước đây, nhu cầu hướng ra thế giới cũng được nâng cao, trở nên phổ biến. Ðiều đáng nói là ngày nay, người Việt Nam ra nước ngoài không chỉ vì nhu cầu kinh tế, mà còn vì nhu cầu văn hóa, và dù tự phát hay tự giác thì mỗi người cũng đều trở thành “sứ giả văn hóa” của dân tộc mình. Do đó, văn hóa đối ngoại không còn bó buộc trong nhiệm vụ của cơ quan chức năng mà là của mọi người, đòi hỏi mỗi cá nhân phải có sự kết hợp hài hòa giữa khả năng nắm bắt, trau dồi, tích tụ các giá trị văn hóa tiêu biểu của dân tộc mình với khả năng ứng xử linh hoạt, thiện chí khi tiếp xúc với giá trị văn hóa của các quốc gia – dân tộc khác.
Từ nguồn gốc và bản chất của nó, khi tiếp xúc và so sánh văn hóa giữa các cộng đồng, cần nhận thức rằng với văn hóa, không có sự hơn kém mà chỉ có sự khác nhau. Với ngoại giao văn hóa, nhận thức này là sự bảo đảm cho thái độ tự tin trong tiếp xúc và quảng bá. Nhiều người Việt Nam ra nước ngoài với niềm tự hào về văn hóa dân tộc, giúp mọi người hiểu thêm về văn hóa và con người Việt Nam. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với các nước có mức sống cao và nền văn minh phát triển hơn dễ đưa tới tâm thế choáng ngợp, thậm chí làm nảy sinh hiện tượng “sốc văn hóa”. Tâm thế này là có thật, vì có người Việt Nam sau khi du học, làm việc, du lịch… từ nước ngoài trở về thường trầm trồ, xuýt xoa ca ngợi “nước họ” rồi quay sang ỉ eo chê bai “nước ta”. Thậm chí có người cố gắng thay đổi cung cách ứng xử theo “kiểu Tây”, tạo lập từ lối sống, phong cách đến cách ăn uống, lối nói năng theo “kiểu Tây”.
Xét từ các biến thiên lịch sử và tính phức hợp của hệ thống giá trị văn hóa Việt Nam, ngoại giao văn hóa theo phương thức nào, dù được tổ chức theo con đường Nhà nước hay tư cách đoàn thể và cá nhân, thì trước hết vẫn cần phải dựa trên nền tảng của sự am hiểu về văn hóa dân tộc, sự tự ý thức trong quá trình nhập thân với văn hóa dân tộc, khả năng chọn lọc và quảng bá một cách tinh tế, sinh động của các chủ thể làm công việc này. Nói cách khác, chỉ có một nhận thức đúng đắn, một nội lực mạnh mẽ cùng lòng tự hào của con người thì mới có thể phóng chiếu các giá trị tiêu biểu, tiên tiến, độc đáo của văn hóa dân tộc ra ngoài phạm vi dân tộc. Thiết nghĩ, muốn nhân loại hiểu về văn hóa Việt Nam, yêu mến văn hóa Việt Nam, biết quý trọng đất nước và con người Việt Nam thì trước hết mỗi người Việt Nam phải là chủ thể tích cực của văn hóa và luôn ý thức được vai trò “sứ giả văn hóa” của mình trong tiếp xúc nhân loại.
Theo NGUYỄN HÒA – báo Nhân dân