Sau khi tác giả Vũ Thế Long và 28 nhà nhiếp ảnh khác dọa kiện ra tòa công ty VEC về việc xâm phạm bản quyền ảnh đã được hòa giải, không khó nhận ra rằng, cùng với phong trào chụp ảnh của những tay máy nghiệp dư ngày càng nở rộ, bản quyền nhiếp ảnh sẽ còn được nhắc đến nhiều trong thời gian tới…
Từ chuyện của Vũ Thế Long
Ngày 14-12, nhà nhiếp ảnh Vũ Thế Long (Hà Nội) bất ngờ thấy trên băng rôn và banner chương trình Nối vòng tay lớn 2007 hai bức ảnh Em bé Mông và Anh em Mông do ông chụp và đưa lên website: www.photo.vn với bút danh ‘longcocanh’ sau chuyến đi thực tế ngày 9-12. Ông Long thấy không đề tên tác giả dưới các tấm ảnh này và bố cục ảnh bị thay đổi.
Ngày 15-12, ông gửi đơn tới Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty cổ phần Giải trí và truyền thông Việt Nam (VEC), đơn vị phối hợp thực hiện chương trình. Theo đó, ông Long đề nghị: Trước ngày 20-12, ông phải được biết chính xác số lượng banner, băng rôn có sử dụng hai bức ảnh; gỡ bỏ toàn bộ các băng rôn có sử dụng hình ảnh; bồi thường danh dự số tiền tượng trưng 10 triệu đồng; xin lỗi công khai trên ba số báo liên tiếp.
Sau khi lời qua tiếng lại cả ngoài đời và trên mặt báo, VEC có văn bản xin lỗi ông Long và các thành viên trang web.
Bao giờ có Trung tâm bảo vệ quyền tác giả ảnh Việt Nam?
Vụ việc nói trên không còn xa lạ. Năm 2003, phiên tòa xét xử vụ nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Bảo kiện NXB Văn hóa dân tộc và soạn giả Nguyễn Khắc Cần sử dụng bức ảnh Từ phản lực siêu âm đến chiếc xe trâu kẽo kẹt của ông để đưa vào cuốn sách ảnh Việt Nam cuộc chiến, 1858-1975. Tấm ảnh bị cắt mất 2/5 và không chú thích tên tác giả. Trước tòa, ông Cần đưa ra chứng cứ, ông lấy bức ảnh từ cuốn sách Chỉ có một Việt Nam của Bungaria xuất bản từ năm 1972. Mặc dù Thanh tra Bộ VH-TT đã có công văn kết luận sai sót từ phía NXB là đã không ghi tên tác giả khi đăng, đăng không toàn vẹn tác phẩm và không chi trả nhuận bút nhưng phiên tòa xét xử chỉ chấp nhận yêu cầu NXB cải chính sai sót trên các phương tiện truyền thông đại chúng và nếu tái bản thì sẽ phải được sự đồng ý của tác giả bức ảnh và TTXVN (đơn vị sở hữu bức ảnh). Tòa đã bác bỏ yêu cầu bồi thường 10 triệu đồng với lý do không có cơ sở nào để kết luận ông Nguyễn Khắc Cần và NXB đã cắt xén bức ảnh của ông Bảo và không có căn cứ để bồi thường.
Còn những bức ảnh bị ‘xào xáo’ để biến thành tác phẩm dự thi thì khá nhiều. Bức tranh cổ động Tất cả trẻ em nghèo được học của Chu Ngọc Thăng (Hà Nội) gần như bê nguyên xi bức ảnh Lớp học vùng cao của nhà nhiếp ảnh Lê Hồng Linh (Thành phố Hồ Chí Minh), chỉ thay phông nền. Tác phẩm Nụ hôn của gió của Nguyễn Thế Long bị Nguyễn Trung Kiên xử lý bằng các thao tác kỹ thuật trên máy vi tính để biến thành bức tranh cổ động Đảng là cuộc sống của tôi.
Tất cả những vụ việc ‘cầm nhầm’ ảnh của người khác chỉ bị phát giác khi gắn với các sự kiện lớn hay giải thưởng cao. Còn rất nhiều những tác phẩm khác bị sử dụng vô tội vạ để minh họa trong các cuốn sách, tạp chí, báo… mà tác giả không hề được xin phép, không trả tiền bản quyền và đa số trường hợp này đều… quên đề tên tác giả (!).
Để góp phần giải quyết tình trạng này, theo ông Chu Chí Thành – Chủ tịch Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam: Hội sẽ tiến tới thành lập Trung tâm bảo vệ quyền tác giả ảnh Việt Nam. Ngoài việc bảo vệ quyền lợi cho các nhà nhiếp ảnh có tác phẩm bị xâm hại, đây còn là nơi thu tiền bản quyền để chi trả cho các thành viên đã ký hợp đồng với trung tâm, đồng thời tiến hành các giao dịch khác liên quan đến bản quyền ảnh…
Ông nhấn mạnh: ‘Khi cá nhân hay tổ chức trót ‘cầm nhầm’, việc không khó khăn là xin lỗi công khai và trả tiền nhuận bút ảnh theo giá thông thường căn cứ vào mục đích sử dụng tác phẩm hay giá trị lợi nhuận từ việc khai thác hình ảnh. Tác giả ảnh không mong muốn sự việc xảy ra để đòi nhuận bút ảnh mà quan trọng là muốn được tôn trọng quyền nhân thân đối với tác phẩm. Vụ việc xảy ra đến đâu tùy thuộc vào ứng xử của người trong cuộc với nhau, nhưng tôi muốn nói, thái độ tôn trọng nhau là quan trọng nhất’.