Tại kỳ họp, Hội đồng bàn về công tác chuẩn bị triển khai cụ thể Đề án khoa học cấp nhà nước về “Xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam”. Theo đó, mục tiêu của Đề án là trên cơ sở tổng kết, đánh giá toàn diện quá trình hình thành, phát triển và những vấn đề đặt ra trong lý luận văn nghệ Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến nay, đề xuất và hoàn thành một công trình về lý luận văn nghệ Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, giảng dạy, học tập và vận dụng trong đời sống văn học, nghệ thuật nước ta thời kỳ mới.
Đề án được triển khai từ 2012 đến 2020 theo 2 giai đoạn: Xây dựng định hướng và những nội dung cơ bản trong hệ thống văn nghệ Việt Nam và hoàn thành việc xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam. Trong giai đoạn 1 (2012-2015), dự kiến Hội đồng sẽ triển khai 4 đề tài khoa học, cung cấp cái nhìn tổng thể, có tính tổng kết về 4 vấn đề quan trọng liên quan chặt chẽ với nhau về quá trình hình thành và phát triển lý luận văn nghệ Việt Nam.
Xuất phát từ thực tiễn nền văn học nghệ thuật nước ta còn nhiều hạn chế, từ trước đến nay, Những vấn đề lý luận về các loại hình nghệ thuật hầu như chưa được bàn đến, mà chỉ có các cuốn sách riêng về lý luận văn học cho các nhà trường. Trong khi đó, lĩnh vực lý luận văn nghệ có vai trò rất quan trọng, trực tiếp tổng kết thực tiễn, chỉ ra những quy luật của sự phát triển văn học, nghệ thuật.
Do đó, Hội đồng cũng xác định tầm quan trọng của việc thực hiện Đề án, đặc biệt đối với sự nghiệp văn học nghệ thuật nước ta trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước, góp phần định hướng, điều chỉnh sáng tác văn học, nghệ thuật của một quốc gia, một dân tộc.
Dự kiến từ nay đến kỳ họp thứ tư, trong năm 2012, Hội đồng tiếp tục khẩn trương thực hiện những công việc đang làm, tiếp tục khảo sát triển khai Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị, triển khai hai đề án Chống sự xâm nhập của các sản phẩm độc hại, gây hủy hoại đạo đức xã hội và Ðấu tranh chống quan điểm sai trái trong văn học, nghệ thuật; phối hợp một số hội chuyên ngành tiếp tục tổ chức tọa đàm về nâng cao chất lượng, hiệu quả phê bình; tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho các nhóm chuyên gia chống “diễn biến hòa bình” ở các địa phương; kiến nghị mở lớp tập huấn về lý luận, phê bình cho các cán bộ chỉ đạo, quản lý văn học, nghệ thuật và cán bộ, phóng viên các báo, đài trung ương và địa phương…
HOPA (theo TD-cinet)