YÊU NHỮNG NỤ CƯỜI TỎA NẮNG
55 bức ảnh chân dung đen trắng của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thế Phong vừa ra mắt công chúng tại Hội Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh đã đem lại những xúc cảm đặc biệt với những khuôn hình có sức truyền cảm mạnh mẽ, chạm đến trái tim của mọi người.
Các tác phẩm giới thiệu tại triển lãm được trích trong số 100 chân dung của cuốn sách ảnh “Chân dung” vừa ra mắt bạn đọc. Đây là những bức ảnh được chọn lọc từ hàng ngàn bức chân dung mà Trần Thế Phong chụp trên khắp mọi miền đất nước trong hơn 10 năm qua (2005-2015).
Ở mỗi bức chân dung, người xem như bị cuốn hút vào những cảnh đời, những câu chuyện, những số phận thật đặc biệt. Đó là đứa trẻ âu yếm ôm chặt đôi chân bị thương tật của người cha; là bà mẹ trẻ cùng con gái lượm rác ở Nha Trang; là người thợ cắt tóc chân chất trên hè phố; là cụ già mua bán ve chai; là những đứa trẻ bán báo, bán vé số; bà cụ già bán chuối trên cầu Calmet… Đi sâu vào đề tài những người lao động bình dân, giản dị, có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt… nhưng những bức chân dung của Trần Thế Phong mang đậm tính nhân văn và có sức truyền cảm mạnh mẽ. Thật bất ngờ và ngạc nhiên khi tất cả những con người bình dị, dẫu đang vật lộn với cuộc sống mưu sinh lại có một gương mặt bừng sáng với những nụ cười tỏa nắng lấp lánh… qua những khoảnh khắc trong khuôn hình của Trần Thế Phong. Những bức chân dung sống động ấy đã truyền đền cho mọi người một niềm vui sống, một năng lượng tự nhiên, vô hình nhưng cũng rất mạnh mẽ.
Xuất thân từ một đứa trẻ bán báo trên đường phố, Trần Thế Phong đã biết khai thác thế mạnh của mình với những trải nghiệm từ thực tế cuộc sống mà không phải ai cũng có được. Anh chia sẻ: “Tôi đã có những khoảng thời gian đặc biệt quí giá với những con người có thân phận đặc biệt này và tôi muốn qua những tác phẩm, lột tả được những nét đẹp trong tâm hồn và tôn vinh họ. Chính họ đã truyền cho tôi niềm lạc quan, niềm vui sống và tôi muốn chia sẻ điều đó với mọi người…”. Để có được 100 bức ảnh được tuyển chọn, bước chân của Trần Thế Phong đã lang thang khắp mọi miền đất nước, trải bao mưa nắng. Để chuẩn bị cho cuốn sách và triển lãm, tác giả đã mất 8 tháng trời, mỗi đêm chỉ ngủ vài tiếng đồng hồ.
Bắt đầu khởi nghiệp từ năm 2000 khi mới 24 tuổi, Trần Thế Phóng đã tạo dấu ấn với tác phẩm đầu tay: “Hoàng hôn trên cầu Mỹ Thuận” (2000) – Huy chương Vàng của Hội Nhiếp ảnh TPHCM; Huy chương Bạc của Bộ Văn hóa- Thông tin. Anh cũng khởi nghiệp ảnh báo chí với bộ ảnh nổi tiếng “Trẻ em ờ bãi rác Đông Thạnh” – Giải báo chí TP HCM, Giải thưởng Lớn ở Nhật Bản và là phóng viên ảnh thời sự của nhiều tờ báo , 6 lần đoạt giải báo chí. Vừa qua, anh cũng là một trong những tác giả giành giải Ba Giải báo chí thành phố Hồ Chí Minh 2018 với phóng sự ảnh “Thành phố nghĩa tình”.
Anh đã xuất bản 7 tập sách ảnh.
Bài: Việt Hà
Box: Các triển lãm ảnh của Trần Thế Phong tại thành phố Hồ Chí Minh