Nhân dịp đầu xuân, tôi gặp bà Phạm Vân Loan, ái nữ thứ năm trong 7 người con của ông, nghe những dòng hồi tưởng về người cha, người nghệ sĩ mà bà suốt đời trân trọng, yêu thương, kính phục.
Trò chuyện với con gái cố nghệ sĩ Phạm Văn Mùi tôi cảm nhận bà vẫn còn nhiều chất của phụ nữ Hà Nội xưa dù rằng bà đã cùng gia đình di cư vào Nam từ năm 1954. Hồi ức của bà cứ xen giữa hiện tại và quá khứ, nó không theo một dòng mà là những lát cắt thời gian và không gian về người bố đáng kính.
Tâm tư – ảnh của cố nghệ sĩ Phạm Văn Mùi
Cố nghệ sĩ Phạm Văn Mùi có 7 người con thì chỉ duy nhất bà Vân Loan sống ở Việt Nam. Đã mấy bận tôi ghé nhà lưu niệm của cố nghệ sĩ Phạm Văn Mùi để gặp TS Nguyễn Nhã (con rể nghệ sĩ Phạm Văn Mùi) phỏng vấn về vấn đề Hoàng Sa- Trường Sa, về hành trình xây dựng Bếp Việt do ông nguyên là Viện trưởng Viện nghiên cứu ẩm thực Việt Nam. Những lần ấy, các bức ảnh đen – trắng của cố nghệ sĩ Phạm Văn Mùi trên bức tường như mê hoặc và tôi quyết định gặp bà Phạm Vân Loan.
“Bố tôi”, bà bắt đầu hành trình cảm xúc, “ông rất thương yêu con cháu, chăm sóc từng li từng tí một, dạy từ cách cầm bút, cầm đôi đũa, cách đánh răng; còn mẹ tôi thì dạy nữ công gia chánh, là hình ảnh người phụ nữ “công, dung, ngôn, hạnh” mà tất cả 5 chị em gái chúng tôi đều ảnh hưởng những tính cách của bà cụ”. Cố nghệ sĩ Phạm Văn Mùi sinh tại thành phố Nam Định, nguyên quán làng Đông Ngạc (làng Vẽ), tỉnh Hà Đông, nay thuộc ngoại thành Hà Nội. Sau khi học trường Nam Định, ông làm việc tại Nông Phố Ngân Hàng Nam Định, sau trở thành một chuyên gia và thầy dạy kế toán giỏi tại Nông Phố Ngân Hàng ở Nam Định và Bộ Tài Chánh, sau đó làm tại Nông Tín Cuộc ở Sài Gòn. Ông cũng là người rất có khiếu về nhiếp ảnh và hội họa, đặc biệt là vẽ chân dung vì ông từng là học viên dự thính cùng lớp với họa sĩ Nguyễn Gia Trí của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương Hà Nội.
Là bậc thầy tài ba về kỹ thuật phòng tối, chính công thức tráng phim hai nước thuốc để trị độ tương phản do ông khám phá thời cuối thập niên 50 thế kỷ trước đã được áp dụng vào bộ ảnh “mái tóc”, đem về hàng chục huy chương nổi tiếng trên thế giới. Nổi tiếng nhất trong di sản nhiếp ảnh của nghệ sĩ Phạm Văn Mùi phải kể đến các bộ ảnh “Đôi dòng thác (1961), “Duyên dáng” (1962), “Tâm tư” (1963)… với hình ảnh những thiếu nữ trong bộ áo dài truyền thống, mái tóc mượt mà chấm gót tạo nên vẻ đẹp nền nã, hoài cổ của phụ nữ Việt Nam thời xưa. Không những thế, nghệ sĩ Phạm Văn Mùi còn là người thầy rất tận tâm với học trò, không bao giờ giấu nghề mà luôn truyền đạt tất cả cho các thế hệ học trò, “Bố tôi luôn nói với học trò mong học trò mình phải thành đạt hơn mình và ông quan niệm “Nghệ sĩ nhiếp ảnh cần nhất là cái nhìn, tâm hồn thì mới tìm được tác phẩm hay, đặc sắc”, bà Loan chia sẻ.
Chúng ta đều biết là đầu thế kỷ XX, kỷ thuật nhiếp ảnh ở Việt Nam chưa phát triển nhưng cố nghệ sĩ Phạm Văn Mùi đã mê nó từ sớm. Vì thiếu phương tiện, nên thời đầu mê nhiếp ảnh, ông phải vây tấm màn xung quanh cái bàn để làm phòng tối và chui vào bên trong để in ảnh bằng đèn dầu. Bà Loan vẫn nhớ mãi về một người bố với tính cách kỹ càng, chỉnh chu, để săn được một bức ảnh có khi phải mất hàng giờ liền, canh từng tí một và chờ đúng khoảnh khắc cần chớp và nếu ảnh nào có lỗi là ông xé bỏ ngay chứ không để công bố rộng rãi ra ngoài. Đối với ông, trong công việc và cả trong nghệ thuật phải chỉnh chu, nghiêm túc, cẩn trọng và luôn cần sự hoàn hảo chứ không làm qua loa hay chơi chơi được.
Tôi bắt gặp sự tự hào rực sáng trong đôi mắt bà khi nói về bố mình, từng câu chuyện nhỏ, từng kỉ vật của nghệ sĩ Phạm Văn Mùi đều được bà lưu giữ cẩn trọng. Và bà cũng kể tôi nghe hai câu chuyện đáng nhớ trong cuộc đời của ông ngoài chuyện nhiếp ảnh, chuyện giải thưởng. Ấy là, năm 1981, nghệ sĩ Phạm Văn Mùi chuẩn bị đầy đủ đồ nghề đi săn ảnh cùng một nhóm nhiếp ảnh, hôm đó đến Nhà văn hóa Thanh Niên TPHCM vì mải trò chuyện với bạn bè, học trò, ông để túi xách máy ảnh ở một góc phòng, xong việc quay lại thì chúng đã không cánh mà bay. Cụ tiếc đứt ruột, thế là về nhà nói con cháu bán cái giải thưởng “Con Sò Vàng” mà cụ đã nhận trước đây. Nhưng gia đình giấu cụ không bán, bà Loan đưa ông cụ 5 chỉ vàng y nói đã đổi được để bố mua bộ máy ảnh mới.
Ông cụ thế đó, con cháu gửi ông tiền để mua, ông nhất quyết không chịu: “Cái gì của bố thì bố xài. Bố có cái gì thì bố dùng cái đó, bố chưa cần dùng tiền của các con”. Bà vui vẻ kể tiếp: “Trước ngày ông cụ đi Mỹ, học trò ảnh hỏi Con Sò Vàng bán ở đâu để họ mua về làm kỷ niệm, tôi bèn đem giải thưởng Con Sò Vàng đã cất bấy lâu đưa cụ coi. Cụ mới ngả người, bố cứ tưởng tụi con đã bán và lấy tiền cho bố mua máy ảnh rồi chứ”.
Không chỉ là nhà kế toán giỏi, nhà nhiếp ảnh giỏi mà ông còn là vận động viên bơi thuyền, chơi tennis rất cừ. Vì thế mà ông tự cứu được mình trong một lần té xuống rạch gần kênh Thị Nghè, chỉ vì né một người đi đường trên một chiếc cầu ván gỗ gập ghềnh không có thành cầu từ Tân Định về Phú Nhuận mà cả ông và chiếc xe đạp bị quăng xuống kênh. Con cháu hết hồn bảo sao bố té xuống lỡ có chuyện gì thì sao: “Bố té xuống sông thì bố bơi vào bờ chứ sao”, “ ông cụ trả lời tỉnh bơ vậy đó cô”.
Duyên dáng – ảnh của cố nghệ sĩ Phạm Văn Mùi
Dù rằng trong 7 người con cố nghệ sĩ Phạm Văn Mùi, chỉ có một người theo nghiệp nhiếp ảnh nhưng tất cả những người còn lại đều mê ảnh, biết tự tặng cho mình, bạn bè và gia đình những bức ảnh đẹp. Là người sống bên bố gần trọn cuộc đời, bà Vân Loan nhiều lần giúp bố chấm lỗi trên các bức ảnh bằng bút lông với mực tàu, và bà cũng là cô con gái được ông cụ chọn làm người mẫu cho một số bức chân dung nên tình cảm bố con rất sâu sắc.
Nói về những tác phẩm của cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Văn Mùi, GS-TS Trần Văn Khê từng nói rằng: “Tôi như nghe thấy nhạc, đọc thấy thơ trong từng bức ảnh của Phạm Văn Mùi. Với những tấm ảnh đen trắng, đẹp như tranh thủy mặc, Phạm Văn Mùi lấy cái đơn sơ, giản dị để làm rung động lòng người… Những bức ảnh của Phạm Văn Mùi sẽ là bài học lớn cho các thế hệ nhà nhiếp ảnh hiện đại. Vì ngày xưa máy ảnh chỉ làm 20% công việc. Còn người cầm máy phải làm tới 80%. Nhưng bây giờ thì ngược lại”.
Ngoài ra, cố nghệ sĩ Phạm Văn Mùi còn là một nhà phê bình, biên khảo và lý luận sắc bén, một họa sĩ, một thi sĩ với lòng yêu quê hương nồng nàn. Năm 1991, khi qua Mỹ thăm con cháu chưa kịp quay về quê hương như ước nguyện thì ông mất tại California, đó quả là một sự nuối tiếc không chỉ cho bản thân ông mà còn cho gia đình và những học trò của ông.
Hơn 60 năm cầm máy với hàng trăm tác phẩm được sáng tác, nhưng do hoàn cảnh chiến tranh, nhiều tác phẩm của ông bị thất lạc và năm 2007, gia đình và học trò ruột của ông là nghệ sĩ nhiếp ảnh Thu An đã dày công lựa chọn những tác phẩm tiêu biểu nhất trong sự nghiệp của nghệ sĩ Phạm Văn Mùi để in “Ảnh nghệ thuật Phạm Văn Mùi”. Những tác phẩm tiêu biểu này được trưng bày vĩnh viễn tại Nhà lưu niệm của cố nghệ sĩ ở TPHCM.
Ảnh hưởng từ bố nếp sống cẩn thận, nguyên tắc, chỉnh chu và tính cách thành thật, trung thực, không giấu nghề, bà Phạm Vân Loan (vợ của TS sử học Nguyễn Nhã) giờ là chuyên gia ẩm thực món ngon Hà Nội, cùng chồng tiếp tục sứ mệnh hành trình xây dựng thương hiệu ẩm thực Bếp Việt. Cả hai ông bà đang sống và gìn giữ nhà lưu niệm cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Văn Mùi. Nơi để những nghệ sĩ nhiếp ảnh, công chúng yêu ảnh nghệ thuật đen – trắng đến thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật vang bóng một thời.
Theo Thiên Thanh- petrotimes.vn